Lái ôtô ở tuổi 15 tại Thụy Điển

Ở tuổi 15, Christiansen còn quá nhỏ để lấy bằng lái, nhưng đã có thể điều khiển chiếc BMW màu xanh bóng bẩy với tốc độ chậm trên đường.

“Cháu nhận nó vào tháng 4 năm ngoái, nhân dịp sinh nhật”, Evelina Christiansen tự hào nói, chỉ tay vào chiếc BMW series 5 màu xanh đậm đang đỗ trên lối vào căn nhà của gia đình ở ngoại ô phía nam Stockholm. “Cháu thường lái xe đến trường hoặc đi gặp bạn bè”.

Đây là phần thưởng đặc biệt cho thành tích học tập của cô bé. Ở những vùng ngoại ô giàu có của thủ đô Thụy Điển, cảnh thiếu niên lái xe sang trên đường không còn là chuyện lạ.

Theo quy định có tuổi đời gần một thế kỷ ở quốc gia này, trẻ em từ 15 tuổi trở lên có thể điều khiển ôtô các loại mà không cần bằng lái, miễn là phương tiện được hoán cải để đạt tốc độ tối đa 30 km/h, không nhanh hơn xe điện ở sân golf.

Những chiếc xe này được gọi là “A-traktor”, đang trở nên phổ biến trong những năm gần đây, đến mức giới chức lo ngại về tình trạng tai nạn đường bộ gia tăng.

Evelina Christiansen, 15 tuổi, tạo dáng bên chiếc BMW series 5 được hoán cải ở Huddinge, Thụy Điển, ngày 10/2. Ảnh: AFP.
Evelina Christiansen, 15 tuổi, tạo dáng bên chiếc xe được hoán cải ở Huddinge, Thụy Điển, ngày 10/2. Ảnh: AFP.

A-traktor bắt buộc phải dán cảnh báo màu đỏ ở phía sau để người tham gia giao thông nhận biết phương tiện di chuyển với tốc độ chậm. Ghế sau cũng bị loại bỏ. Tài xế chỉ chở được một hành khách.

Tất cả những gì cần là giấy phép lái xe máy cho người từ 15 tuổi trở lên, hoặc bằng lái máy kéo dành cho người trên 16 tuổi.

Quy định này được cho là “dễ chịu một cách đáng ngạc nhiên” đối với quốc gia nổi tiếng về mức độ an toàn đường bộ. Thụy Điển có luật cấm lái xe khi uống rượu bia rất nghiêm ngặt. Dây an toàn ba điểm cũng là phát minh của nước này.

Quy định này thậm chí còn được nới lỏng hơn nữa vào năm 2020, khi giới chức cho phép giới hạn tốc độ tối đa của ôtô bằng phương pháp điện tử, giúp quá trình hoán cải ôtô hiện đại trở nên dễ dàng hơn nhiều.

Ban đầu chỉ phổ biến ở các vùng nông thôn, xu hướng này dần lan đến thành thị, khi giới trẻ bắt đầu sở hữu “xế hộp” cho riêng mình. Lượng A-traktor được đăng ký ở quốc gia 10,3 triệu dân đã tăng gấp đôi lên 50.000 phương tiện chỉ sau hai năm rưỡi.

Một giao lộ ở Stockholm, thủ đô Thụy Điển, ngày 30/10/2020. Ảnh: AFP.
Một giao lộ ở Stockholm, thủ đô Thụy Điển, ngày 30/10/2020. Ảnh: AFP.

Quy định này bắt nguồn từ thời kỳ suy thoái những năm 1930, khi Thụy Điển lâm cảnh thiếu thiết bị nông nghiệp. Chính phủ đã cho phép chế tạo những chiếc ôtô đơn giản, nhằm khuyến khích sản xuất phương tiện giá rẻ khi máy kéo nằm ngoài tầm với của nông dân.

Đến những năm 1950, máy kéo dần phổ biến khi kinh tế Thụy Điển phát triển thịnh vượng, khiến nhu cầu về những phương tiện kiểu gia đình này bắt đầu giảm. Nhưng ở nông thôn, người trẻ vẫn thoải mái sử dụng chúng để đi lại, đặc biệt tại các khu vực mật độ phương tiện giao thông thưa thớt.

Năm 1963, điều khiển A-traktor được nhà nước chính thức hóa. Nhưng đến năm 2018, giới chức mới thiết lập quy trình kiểm tra bắt buộc để đánh giá các loại phương tiện này có đủ điều kiện chạy trên đường hay không.

Đối với nhiều thanh thiếu niên nông thôn, A-traktor tượng trưng cho ước mơ độc lập. Đây cũng là tâm điểm của văn hóa xe độ đang phát triển ở quốc gia Bắc Âu.

Tại thị trấn Karlstad phía tây, Ronja Lofgren, 17 tuổi, thường xuyên gây chú ý với chiếc xe tải Scania Vabis nặng 5,5 tấn từ năm 1964 mà cha cô lấy về từ bãi phế liệu.

Cô sơn chiếc xe tải màu xanh đỏ rực rỡ và lắp rất nhiều đèn pha, đồng thời dán khẩu hiệu “Nữ hoàng xa lộ” và “Di chuyển thật phong cách” ở mặt trước và sau. “Có nhiều người rút điện thoại và quay video lúc tôi lái nó trong thị trấn”, Lofgren nói.

Ronja Lofgren và chiếc Scania Vabis được hoán cải trên đường phố Karlstad, Thụy Điển, tháng 6/2022. Ảnh: Instagram/Ronizz10.
Ronja Lofgren và chiếc Scania Vabis được hoán cải trên đường phố Karlstad, Thụy Điển, tháng 6/2022. Ảnh: Instagram/Ronizz10.

Tuy nhiên, sau khi xu hướng A-traktor bùng nổ, các công ty bảo hiểm và cảnh sát cảnh báo rằng số vụ tai nạn liên quan đến loại phương tiện này đã tăng hơn 5 lần chỉ trong 5 năm. Số ca bị thương vượt 200 trường hợp mỗi năm. Có 4 ca tử vong chỉ trong năm ngoái.

Liên minh châu Âu (EU) chỉ trích quy định này hồi đầu tháng 3, đề xuất rằng bắt buộc phải có giấy phép hoán cải xe. Cơ quan quản lý giao thông Thụy Điển gần đây đề xuất bắt buộc thắt dây an toàn và sử dụng lốp xe mùa đông giống ôtô thông thường.

Trong khi đó, đây lại là cơ hội kinh doanh đối với nhiều người. Oskar Flyman, 21 tuổi, và em trai bắt đầu cung cấp dịch vụ hoán cải ôtô thành A-traktor từ năm 2021.

Nhà để xe của hai anh em ở ngoại ô phía bắc Stockholm có nhiều mẫu xe sang. Họ chuyển đổi khoảng 5-6 chiếc mỗi tháng. “Những chiếc A-traktor có giá từ 3.000-19.000 USD. Nếu bạn có sẵn ôtô, một lần chuyển đổi thường có giá khoảng 2.400 USD”, Flyman nói.

homescontents