Báo Mỹ: Moderna chạy theo lợi nhuận, chậm giao vaccine cho nước nghèo

Sau khi được chính phủ Mỹ hỗ trợ cả tài chính lẫn công nghệ giúp phát triển thành công vaccine Covid-19, hãng dược phẩm Moderna đã bán phần lớn thành phẩm cho các nước giàu. Tỷ lệ vaccine Moderna bán cho các nước giàu nhiều hơn mọi nhà sản xuất vaccine phương Tây khác.

Tới nay, Moderna mới chỉ chuyển giao 1 triệu liều vaccine Covid-19 cho các nước được World Bank xếp vào nhóm thu nhập thấp. Trong khi đó, nhóm quốc gia này nhận được 8,4 triệu liều của Pfizer cùng 25 triệu liều từ Johnson & Johnson.

Trong số các nước thu nhập trung bình đã đạt được thỏa thuận mua vaccine từ Moderna, đa phần vẫn chưa nhận được thành phẩm, trong khi ít nhất 3 nước phải trả mức giá cao hơn so với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), theo phân tích của New York Times.

Sức ép với Moderna

Không giống các hãng dược phẩm Pfizer, Johnson & Johnson hay AstraZeneca vốn cung cấp ra thị trường rất nhiều sản phẩm y dược, Moderna chỉ bán duy nhất vaccine Covid-19. Tương lai của Moderna phụ thuộc vào thành công thương mại của loại vaccine này.

“Cách hành xử của họ như thể họ hoàn toàn không có trách nhiệm gì ngoài tối đa hóa lợi nhuận đầu tư”, tiến sĩ Tom Frieden, cựu giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, nói.

Các lãnh đạo Moderna tuyên bố hãng này đang làm những gì có thể để sản xuất nhiều vaccine nhất trong thời gian sớm nhất, nhưng biện minh rằng năng lực sản xuất có giới hạn. Moderna nói tất cả sản phẩm của năm nay đều thuộc về các đơn đặt hàng trước từ chính phủ các nước trong EU.

Theo 2 quan chức cấp cao Mỹ, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang ngày càng thất vọng bởi Moderna không cung cấp vaccine cho các nước nghèo.

Washington đang gây sức ép lên giới lãnh đạo Moderna yêu cầu tăng sản lượng tại các nhà máy ở Mỹ, cũng như chuyển giao công nghệ cho các nhà sản xuất nước ngoài, để có thể đưa sản phẩm ra thị trường các nước bên ngoài Mỹ.

vaccine moderna anh 2

Giám đốc điều hành Moderna Stephane Bancel. Ảnh: AFP.

Sức ép khiến giới lãnh đạo Moderna lúc này đang phải chật vật tìm cách lý giải vì sao hãng này ưu tiên vaccine cho các nước giàu.

Hôm 8/10, Moderna thông báo đang đầu tư thêm tiền để tăng sản lượng vaccine, giúp cung cấp 1 tỷ liều vaccine cho các nước nghèo trong năm 2022. Moderna cũng cho biết sẽ mở nhà máy ở châu Phi, nhưng không nêu chi tiết.

Các lãnh đạo Moderna cho biết đang thảo luận với chính quyền Tổng thống Biden về khả năng bán vaccine giá rẻ cho chính phủ để viện trợ cho các nước thu nhập thấp hơn, hai quan chức Mỹ cho biết.

Pfizer trước đó đã cung cấp vaccine cho chính quyền Biden theo cách tương tự.

Giám đốc điều hành Moderna Stephane Bancel hôm 8/10 nói việc vaccine của hãng chưa thể đến được với đa số người dân các nước nghèo là “điều đáng buồn”, nhưng cho biết vấn đề này nằm ngoài quyền kiểm soát của ông.

Ông Bancel nói Moderna từng cố thuyết phục chính phủ nhiều quốc gia rót tiền đầu tư để mở rộng năng lực sản xuất ít ỏi của hãng này, nhưng không thành công.

Ngoài ra, giá vaccine Moderna tính với mỗi quốc gia dựa trên nhiều yếu tố, như số vaccine đặt hàng và mức độ phát triển của nền kinh tế nước này, ông Bancel cho biết.

