37 cáo buộc ông Trump bị truy tố trong vụ tài liệu mật

Cựu tổng thống Mỹ đối mặt 37 cáo buộc trong vụ hồ sơ mật, trong đó nghiêm trọng nhất là việc cất giấu 31 tài liệu quốc phòng.

Cựu tổng thống Donald Trump ngày 13/6 trình diện tòa án liên bang ở thành phố Miami, bang Florida. Sau khi nghe cáo trạng, Todd Blanche, một trong hai luật sư của Trump, đại diện thân chủ khẳng định ông vô tội.

Vào tháng 1/2022, ông Trump đồng ý trả lại 15 thùng hồ sơ cho Cơ quan Hồ sơ và Lưu trữ Quốc gia Mỹ. Các quan chức phát hiện trong đó có hơn 700 trang hồ sơ được đánh dấu mật.

Tháng 5/2022, cựu tổng thống Trump nhận trát từ đại bồi thẩm đoàn, yêu cầu ông trả lại các hồ sơ mật khác. Đại bồi thẩm đoàn là nhóm công dân đến từ nhiều lĩnh vực được lựa chọn để nghe công tố viên trình bày danh sách cáo trạng kèm theo bằng chứng, vật chứng. Nhóm công dân này có trách nhiệm xem xét lập luận của công tố viên và ra quyết định có truy tố bị cáo hay không.

Nhóm luật sư của ông Trump sau đó giao nộp 38 trang được đánh dấu mật và nộp chứng nhận khẳng định rằng tất cả hồ sơ mật đã được trả lại cho chính phủ Mỹ.

Tuy nhiên, vào tháng 8/2022, FBI khám xét dinh thự Mar-a-Lago của ông Trump ở Palm Beach và thu thêm khoảng 13.000 hồ sơ, khoảng 100 trang trong đó được đánh dấu mật. Trong những trang này, một số còn được đánh dấu là “tối mật”, mức độ phân loại dành riêng cho những bí mật cần được cất giữ nghiêm ngặt.

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trước người ủng hộ ở sân golf của ông tại Bedminster, bang New Jersey ngày 13/6. Ảnh: Reuters
Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trước người ủng hộ ở sân golf của ông tại Bedminster, bang New Jersey ngày 13/6. Ảnh: Reuters

Bản cáo trạng với ông Trump dài 49 trang, nêu 37 cáo buộc về 7 tội danh. Nghiêm trọng nhất là 31 cáo buộc đưa ra theo Đạo luật Gián điệp, coi việc lưu giữ trái phép thông tin quốc phòng là tội hình sự. Luật này được ban hành từ thời Thế chiến I để ngăn chặn việc tiết lộ thông tin quốc phòng có thể có ích với đối thủ nước ngoài. Ông Trump được cho đã lưu trữ 31 tài liệu quốc phòng tại Mar-a-Lago.

Ông Trump và trợ lý Walt Nauta còn bị cáo buộc âm mưu cản trở công lý vì không giao nộp những tài liệu theo yêu cầu của đại bồi thẩm đoàn.

Ông Trump và Nauta cũng bị cáo buộc cố ý giữ lại tài liệu hoặc hồ sơ khi di chuyển các thùng tài liệu để luật sư không thể tìm thấy và giao nộp cho đại bồi thẩm đoàn. Hành động này cũng khiến họ phải chịu thêm cáo buộc che giấu tài liệu hoặc hồ sơ một cách sai trái.

Họ đối mặt thêm cáo buộc che giấu tài liệu trong cuộc điều tra liên bang và lập mưu che giấu, khi giấu FBI và đại bồi thẩm đoàn việc ông Trump tiếp tục giữ tài liệu ở Mar-a-Lago.

Cáo buộc khai báo gian dối được đưa ra liên quan đến việc Trump khiến cho luật sư của mình thông báo sai với FBI và đại bồi thẩm đoàn rằng đã giao nộp toàn bộ tài liệu mật ở dinh thự ở Mar-a-Lago.

Mỗi tội danh trong cáo trạng có mức phạt tiền tối đa là 250.000 USD và mức án tù cao nhất lên tới 20 năm.

“Luật pháp để bảo vệ thông tin quốc phòng rất quan trọng đối với an toàn và an ninh Mỹ. Chúng phải được thực thi”, Jack Smith, công tố viên đặc biệt của Bộ Tư pháp phụ trách vụ truy tố Trump, nói.

Cựu tổng thống đã nhiều lần nói rằng cuộc điều tra nhắm vào ông là “cuộc săn phù thủy” mang động cơ chính trị. Giới quan sát cho rằng để biện hộ, ông Trump có thể sẽ lập luận rằng ông bị truy tố “có chọn lọc”, viện dẫn thực tế Tổng thống Joe Biden và cựu phó tổng thống Mike Pence không bị truy tố dù giới chức phát hiện cả hai đều giữ hồ sơ mật sau khi rời nhiệm sở. Các tài liệu mật của ông Biden có từ thời ông còn là phó tổng thống và thượng nghị sĩ.

Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý cho rằng luật sư của Trump sẽ khó duy trì được lập luận này. Họ phải chứng minh thân chủ bị nhắm vào một cách cố ý vì những lý do tùy tiện, cũng như công tố viên từ chối đưa ra cáo buộc chống lại những người khác trong hoàn cảnh tương tự.

Không giống ông Trump, ông Biden và ông Pence đã lập tức hoàn trả các hồ sơ và phối hợp tìm kiếm thêm tài liệu. Bộ Tư pháp Mỹ chưa hoàn thành điều tra sự việc của ông Biden và đã bỏ cuộc điều tra với ông Pence vào ngày 1/6.

Trump tuyên bố ông đã giải mật các tài liệu trước khi đem chúng đến tư dinh. Tổng thống Mỹ có thẩm quyền giải mật tài liệu, nhưng điều này thường được trình bày bằng văn bản và thực hiện thông qua các kênh đã thiết lập. Tuy nhiên, ông Trump chưa đưa ra bằng chứng cho thấy ông đã làm điều này.

Trump và các đồng minh cũng nói rằng ông có lệnh giải mật định kỳ các tài liệu ông mang từ Phòng Bầu dục tới khu sinh hoạt riêng ở Nhà Trắng, song chưa cung cấp bằng chứng.

Về cáo buộc cản trở công lý, Trump có thể lập luận rằng ông chỉ hành động theo những khuyến nghị của luật sư và do đó không thể kết tội. Ông cũng có thể tìm cách đổ lỗi cho cấp dưới hoặc cáo buộc họ lừa đảo.

Trước những người ủng hộ ở New Jersey tối 13/6, Trump bác bỏ cáo trạng nhằm vào ông, coi đó là “lạm quyền”. “Hôm nay chúng ta chứng kiến sự lạm dụng quyền lực tai hại và ghê tởm nhất trong lịch sử đất nước. Đây là điều rất đáng buồn. Ngày hôm nay sẽ trở thành nỗi ô nhục”, cựu tổng thống Mỹ cho hay.

homescontents