Những tin đồn nhảm vaccine ám ảnh người Mỹ

Cuộc chiến với đại dịch ở Mỹ diễn ra song song trên hai mặt trận, vừa phải chống Covid-19, vừa phải đối phó vô số tin đồn nhảm về vaccine.

Tại thành phố Mobile, bang Alabama, giới chức y tế từng phải trấn an một người rằng vaccine do công ty dược phẩm sản xuất, chứ không phải sản phẩm từ phòng thí nghiệm sinh học quân đội Mỹ. Tại bang Missouri, Tom Keller, giám đốc hệ thống y tế Ozarks Healthcare, phải đấu tranh với thuyết âm mưu vaccine gắn chip theo dõi con người.

“Tôi đã nghe được mọi thứ. Thật nực cười”, ông nói.

Giới chức y tế Mỹ lo ngại thông tin sai lệch khiến người dân ngần ngại tiêm chủng, cản trở nỗ lực đưa Mỹ thoát khỏi đại dịch hoành hành ở nước này suốt 17 tháng qua.

Tổng Y sĩ Mỹ Vivek Murthy gọi những tin đồn nhảm về vaccine là “mối đe dọa nghiêm trọng với sức khỏe cộng đồng”, cho thấy mức độ người Mỹ bị ám ảnh bởi những thông tin vô căn cứ về loại vaccine vốn có thể giúp họ thoát khỏi đại dịch.

Một y tá chuẩn bị mũi tiêm vaccine Covid-19 tại West Orange, bang New Jersey hồi tháng 4. Ảnh: NYTimes.
Một y tá chuẩn bị mũi tiêm vaccine Covid-19 tại West Orange, bang New Jersey hồi tháng 4. Ảnh: NYTimes.

Vaccine khiến cơ thể con người xuất hiện từ tính là một trong những thông tin sai lệch được lan truyền nhiều đến mức Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) phải vào cuộc giải quyết. CDC đã cung cấp một danh sách các nguồn thông tin đáng tin cậy về vaccine, gồm trang web của Liên minh Hành động Tiêm chủng.

Chuyên gia từ CDC khẳng định vaccine không khiến cơ thể có từ tính như trên các video lan truyền trên mạng. Cơ quan này cho biết tất cả vaccine đều “không chứa thành phần có thể tạo ra từ trường tại vị trí tiêm”.

Vaccine có thể khiến phụ nữ vô sinh cũng là thông tin vô căn cứ được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội thời gian qua, khiến không ít người Mỹ ngần ngại. Tuy nhiên, tiến sĩ Carrie Wieneke, người đứng đầu khoa sản tại Trung tâm Y tế Đại học Kansas, cho biết không có bằng chứng nào về tin đồn này.

Thông tin xuất hiện từ một báo cáo sai lệch cho rằng các protein gai của nCoV tương tự như protein gai xuất hiện trong quá trình mang thai. Do đó, nếu tiêm vaccine, chúng sẽ tấn công buồng trứng và khiến phụ nữ vô sinh. Tuy nhiên, Wieneke khẳng định “điều này chưa được chứng minh”.

Các chuyên gia Đại học Johns Hopkins cho rằng hai loại protein gai hoàn toàn khác nhau và vaccine không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ. Cả Hiệp hội Y học Sinh sản Mỹ và CDC cũng lên tiếng bác bỏ thông tin này.

“Nếu bạn muốn có thai bây giờ hoặc trong tương lai, bạn vẫn có thể tiêm vaccine ngay khi nó có sẵn”, CDC cho biết.

Thông tin vaccine có thể gây biến đổi gene vẫn tiếp tục được lan truyền dù chuyên gia y tế đã giải thích cách thức hoạt động của vaccine suốt nhiều tháng qua.

Các loại vaccine mRNA đang được sử dụng ở Mỹ giúp cơ thể tạo ra bản sao protein gai của virus và dạy hệ thống miễn dịch cách chống lại virus có chứa loại protein gai này, theo các nhà nghiên cứu của Đại học Johns Hopkins.

Tiến sĩ George Turabelidze, nhà dịch tễ học bang Missouri, giải thích thêm vaccine mRNA xâm nhập vào tế bào nhưng không tiếp cận phần nhân, nơi chứa ADN. Sau khi vaccine mRNA khiến tế bào tạo ra protein gai, nó sẽ bị phá vỡ mà không ảnh hưởng tới ADN.

“Ngay từ tên gọi bạn đã thấy đây là vaccine RNA, không phải vaccine ADN. Bạn không thể hợp nhất RNA với ADN mà không có các bước cụ thể. Virus không có những bước để có thể tự kết hợp với ADN của bạn”, Turabelidze nói.

Turabelidze thêm rằng ông cũng nghe thấy nhiều người nói rằng các loại vaccine hiện nay mang tính thử nghiệm. “Đây hoàn toàn là thông tin sai lệch bởi nếu bạn nói vaccine là thử nghiệm, nó cho thấy bạn chưa hiểu hết về toàn bộ quy trình thử nghiệm, đưa ra kết luận và chứng minh. Điều này hoàn toàn không đúng”, ông nói.