Nước giàu mua giá rẻ, nước nghèo mua giá đắt

Cách hành xử của Moderna đặc biệt khiến chính quyền Tổng thống Biden khó chịu và coi là không hợp tác, bởi trước đó, chính phủ Mỹ đã cung cấp những hỗ trợ cực kỳ quan trọng giúp Moderna phát triển thành công vaccine.

Về mặt khoa học, các chuyên gia của Viện Y tế Quốc gia Mỹ đã phối hợp với Moderna để phát triển vaccine. Về tài chính, chính phủ Mỹ rót 1,3 tỷ USD giúp Modern tiến hành nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng.

Tháng 8/2020, chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đặt trước số vaccine trị giá 1,5 tỷ USD, bảo đảm thị trường cho một sản phẩm khi đó còn chưa được kiểm chứng của Moderna.

Thử nghiệm lâm sàng cuối năm ngoái cho thấy vaccine của Moderna và Pfizer có hiệu quả tương đương. Nhưng những nghiên cứu gần đây cho thấy vaccine của Moderna giúp duy trì hiệu quả trong thời gian dài hơn.

vaccine moderna anh 3

Vaccine Moderna do chính phủ Mỹ tài trợ ở Tunis, Tunisia. Ảnh: AFP.

Bên cạnh đó, việc vận chuyển và bảo quản vaccine Moderna cũng dễ dàng hơn.

“Vaccine của Moderna về cơ bản là cao cấp. Họ đang ở vị thế không cần phải nhượng bộ quá nhiều về giá trong các hợp đồng”, Karen Andersen, chuyên gia phân tích thuộc tập đoàn tư vấn tài chính Morningstar, nói.

Hiện chưa có nhiều thông tin về hợp đồng bán vaccine giữa Moderna và các chính phủ.

Trong 22 nước ngoài Liên minh châu Âu mà Moderna và các nhà phân phối chính thức đạt được thỏa thuận bán vaccine, không nước nào thuộc nhóm thu nhập thấp. Đồng thời, chỉ 7 quốc gia thu nhập trung bình ký được hợp đồng mua vaccine của Moderna.

Để so sánh, Pfizer cho biết đã ký hợp đồng bán vaccine giảm giá cho 12 nước thu nhập trung bình cao, 5 nước thu nhập trung bình thấp, và một nước thu nhập thấp là Rwanda.

Chỉ một số nước công bố giá vaccine mà họ mua từ Moderna. Mỹ trả từ 15-16,5 USD/liều vaccine. EU trả từ 22,6-25,5 USD/liều vaccine.

Trong khi đó, Botswana, Thái Lan và Colombia, các nước thuộc nhóm thu nhập trung bình, cho biết họ phải trả từ 27-30 USD/liều vaccine, tức cao hơn giá mà Moderna bán cho EU và Mỹ.

Việc thiếu minh bạch về giá bán khiến chính phủ các nước nghèo rơi vào thế yếu trong thương lượng giá cả, khi họ phải đàm phán mà “mù tịt” thông tin, theo bà Kate Elder – cố vấn chính sách vaccine của tổ chức Bác sĩ không biên giới.

Một số nước nghèo được Moderna hứa bán vaccine, nhưng chỉ sau khi hãng này đã hoàn thành hợp đồng với các quốc gia khác.

Hồi tháng 5, Moderna chào hàng vaccine cho Liên minh châu Phi với giá 10 USD/liều. Tuy nhiên, điều kiện là vaccine sẽ chỉ được chuyển giao trong năm 2022. Bởi vì yêu cầu này, đàm phán giữa hai bên đổ vỡ, các quan chức của Liên minh châu Phi nói.

vaccine moderna anh 4

Chính phủ Mỹ muốn Moderna cung cấp thêm nhiều vaccine hơn cho các nước nghèo. Ảnh: Getty.

Bác sĩ Ayoade Alakija, thành viên điều hành chương trình phân phối vaccine của Liên minh châu Phi, miêu tả Moderna tiếp cận khối này với thái độ “đến để kiếm tiền”, và hãng này “thậm chí còn không giả vờ là họ đang tìm cách cứu thế giới”.

