Nhân viên ngoại giao Mỹ kể ngày cuối ở Kabul

Khi Taliban tiến vào Kabul, John Johnson và Evan Davis, hai nhân viên ngoại giao Mỹ, vội vã rời khỏi căn hộ ở thủ đô Afghanistan.

Johnson và Davis thậm chí phải bỏ lại nhiều đồ đạc để rời đi nhanh nhất có thể. “Tôi cho rằng một thành viên nào đó của Taliban đang mặc bộ đồ của tôi, nếu họ đã chiếm khu ngoại giao đoàn mà các nhà ngoại từng sống”, Johnson nói.

Johnson và Davis là hai trong những nhân viên Mỹ cuối cùng rời Kabul sau khi thủ đô Afghanistan rơi vào tay Taliban. Cả hai từng dự kiến ở đây trong một năm, nhưng chiến dịch tấn công của Taliban đã thay đổi tất cả.

Họ không ngờ tình hình ở Kabul xấu đi nhanh đến vậy. Mãi tới ngày 14/8, họ vẫn không nghĩ rằng mình sẽ phải sơ tán, dù nhiều tỉnh lỵ của Afghanistan lúc này đã rơi vào tay Taliban. Một ngày sau, Johnson nghe thấy lệnh sơ tán “được thông báo qua hệ thống phát thanh công cộng với giọng điệu khẩn cấp khi Taliban tiến ngày càng gần thủ đô Kabul”.

John Johnson ôm lá cờ Mỹ tại sân bay Hamid Karzai, Afghanistan tháng trước. Ảnh: Washington Post.
John Johnson ôm lá cờ Mỹ tại sân bay Hamid Karzai, Afghanistan tháng trước. Ảnh: Washington Post.

Johnson rời Kabul trên một chiếc máy bay vận tải quân sự C-17 tới Brussels ngày 30/8, trong khi Davis tới Washington một ngày trước đó. Như nhiều nhân viên ngoại giao khác, cho tới khi đã rời Afghanistan, Johnson và Davis vẫn nhớ như in những ngày cuối cùng ở Kabul.

Sau khi được sơ tán bằng trực thăng khỏi đại sứ quán, Johnson, Davis và một số quan chức khác đã trải qua vài ngày chờ đợi tại sân bay quốc tế Hamid Karzai ở thủ đô Kabul. Họ đôi khi phải ăn khẩu phần đóng gói của quân đội và ngủ trên sàn trong vài ngày đầu tiên. Nhưng đây chưa phải chuyện khó khăn nhất.

Johnson và Davis là nhân viên quan hệ công chúng. Ngoài việc xử lý truyền thông, họ còn phải hỗ trợ công tác sơ tán.

Davis, 31 tuổi, đã có mặt ở cổng Abbey của sân bay Kabul vào ngày 13 lính Mỹ và gần 200 người Afghanistan thiệt mạng trong vụ đánh bom tự sát do một phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng gây ra. “Nếu tôi ở đó vào một thời điểm khác, tôi cũng có thể là một trong số người thiệt mạng”, anh nói.

Davis có thâm niên 8 năm làm việc trong Bộ Ngoại giao Mỹ. Trước khi tới Afghanistan, anh làm việc tại thủ đô Gaborone của Botswana, một nơi yên bình và có phần nhàm chán. Đó là lý do Davis muốn tới Afghanistan làm việc, “nhưng không ngờ mọi thứ kết thúc nhanh như vậy”.

Davis xúc động kể lại giây phút tưởng niệm những lính Mỹ thiệt mạng ở sân bay trước khi lên chuyến bay cuối cùng về nhà. “Đó là điều tôi không bao giờ quên. Tôi được bảo vệ an toàn là nhờ tất cả những lính Mỹ có mặt ở đó, cũng như những người từng làm việc ở Afghanistan trước đây”, anh nói.

Đồng thời, an toàn của hơn 120.000 người được sơ tán khỏi Afghanistan cũng có công sức của Davis, Johnson và nhiều người khác, những người đã làm việc ngày đêm trong điều kiện nguy hiểm.

Johnson, 50 tuổi, và vợ gia nhập Bộ Ngoại giao Mỹ 20 năm trước. Johnson đã kể lại về “nỗi tuyệt vọng và đau khổ” của rất nhiều người muốn rời đi nhưng không thể. “Tôi sẽ không thể ngừng ám ảnh về họ trong suốt nhiều năm về sau”, Johnson nói.

Lời kể của Johnson làm nổi bật tình cảnh đáng lo ngại của những người Afghanistan phải chịu nhiều khổ sở khi chờ đợi bên ngoài sân bay. Xung quanh họ không chỉ là chai lọ, quần áo, vali và những thứ mà mọi người bỏ lại, mà còn là “mùi máu, nước tiểu và phân” từ những người tuyệt vọng rời đi.

“Họ chỉ muốn rời khỏi đó”, ông nói.

Một trong những điều trớ trêu nhất đối với Johnson là hình ảnh những người Afghanistan sợ hãi các tay súng Taliban, những người giúp đảm bảo an ninh cách chỗ ông đứng 1,5 mét. “Bạn có thể thấy nỗi sợ hãi trong mắt họ khi nhìn Taliban chĩa súng Ak-47 và rocket về phía mình”, ông kể.

Evan Davis tại sân bay Hamid Karzai, Afghanistan tháng trước. Ảnh: Washington Post.
Evan Davis tại sân bay Hamid Karzai, Afghanistan tháng trước. Ảnh: Washington Post.

Một điều khác mà Davis và Johnson nhớ nhất về khoảng thời gian này chính là sự cống hiến không mệt mỏi của các đồng nghiệp.

“Không ai phàn nàn về chuyện phải làm việc suốt 20 tiếng mỗi ngày, hay phải ngủ trên sàn và ăn đồ ăn quân đội. Sự cống hiến đó thực sự ấn tượng”, Johnson chia sẻ.

Davis thêm rằng ý thức trách nhiệm của họ rất mạnh mẽ, ngay cả khi phải sống ở sân bay. “Tất cả những người ở đó đều cố níu kéo một hy vọng rằng bằng cách nào đó chúng tôi có thể quay lại đại sứ quán và không phải rời khỏi đất nước này”, anh nói.

Dù tự hào vì những công việc của Mỹ ở Afghanistan, Davis vẫn cảm thấy rối bời, “tội lỗi và thất vọng” khi rời bỏ quốc gia này.

“Làm thế nào bạn có thể đối diện với những người tiền nhiệm đã đổ mồ hôi, xương máu để cố gắng xây dựng một Afghanistan tốt đẹp hơn? Làm thế nào bạn có thể nói với những người Afghanistan về công việc, hy vọng, cống hiến mà họ không chỉ dành cho quốc gia của mình mà còn cho mục đích của Mỹ trong suốt 20 năm qua?”, Davis tự hỏi.

Davis chia sẻ nếu đại sứ quán Mỹ ở Kabul mở cửa lại, anh sẽ trở lại đất nước này. “Tôi nghĩ rằng những gì đã chứng kiến và trải qua sẽ thôi thúc tôi trở lại Afghanistan, bởi tôi cảm thấy nhiệm vụ của chúng tôi chưa kết thúc”, anh nói.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
homescontents