Iran không chấp nhận đòi hỏi “cứng nhắc” của Mỹ: Đàm phán hạt nhân nguy cơ bế tắc

“Iran sẽ không chấp nhận những đòi hỏi cứng nhắc của Mỹ để khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015”.

Đó là tuyên bố mới nhất của Lãnh đạo tối cao của Iran, Đại giáo chủ Ali Ali Khamenei trong bối cảnh các cuộc đàm phán tại Vienna, Áo đã bị đình trệ hơn 5 tuần. Tiến trình đàm phán hồi sinh thỏa thuận hạt nhân có nguy cơ rơi vào bế tắc.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani tại một cuộc triển lãm công nghệ hạt nhân. Ảnh: Getty
Tổng thống Iran Hassan Rouhani tại một cuộc triển lãm công nghệ hạt nhân. Ảnh: Getty

Phát biểu trên truyền hình Nhà nước, Lãnh tụ tối cao Iran – người có tiếng nói cuối cùng trong vấn đề hạt nhân của đất nước, đã lên tiếng chỉ trích các hành động thù địch của Mỹ nhằm vào nước này, gọi chúng là sự hèn nhát và thâm độc.

Ông Khamenei cho rằng, việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân vào năm 2018 là một sự vi phạm nhưng lại “không phải trả giá”. Theo ông, với lần đàm phán trở lại thỏa thuận hiện nay, Mỹ cũng tuyên bố một cách rõ ràng rằng, họ không đảm bảo rằng điều đó sẽ không lặp lại.

Lãnh tụ tối cao Iran cũng thẳng thừng bác bỏ việc Mỹ thêm bất kỳ vấn đề nào khác vào thỏa thuận như chương trình tên lửa và các vấn đề của Iran trong khu vực. Theo ông, Mỹ đang có “lập trường cố chấp”, “đòi hỏi cứng nhắc” và muốn can thiệp sâu hơn vào thỏa thuận hạt nhân. Và với những đòi hỏi này, Mỹ sẽ lại sử dụng như một cái cớ để rút ra khỏi thỏa thuận thêm một lần nữa.

Thực tế, với Mỹ, việc trở lại thỏa thuận hạt nhân 2015 mới chỉ là bước đi đầu tiên và mục đích cuối cùng của chính quyền Tổng thống Joe Biden muốn là một thỏa thuận mở rộng toàn diện hơn, bao gồm tất cả các vấn đề hạt nhân, tên lửa và sức ảnh hưởng của Iran trong khu vực.

Với tuyên bố mới nhất của Lãnh tụ tối cao Khamenei, rõ ràng việc xây dựng lòng tin trong đàm phán giữa Mỹ và Iran đến nay là chưa đủ và nguy cơ vòng đám phán mới tới đây tại Vienna, Áo sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Thêm vào đó, việc Iran có Tổng thống đắc cử Ibrahim Raisi theo đường lối cứng rắn cũng khiến nhiều nước phương Tây lo ngại, bất chấp tuyên bố của ông này là ủng hộ việc quay trở lại thỏa thuận hạt nhân, song sẽ giữ quan điểm “không nhượng bộ, nhún nhường”.

Trước diễn biến như vậy, Tổng thống sắp mãn nhiệm Iran Hassan Rouhani – người có quan điểm ôn hòa, đã lên tiếng bày tỏ sự quan ngại. Ông cho rằng, Quốc hội Iran với nhiều nghị sĩ cứng rắn không nên cản trở các nỗ lực của chính phủ đàm phán để gỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ theo thỏa thuận hạt nhân. Ông cũng hi vọng chính phủ mới Iran, dự định tuyên thệ vào đầu tháng 8 tới, sẽ tiếp tục tiến trình đàm phán và đi tới kết quả thành công.

Về phía Mỹ, Bộ Ngoại giao nước này kêu gọi Iran sớm trở lại Vienna để bắt đầu vòng đàm phán thứ 7 và rằng phái đoàn Mỹ đã sẵn sàng lên đường đàm phán. Trong khi giới chức chức cấp cao Mỹ thì cảnh báo, nếu việc đàm phán bị trì hoãn quá lâu, chương trình hạt nhân Iran có thể đạt được ngưỡng khiến việc trở lại thỏa thuận 2015 trở nên vô nghĩa. Hoặc không, ít nhất chính quyền mới của Iran cũng có được ưu thế để đòi hỏi sự nhượng bộ lớn hơn của phía Mỹ.

Thực tế, Iran mới đây đã bắt đầu sản xuất kim loại uranium làm giàu ở mức 20%; cùng các tuyên bố có khả năng làm giàu uranium ở mức 20%, 60%, thậm chí là 90%.

Tổng thống sắp mãn nhiệm Iran Hassan Rouhani cho biết: “Ngành công nghiệp hạt nhân của Iran vẫn phát triển mạnh mẽ và ngày càng phát triển hơn trong những tháng gần đây. Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran đã chỉ ra rằng, Iran có khả năng sản xuất uranium được làm giàu 20% và 60%. Ngay cả khi một lò phản ứng cần uranium được làm giàu đến 90%, chúng tôi cũng có thể sản xuất nó”. Điều này cho thấy Iran đang ở rất gần việc sản xuất vũ khí hạt nhân, bất chấp các tuyên bố không theo đuổi của gới lãnh đạo nước này. Tuy nhiên, nó vẫn khiến các nước phương Tây, Israel và một số quốc gia Arab trong khu vực quan ngại.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
homescontents