Vaccine Covid-19 là thứ đã giúp Moderna và các lãnh đạo của hãng này đổi đời. Moderna kỳ vọng vaccine sẽ mang lại ít nhất 20 tỷ USD doanh thu trong năm 2021, trở thành một trong những sản phẩm y tế sinh lợi nhất lịch sử.

Bà Andersen, chuyên gia của Morningstar, dự đoán lợi nhuận của Moderna năm nay có thể lên tới 14 tỷ USD. Năm 2019, tổng doanh thu của Moderna chỉ là 60 triệu USD.

Giá trị thị trường của Moderna đã tăng gần gấp 3 trong năm nay và hiện đã vượt 120 tỷ USD. Tháng qua, hai trong số các nhà sáng lập của Moderna, cùng một trong các nhà đầu tư của hãng, được Forbes đưa vào danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ.

Chậm chuyển giao vaccine

Khi Covid-19 lan rộng đầu năm 2020, Moderna tham gia cuộc đua phát triển vaccine, sử dụng công nghệ mRNA. Khi đó, Moderna nhận 900.000 USD từ tổ chức phi lợi nhuận Coalition for Epidemic Preparedness Innovations.

Tổ chức này cho biết Moderna đồng ý với các nguyên tắc tiếp cận vaccine công bằng. Theo đó, vaccine của Moderna sẽ được cung cấp cho người dân ở đúng nơi, đúng lúc và với mức giá phải chăng cho những người đang bị dịch bệnh đe dọa, đặc biệt là các nước thu nhập thấp và trung bình thấp.

Hồi tháng 5, Moderna đồng ý cung cấp 34 triệu liều vaccine trong năm 2021, và 466 triệu liều vaccine trong năm 2022, cho chương trình COVAX.

Nhưng đến nay, ngoài số vaccine do chính phủ Mỹ trực tiếp trao tặng, COVAX vẫn chưa nhận được bất cứ liều vaccine nào từ Moderna.

Ông Bancel, CEO của Moderna, biện minh rằng COVAX đáng lý có thể nhận được nhiều vaccine hơn nếu sớm ký hợp đồng từ năm 2020. Nhưng bà Aurelia Nguyen, một lãnh đạo của COVAX, bác bỏ lập luận của Moderna.

vaccine moderna anh 5

Vaccine Moderna được chính phủ Mỹ chuyển giao cho Colombia. Ảnh: AFP.

Từ cuối năm 2020, chính phủ Tunisia đã tìm cách liên hệ để mua vaccine từ Moderna thông qua Đại sứ quán Mỹ. Các quan chức quốc gia châu Phi này đã liên lạc với Moderna nhưng không nhận được hồi âm.

“Chúng tôi rất quan tâm tới Moderna và đã tìm cách liên hệ với họ”, Hechmi Louzir, quan chức phụ trách chương trình mua sắm vaccine của Tunisia, nói.

Mới đây, Thái Lan ký hợp đồng mua 1 triệu liều vaccine của Moderna với giá 28 USD/liều, gấp đôi mức giá Moderna bán cho Mỹ. Lô vaccine này sẽ được chuyển giao vào năm 2022.

Với Botswana, quốc gia châu Phi đặt mua 500.000 liều vaccine của Moderna với giá 29 USD/liều, đủ để tiêm chủng cho 10% dân số. Người phát ngôn Bộ Y tế Botswana nói hàng dự kiến được chuyển giao trong tháng 8, nhưng tới nay nước này vẫn chưa nhận được vaccine.

Quốc gia Nam Mỹ Colombia đặt mua 10 triệu liều vaccine của Moderna với giá 30 USD/liều. Bộ Tài chính Colombia cho biết mức giá này bao gồm phí vận chuyển và hậu cần.

Bộ trưởng Y tế Fernando Ruiz cho biết vaccine Moderna là loại vaccine đắt nhất mà Colombia đặt mua. Theo thỏa thuận, lô vaccine đầu tiên gồm 150.000 liều dự kiến được chuyển giao vào tháng 6, nhưng mãi tới tháng 8 mới cập bến Colombia.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
homescontents