Nhà dịch tễ học thêm rằng các loại vaccine Covid-19 đã trải qua các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng giống như bất kỳ loại thuốc mới nào, với hàng chục nghìn người tham gia. “Các nghiên cứu lớn được thực hiện ở nhiều quốc gia với đủ nhóm tuổi, chủng tộc và hoàn cảnh khác nhau”, ông cho hay.

Những loại vaccine được phân phối ở Mỹ đều được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) cấp phép sử dụng khẩn cấp và chờ được phê duyệt sử dụng chính thức. Turabelidze nói vaccine đã được tăng tốc phát triển, nhưng không bị “đốt cháy giai đoạn”.

Không ít người ở Mỹ ngần ngại tiêm chủng khi nghe những thông tin sai lệch rằng hàng nghìn người khỏe mạnh chết sau khi tiêm. Tuy nhiên, CDC cho biết trường hợp tử vong sau tiêm rất hiếm gặp.

FDA Mỹ yêu cầu tất cả nhà cung cấp dịch vụ y tế phải báo cáo ca tử vong sau khi tiêm vaccine Covid-19 cho VAERS, hệ thống báo cáo sự kiện bất lợi của vaccine Mỹ, “ngay cả khi chưa rõ nguyên nhân tử vong là gì”, theo CDC.

Tính tới ngày 26/7, VAERS chỉ ghi nhận 6.340 báo cáo tử vong sau khi tiêm vaccine từ ngày 14/12/2020, chiếm 0,0019% trong tổng số 342 triệu liều vaccine được tiêm chủng ở Mỹ. Hiện chưa có bất kỳ trường hợp nào được chứng minh vaccine là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tử vong.

CDC lưu ý bất kỳ ai, gồm cả bệnh nhân và phụ huynh Mỹ, đều có thể báo cáo trực tiếp cho VAERS, đồng nghĩa dữ liệu trên có thể chứa cả những trường hợp không chính xác, trùng lặp hoặc chưa được kiểm chứng.

Một điểm tiêm chủng ở thành phố Los Angeles, bang California hồi tháng 3. Ảnh: Los Angeles Times.
Một điểm tiêm chủng ở thành phố Los Angeles, bang California hồi tháng 3. Ảnh: Los Angeles Times.

Một trong những thuyết âm mưu được lan truyền mạnh mẽ nhất ở Mỹ là vaccine gắn chip để theo dõi con người. Khảo sát của Economist/YouGov với khoảng 1.500 người Mỹ mới đây cho biết 15% người được hỏi nghiêng về khả năng này và 5% tin “nó hoàn toàn đúng”.

Thuyết âm mưu trên bắt đầu được thổi bùng sau một bình luận của Bill Gates vào đầu năm 2020 về khả năng phát hành giấy chứng nhận điện tử lưu trữ hồ sơ tiêm chủng của người dân, nhưng ông không đề cập tới chip.

“Thực tế, một loại vaccine công nghệ cao như vậy lại chứa những thành phần hết sức đơn giản như chất béo, muối, đường… Vaccine Covid-19 chứa khá nhiều thành phần đó”, Turabelidze nói. Ông thêm rằng “không có bằng chứng hay nhu cầu sinh học nào” đằng sau thuyết âm mưu gắn chip ở người tiêm chủng.

Không ít người cho rằng những người từng nhiễm nCoV không cần tiêm vaccine. Các nhà khoa học đánh giá đây là một lập luận hợp lý hơn khi họ chưa biết chính xác thời điểm tốt nhất để tiêm phòng cho nhóm đối tượng này.

“Có những nghiên cứu cho thấy sau khi nhiễm virus, cơ thể con người có thể tạo ra khả năng miễn dịch lâu dài. Nhưng khoa học cũng cho thấy vaccine tạo ra mức kháng thể cao hơn nhiều miễn dịch tự nhiên”, Turabelidze cho biết.

Do đó, các nhà khoa học vẫn khuyến nghị người từng nhiễm nCoV tiêm vaccine để tạo ra khả năng miễn dịch tốt nhất cho cơ thể.

Dù các chuyên gia y tế, nhà khoa học đã nỗ lực giải thích và thuyết phục, tin đồn nhảm về Covid-19 và vaccine ở Mỹ vẫn phổ biến tới mức Jennifer Nuzzo, nhà dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins, kêu gọi lập một kế hoạch quốc gia để ngăn chặn.

Tuần trước, Trung tâm Y tế Truman đã trở thành bệnh viện đầu tiên ở thành phố Kansas yêu cầu tất cả nhân viên tiêm vaccine Covid-19, nhằm trấn an công chúng về tính an toàn của vaccine.

“Chúng tôi đề nghị mọi người lắng nghe những chuyên gia, tài liệu về bệnh truyền nhiễm của chúng tôi. Hãy lắng nghe các chuyên gia quốc gia. Vaccine an toàn và hiệu quả”, Charlie Shields, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Trung tâm Y tế Truman, nói.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận