Covid-19 chưa qua, virus Marburg gieo thêm lo sợ ở châu Phi

Khi làn sóng Covid-19 thứ ba chưa kịp qua, Guinea tiếp tục trong tình trạng báo động sau ca tử vong đầu tiên vì virus Marburg đáng sợ từ dơi.

Một người đàn ông ở Guinea tử vong ngày 9/8 sau khi nhiễm Marburg, virus gây chảy máu trong và suy nội tạng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác nhận đây là ca tử vong vì Marburg đầu tiên ở Tây Phi và lo ngại bệnh truyền nhiễm cao này có nguy cơ “lây lan rộng”.

Giới chức y tế Guinea đã nỗ lực truy vết tất cả những người có thể tiếp xúc với nạn nhân, trong đó có những người thăm khám và điều trị tại cơ sở y tế ở thị trấn Gueckedou, gần biên giới Liberia và Sierra Leone. Các trường hợp đầu tiên của dịch Ebola giai đoạn 2014-2016, lớn nhất trong lịch sử, cũng xuất hiện từ cùng khu vực này. 155 người đã được yêu cầu cách ly 21 ngày.

“Nguy cơ lây lan rộng của virus Marburg có nghĩa chúng ta cần phải ngăn chặn nó một cách đúng hướng. Chúng tôi đang làm việc với cơ quan y tế để phản ứng nhanh dựa trên kinh nghiệm của Guinea trong kiểm soát Ebola, bệnh lây nhiễm theo cách tương tự”, Matshidiso Moeti, giám đốc khu vực châu Phi của WHO, nói.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), virus Marburg lần đầu được ghi nhận vào năm 1967, sau khi các nhà khoa học làm việc tại phòng thí nghiệm ở Marburg và Frankfurt Đức, cũng như ở Belgrade, Serbia bị ốm. Tổng cộng 32 người nhiễm bệnh và 7 trường hợp tử vong khi đó. CDC cho biết truy vết nguồn gốc cho thấy các nhà khoa học nhiễm bệnh từng tiếp xúc với mô của khỉ ở châu Phi trong quá trình nghiên cứu. Tuy nhiên, dơi ăn hoa quả vẫn được xem là vật chủ của virus Marburg.

Thành viên Hội Chữ thập đỏ Guinea phun khử khuẩn và chuyển thi thể người chết vì Ebola tại thủ đô Conakry hồi tháng 3/2015. Ảnh: AFP.
Thành viên Hội Chữ thập đỏ Guinea phun khử khuẩn và chuyển thi thể người chết vì Ebola tại thủ đô Conakry hồi tháng 3/2015. Ảnh: AFP.

Các đợt bùng phát trong quá khứ xảy ra ở nhiều nơi trên khắp châu Phi như Angola, Congo, Kenya, Nam Phi và Uganda. Các nhà khoa học lần đầu tiên tìm thấy virus Marburg trong các đàn dơi ở Tây Phi vào tháng 1/2020.

Bệnh do virus Marburg gây ra trước đây được gọi là sốt xuất huyết Marburg, một bệnh nặng thường gây tử vong ở người. Giống như nCoV, virus Marburg cũng truyền từ vật chủ động vật sang người. Marburg và Ebola là virus cùng họ Filoviridae. Bệnh do hai virus này gây ra thường hiếm gặp, nhưng có thể bùng phát dữ dội với tỷ lệ tử vong cao.

Thời gian ủ bệnh của virus Marburg khoảng từ 2 tới 21 ngày. Bệnh khởi phát với triệu chứng xuất hiện đột ngột như sốt cao, đau đầu dữ dội và rất khó chịu. Triệu chứng bệnh còn bao gồm đau nhức cơ. Một số bệnh nhân sau đó xuất hiện tình trạng chảy máu qua mắt và tai. Ngày thứ ba phát bệnh, người nhiễm thường bị tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn, nôn và chuột rút. Các bác sĩ mô tả người bệnh trong giai đoạn này giống như “hồn ma” với đôi mắt trũng sâu, khuôn mặt vô hồn và rơi vào trạng thái hôn mê.

Vì nhiều triệu chứng của bệnh do virus Marburg gây ra giống với nhiều bệnh truyền nhiễm khác như sốt rét hoặc sốt thương hàn, việc chẩn đoán bệnh rất khó khăn.

Tỷ lệ tử vong do virus Marburg từng lên tới 88% trong các đợt bùng phát trước đó, nhưng WHO cho biết tỷ lệ sẽ thay đổi phụ thuộc vào chủng và cách điều trị. Tỷ lệ tử vong trung bình là 50%. Hầu hết trường hợp tử vong thường xảy ra sau 8-9 ngày phát bệnh, sau khi người nhiễm bị chảy máu nghiêm trọng và sốc.

Các đợt bùng phát của Marburg bắt đầu khi một động vật bị nhiễm virus, như khỉ hoặc dơi ăn hoa quả, sau đó truyền sang người. Virus tiếp tục lây truyền từ người này sang người khác qua tiếp xúc dịch cơ thể người bệnh.

Chuyên gia y tế cho biết bệnh do virus Marburg gây ra hiện chưa có thuốc điều trị hay vaccine chỉ định. Tuy nhiên, cơ hội sống sót có thể được cải thiện nếu được chăm sóc y tế tốt, như bù nước bằng dịch uống hoặc dịch truyền, và điều trị các triệu chứng cụ thể. Ngoài ra, các liệu pháp miễn dịch và điều trị bằng thuốc đang được phát triển.

Các chuyên gia lưu ý nhân viên y tế phải đảm bảo tuân thủ các biện pháp phòng ngừa để ngăn tiếp xúc với máu và chất dịch cơ thể của bệnh nhân cũng như bề mặt hoặc vật dụng nhiễm virus. Nhân viên phòng thí nghiệm cũng cần cẩn thận khi lấy mẫu sinh phẩm từ bệnh nhân.

Trận chiến của Guinea với virus Marburg bắt đầu khi đất nước gần 13 triệu dân đang vật lộn với làn sóng Covid-19 thứ ba. Số ca nhiễm hàng ngày trong tháng 8 gần chạm ngưỡng cao nhất vào mùa xuân, khi các quan chức y tế đang nỗ lực để có thêm vaccine.

Guinea đã báo cáo 27.311 ca nhiễm và 266 ca tử vong vì Covid-19, với trung bình 150 ca nhiễm mới mỗi ngày. Tuy nhiên, quốc gia này mới tiêm chủng đầy đủ cho gần 2,7% dân số.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận