Mỹ – châu Âu ngược đường Covid-19

Hồi tháng 9, khi Nhà Trắng thông báo kế hoạch mở cửa với người châu Âu đã tiêm chủng, số ca Covid-19 mới ở Mỹ vượt xa “lục địa già”.

Thời điểm đó, tỷ lệ ca nhiễm mới trên đầu người ở Mỹ gấp gần ba lần châu Âu. Trong khi các chính phủ châu Âu vạch lộ trình trở lại cuộc sống bình thường, Mỹ phải chật vật đối phó với đợt gia tăng ca nhiễm và nguy cơ bệnh viện quá tải.

Nhưng đến đầu tuần này, khi kế hoạch mở cửa của Washington có hiệu lực và hàng nghìn người đã vượt qua Đại Tây Dương tới Mỹ, đường cong dịch tễ ở hai khu vực đã đảo ngược.

Số ca nhiễm mới ở Mỹ tăng nhẹ trong hai tuần gần đây, nhưng đã giảm hơn 50% so với đợt bùng phát mạnh hồi tháng 9. Mỹ hiện ghi nhận trung bình khoảng 70.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Số ca nhập viện và tử vong trong hai tuần qua giảm lần lượt 12% và 13%, theo NY Times.

Người đàn ông đeo khẩu trang ngồi trên một con phố ở thành phố New York, Mỹ hôm 30/7. Ảnh: Reuters.
Người đàn ông đeo khẩu trang ngồi trên một con phố ở thành phố New York, Mỹ hôm 30/7. Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, châu Âu một lần nữa trở thành tâm dịch của thế giới. Đến cuối tháng 10, tổng số ca nhiễm của châu lục này đã vượt Mỹ, trong khi một mùa đông khó khăn đang chờ đón trước mắt. Số ca nhiễm tăng ở hầu hết quốc gia trong khối Schengen, nhóm 26 quốc gia nằm trong danh sách được nới lỏng quy định nhập cảnh vào Mỹ.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 10/11 cho biết khoảng 3,1 triệu ca nhiễm mới được ghi nhận trên toàn cầu tuần qua, tăng 1% so với tuần trước, trong đó gần 1,9 triệu ca ở châu Âu, nơi tăng 7%. Đây là tuần thứ 6 liên tiếp số ca nhiễm ở châu Âu tăng.

Châu Âu cũng là khu vực duy nhất trên thế giới chứng kiến số ca tử vong hàng tuần tăng, trong khi người chết vì Covid-19 trên toàn cầu giảm 4%. Gần một nửa trong số 61 nước thuộc khu vực châu Âu của WHO, bao gồm Nga và Trung Á, báo cáo ca nhiễm tăng ít nhất 10%.

Giám đốc khu vực châu Âu của WHO Hans Kluge tuần trước cảnh báo tốc độ lây nhiễm trong khu vực “đáng lo ngại”.

“Theo một dự báo đáng tin cậy, nếu tiếp tục đi theo quỹ đạo này, chúng tôi sẽ ghi nhận thêm nửa triệu ca tử vong ở châu Âu và Trung Á vào đầu tháng 2 năm sau”, Kluge cảnh báo.

Làn sóng lây nhiễm mới ở châu Âu có thể không dẫn tới tỷ lệ tử vong tăng đột biến như đợt bùng phát mùa hè ở Mỹ, nhưng nó là lời nhắc nhở về tính chất chu kỳ của đại dịch, theo giới chuyên gia.

“Tình hình ở châu Âu không phải là điều gì đó bất ngờ. Chúng tôi đã cảnh báo về một đợt gia tăng ca nhiễm vào khoảng thời gian này trong năm”, Paul Wilmes, giáo sư tại Trung tâm Hệ thống Y sinh Luxembourg, nói.

Một số chuyên gia lưu ý rằng thành công tiêm chủng của một số quốc gia châu Âu như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, nơi các ca bệnh vẫn ở mức có thể kiểm soát bất chấp xu hướng tăng trên toàn châu lục, có thể là một hình mẫu cho các chính phủ ở châu lục này và trên toàn thế giới.

“Nó đang xảy ra ở nhiều quốc gia, nhưng không phải không tránh được”, Martin McKee, giáo sư y tế cộng đồng châu Âu ở Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, nói. “Chúng ta cần nhìn vào những gì đang xảy ra và các chính sách nào góp phần tạo ra nó. Có những điều có thể được thực hiện”.

