Việt kiều Australia giúp trẻ nghèo thành ‘siêu đầu bếp’

Jimmy Pham, Việt kiều người Australia, đã đem tới cơ hội đổi đời cho hơn 1.000 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Cuối những năm 1990 tại Hà Nội, Jimmy Pham được mách anh đã bị lừa. Một nhóm trẻ em đường phố, những em mà Pham chia sẻ thức ăn, chỗ ở và tiền bạc suốt nhiều tháng, thú nhận với anh rằng một em đã lấy cắp áo khoác da của Pham đem cầm đồ, những em khác lấy trộm tiền nhà mà Pham cho thuê.

“Thay vì quay lưng lại với các em, tôi nhận ra nếu thực sự muốn giúp đỡ, tôi cần giúp bọn trẻ có nghề và kỹ năng”, Pham nói trong bài phỏng vấn đăng ngày 4/8 trên trang web tổ chức Global Citizen. “Tôi bảo các em, ‘Tôi sẽ không cho cho các em cá mỗi ngày, mà cho cần câu’. Đó là khởi đầu của KOTO”.

Jimmy Pham (giữa) và các học viên KOTO. Ảnh: Jimmy Pham.
Jimmy Pham (giữa) và các học viên KOTO. Ảnh: Jimmy Pham.

Know One Teach One (KOTO – Biết một dạy một), doanh nghiệp xã hội đầu tiên tại Việt Nam, được Pham thành lập vài tháng sau. Mẹ của anh, người từng là trẻ mô côi đường phố Việt Nam, cũng giúp đỡ bằng cách đứng ra vay ngân hàng. Tổ chức khởi điểm là một quầy bán bánh mỳ nhỏ, thuê 9 em phụ việc, đã phát triển và trao quyền cho thanh thiếu niên Việt Nam có hoàn cảnh thiệt thòi bằng cách dạy các khóa học về ngành dịch vụ, kỹ năng sống, tiếng Anh, công nghệ thông tin, nuôi ăn ở suốt hơn hai năm.

Tính đến 2021, KOTO đã đem lại cơ hội đổi đời cho hơn 1.000 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Tổ chức của Pham được công nhận khắp thế giới, mang về cho anh giải thưởng Zero của Unicef cho sáng kiến hỗ trợ trẻ em năm 2013, và giải thưởng King Hammad về trao quyền cho thanh niên vì mục tiêu phát triển bền vững năm 2020.

Năm nay, Jimmy Pham là người chiến thắng giải Công dân Toàn cầu Waislitz 2021, bao gồm 50.000 USD tiền mặt. Pham cho hay số tiền này sẽ giúp KOTO không bị nhấn chìm bởi đại dịch, đảm bảo cho 100 em đang tham gia chương trình có thể tốt nghiệp. Khi tốt nghiệp, các em sẽ hoàn thành chương trình giảng dạy do Học viện Box Hill của Australia công nhận và gia nhập lực lượng lao động trong nghề dịch vụ ăn uống với Chứng chỉ Khách sạn Nhà hàng Australia, những điều kiện mà theo Pham là vô giá.

“Đó là con đường dẫn tới giáo dục đại học”, Pham giải thích. “Australia vừa ban hành thị thực tay nghề ngắn hạn cho đầu bếp, do đó chứng chỉ giúp các em xin được thị thực ngay lập tức. Ai cũng biết học viên của chúng tôi được đào tạo bài bản, không gian lận”.

Thành công của KOTO đã được chứng minh. 100% học viên tốt nghiệp, những người buộc phải xác nhận gia đình có hoàn cảnh khó khăn để đủ điều kiện tham gia chương trình, đều tìm được việc làm ổn định trong ngành khách sạn. Những người sống ở Việt Nam mang về cho gia đình tổng thu nhập trung bình hàng tháng cao hơn 96% so với mức lương tối thiểu mà nhà nước quy định, cao hơn 90% so với mức lương trung bình tháng ngành dịch vụ khách sạn trong năm ngoái. Hơn 30% giữ vị trí quản lý, trong khi 78% kiếm đủ tiền hỗ trợ anh chị em trong gia đình tiếp tục đi học.

“Tôi từng đào tạo một nhóm chỉ có trình độ lớp 4. Các em không có giấy tờ tùy thân, vì vậy ban đầu chỉ có hai cách kiếm tiền là sửa xe đạp hoặc làm chui mà không được ký hợp đồng”, Pham nói. “Ngành dịch vụ khách sạn dường như là kỹ năng dễ nhất mà tôi có thể truyền lại cho các em”.

Rời Việt Nam năm hai tuổi, Pham cùng gia đình sang Singapore trước khi tới Arab Saudi và cuối cùng tới Australia định cư vào 6 năm sau. Hành trình trưởng thành của Pham đầy khó khăn, sống trong căn hộ chật chội và bằng phiếu mua hàng giảm giá. Tuy nhiên, Pham cho rằng sự kết hợp của cả hai thế giới đã khơi dậy tinh thần cống hiến của anh và làm nên KOTO ngày nay.

“Tôi đến từ hai nơi tốt nhất thế giới: Việt Nam và Australia. Tôi kết hợp triết lý giúp đỡ người yếu thế của người Australia với truyền thống bác ái của người Việt Nam”, Pham nói. Anh hy vọng học viên KOTO sẽ giữ vững tiêu chuẩn từ thiện ấy.

“Chúng tôi lập ra quy trình tuyển dụng nghiêm ngặt. Học viên phải thể hiện tinh thần cho đi. Các em không thể tự cho mình cái quyền ‘Tôi là trẻ mồ côi, nên thế giới này nợ tôi'”, Pham bày tỏ. “Tôi không muốn các em trả ơn tôi, dù đó là truyền thống của người châu Á. Tôi muốn các em cho đi để thay đổi một cuộc đời khác. Với tôi, đó mới là thành công có ý nghĩa”.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
homescontents