Covid 24h: Hà Nội phong tỏa chợ Long Biên, TP HCM hơn 1.000 F0 nặng

Hà Nội phong tỏa chợ đầu mối Long Biên với 1.200 hộ kinh doanh; TP HCM có 1.026 F0 nặng đang thở máy, 15 người phải can thiệp ECMO.

Ngày 3/8, Việt Nam ghi nhận 8.377 ca nhiễm Covid-19 cộng đồng tại 46 tỉnh, thành. Số ca nhiễm chủ yếu tại TP HCM (4.171), Bình Dương (1.606), Long An (566), Đồng Nai (364), Tây Ninh (298), Khánh Hòa (189), Đồng Tháp (141), Cần Thơ (120), Bến Tre (98), Hà Nội (98)… Trong đó, 6.807 ca được phát hiện ở khu cách ly hoặc khu phong tỏa; 1.570 ca đang điều tra dịch tễ. Số ca nhiễm hôm qua tại TP HCM và Hà Nội đều giảm so với ngày trước đó.  

Tại Hà Nội, chợ đầu mối Long Biên với 1.200 hộ kinh doanh bị phong tỏa từ chiều 3/8, do phát hiện ca F0 (trú ngõ 187 Hồng Hà) đến giao hàng cho một số tiểu thương. Chính quyền phường Phúc Xá phát thông báo khẩn, tìm người đến ngõ 187 Hồng Hà và chợ Long Biên từ ngày 18/7 đến 3/8. Những người đã đến hai địa điểm trên được khuyến cáo tự cách ly y tế tại nhà và liên hệ ngay với cơ quan y tế quận hoặc CDC Hà Nội.

Chính quyền đã lấy mẫu xét nghiệm 150 tiểu thương và nhân viên Ban quản lý chợ; các hộ khác được thông báo khai báo y tế tại địa phương.

Long Biên là chợ đầu mối thứ tư của Hà Nội bị phong tỏa do liên quan các ca nhiễm nCoV. Trước đó, chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai), chợ đầu mối Phùng Khoang (Nam Từ Liêm), chợ Minh Khai (Bắc Từ Liêm) đã lần lượt bị phong tỏa.

Những ngày qua, Hà Nội liên tiếp phát hiện ca lây nhiễm cộng đồng tại các khu vực nhiều nguy cơ như chợ đầu mối, công ty cung cấp thực phẩm…

Chợ đầu mối Long Biên, Hà Nội bị phong tỏa, chiều 3/8. Ảnh: Tất Định
Chợ đầu mối Long Biên, Hà Nội bị phong tỏa, chiều 3/8. Ảnh: Tất Định

TP HCM đang có 1.026 bệnh nhân nặng thở máy và 15 người phải can thiệp ECMO tại các bệnh viện điều trị Covid-19.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM, lượng bệnh nhân nặng, nguy kịch này nằm trong tổng số 33.474 F0 đang điều trị. Trong ngày 1/8, thành phố ghi nhận thêm 170 trường hợp tử vong.

Thành phố hiện có 3 đơn vị hồi sức lớn là Bệnh viện Hồi sức Covid-19, Chợ Rẫy và Bệnh Nhiệt đới. Bộ Y tế đang thiết lập nhiều trung tâm hồi sức bệnh nhân nguy kịch tại TP HCM do các bệnh viện lớn tuyến trung ương như Bạch Mai, Việt Đức, Trung ương Huế phụ trách. Mục tiêu lớn nhất là giảm số người nhiễm Covid-19 tử vong.

Phó bí thư Thành ủy TP HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận thành phố đang tăng cường nhân lực, trang thiết bị, nhưng khâu tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19 “vẫn đang quá tải”. “Việc điều trị bệnh nhân nặng, tử vong là vấn đề của thành phố hiện nay”, ông Mãi nói.

Khi chuyển chiến lược sang tập trung công tác điều trị, thành phố đã khẩn trương tăng cường cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị, thuốc… để điều trị theo mô hình tháp 5 tầng. Nhiều bệnh viện quận, huyện đã “tách đôi”, tăng năng lực điều trị, cấp cứu F0 lên 100%.

“Thành phố chưa có thống kê đầy đủ để có thể nhận định cuối. Tuy nhiên, theo quan sát và phân tích, khâu tiếp nhận, xử lý ở tầng 3 trong tháp 5 tầng điều trị đang gặp nhiều khó khăn do hạn chế cơ sở vật chất, đội ngũ, thiết bị. Thành phố sẽ tập trung khắc phục”, ông Mãi nói về số F0 tử vong.

Nhân viên y tế điều trị các bệnh nhân nặng, nguy kịch tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19, TP Thủ Đức, TP HCM. Ảnh: Thành Nguyễn
Nhân viên y tế điều trị các bệnh nhân nặng, nguy kịch tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19, TP Thủ Đức, TP HCM. Ảnh: Thành Nguyễn

Về phân bổ vaccine, tối 3/8, Bộ Y tế cho biết đã chuyển hơn 600.000 liều vaccine Astra Zeneca cho TP HCM và hơn 400.000 liều cho Hà Nội.

Số vaccine này thuộc tổng số hơn một triệu liều Việt Nam vừa tiếp nhận. Trong đó, 659.500 liều mua từ Astra Zeneca thông qua Công ty VNVC, dành cho TP HCM; 414.880 liều do Chính phủ Anh viện trợ dành cho Hà Nội.

Bộ Y tế cũng điều chỉnh kế hoạch phân bổ vaccine Covid-19 đợt 16, theo đó TP HCM tăng 319.000 liều và Hà Nội tăng 284.000 liều.

Đến nay, TP HCM là địa phương nhận nhiều vaccine nhất với hơn 4 triệu liều; Hà Nội nhận gần 3 triệu liều.

Trong khi đó, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP HCM cho biết, một triệu liều Vaccine Vero Cell của hãng Sinopharm vừa nhận đang được kiểm định nên chưa tiêm ở đợt 6. Nếu quá trình kiểm định đạt chất lượng, thành phố sẽ sử dụng như các đợt tiêm vaccine khác.

“Hiện việc tiêm vaccine là tự nguyện và miễn phí, ai đồng ý mới thực hiện. Các vaccine phải được WHO và Việt Nam cấp phép sử dụng khẩn cấp”, ông Đức nói.

Tại Quảng Ninh, ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó giám đốc Sở Y tế cho biết, đến giữa tháng 8 sẽ tiêm hết 176.200 liều vaccine SinoPharm. Theo đó, cư dân biên giới 16 xã phường TP Móng Cái, huyện Bình Liêu, huyện Hải Hà sẽ được tiêm đủ mũi hai vaccine SinoPharm.

Những trường hợp được tiêm vaccine ở đây gồm: Cư dân biên giới 16 xã phường của TP Móng Cái, huyện Bình Liêu, huyện Hải Hà; chuyên gia và người lao động Trung Quốc trên địa bàn tỉnh; du học sinh và những người có kế hoạch đi học, làm việc tại Trung Quốc; người lao động tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp có vốn đầu tư của Trung Quốc; người lao động tại một số lĩnh vực, địa bàn trọng điểm có nguy cơ cao.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
homescontents