Chiến dịch tiêm chủng ở Mỹ vượt châu Âu ở giai đoạn đầu, nhưng “lục địa già” sau đó đã nỗ lực bứt tốc và đảo ngược xu hướng. Tuy nhiên, cả Mỹ lẫn châu Âu giờ đây đều phải tìm cách tiêm chủng cho hàng chục triệu người thuộc nhóm ngần ngại vaccine.

Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây chỉ trích gay gắt nhóm chưa tiêm chủng, sau nhiều nỗ lực khuyến khích và vận động không mang lại nhiều hiệu quả. “Những người chưa tiêm chủng đã làm quá tải bệnh viện của chúng tôi, làm tràn ngập các phòng cấp cứu và khu chăm sóc đặc biệt, khiến những bệnh nhân đau tim, viêm tụy và ung thư không còn giường điều trị”, ông nói hồi tháng 9.

Một số chính phủ châu Âu đã bắt đầu áp dụng lập trường cứng rắn của Biden, khi ngày càng thất vọng với tốc độ tiêm chủng chậm chạp trong nước.

Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn hồi đầu tháng nói rằng nước này đang chứng kiến “đại dịch lớn” của những người chưa tiêm chủng. “Sự thật là sẽ có ít bệnh nhân Covid-19 phải chăm sóc đặc biệt hơn nếu tất cả những người đủ điều kiện đều tiêm chủng”, ông nói.

“Những người không sẵn sàng góp sức giải quyết đại dịch đang đẩy những đồng bào khác vào tình thế nguy hiểm. Họ đang phá hoại quá trình phục hồi của những người khác”, McKee nói.

Tại Mỹ, các bang miền Nam và Trung Tây ghi nhận tỷ lệ tiêm chủng thấp. Trong số 15 bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất, có tới 14 bang đã bỏ phiếu cho Donald Trump và đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử năm 2020.

Tại châu Âu, tỷ lệ tiêm chủng cũng có sự khác biệt về khu vực. Đông Âu là nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp và cũng là nơi ghi nhận số ca nhiễm tăng mạnh, như Romania, Bulgaria, Slovenia hay Cộng hòa Czech.

Một điểm khác biệt giữa Mỹ và châu Âu là về khẩu trang. Tổng thống Biden đã ra quy định đeo khẩu trang bắt buộc ngay trong ngày đầu nắm quyền và từ đó thúc giục các bang yêu cầu người dân sử dụng chúng ở trường học, văn phòng và nhiều địa điểm khác.

Tuy nhiên, những chiếc khẩu trang đã trở thành biểu tượng cho chia rẽ xã hội, đảng phái ở Mỹ, thậm chí là nguồn cơn của nhiều vụ ẩu đả. Châu Âu đã tránh được sự chia rẽ đó.

“Người châu Âu không coi việc đeo khẩu trang là vi phạm quyền tự do cá nhân như một số vùng ở Mỹ. Đây chắc chắn là sự khác biệt về văn hóa”, giáo sư Wilmes nhận định.

Một khu phố mua sắm đông đúc người ở Liverpool, Anh hôm 26/10. Ảnh: Reuters.
Một khu phố mua sắm đông đúc người ở Liverpool, Anh hôm 26/10. Ảnh: Reuters.

Một số quốc gia châu Âu có tỷ lệ tiêm chủng cao như Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã nới lỏng quy định về khẩu trang một cách thận trọng, khi vẫn yêu cầu người dân đeo chúng tại một số địa điểm nhất định.

Nhiều quốc gia châu Âu như Pháp, Đức, Italy đã phê duyệt sử dụng hộ chiếu vaccine như “thẻ thông hành” để vào quán bar, câu lạc bộ, nhà hàng, bảo tàng hay tham gia giao thông.

“Hộ chiếu vaccine vừa giúp hạn chế người chưa tiêm chủng, vừa khuyến khích mọi người tiêm vaccine”, McKee nói.

Mỹ không theo hệ thống như các nước châu Âu, nhưng Biden đã thúc đẩy kế hoạch yêu cầu tiêm vaccine bắt buộc đối với các công ty và một số lĩnh vực nhất định. Tuần trước, chính quyền của ông thông báo quy định tiêm chủng bắt buộc, áp dụng với các doanh nghiệp tư nhân trên 100 nhân viên, nhân viên chăm sóc y tế và các nhà thầu liên bang, sẽ có hiệu lực từ ngày 4/1/2022.

“Tiêm chủng là con đường tốt nhất để thoát khỏi đại dịch”, Biden nói. “Tôi mong không phải dùng tới các quy định này, nhưng còn quá nhiều người chưa tiêm chủng, cản trở chúng ta thoát khỏi đại dịch. Do đó, tôi đã đặt ra các quy định và nó đang có hiệu quả”.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
homescontents