Nghỉ hưu sớm 10 năm nhờ sống tối giản

Dù lương ở mức trung bình, ở tuổi 51 sau khi tiết kiệm được 100 triệu yen (20,7 tỷ đồng), ông Sakaguchi quyết định nghỉ hưu tận hưởng cuộc sống an nhàn.

Sakaguchi Kazuma, 57 tuổi, hiện sống tại tỉnh Kanagawa, từng là một nhân viên văn phòng. Tuy nhiên cách đây 6 năm người đàn ông này đưa ra một quyết định táo bạo: Xin nghỉ việc.

Từ đó đến nay, Kazuma không có bất cứ thu nhập gì ngoài khoản tiết kiệm 100 triệu yen sau 33 năm làm việc liên tục.

Sakaguchi Kazuma hiện sống một mình tại tỉnh Kanagawa, Nhật Bản. Ảnh: The paper.
Sakaguchi Kazuma hiện sống một mình tại tỉnh Kanagawa, Nhật Bản. Ảnh: The paper.

Theo Cơ quan Thuế quốc gia Nhật Bản, mức lương trung bình hàng năm ở tỉnh Kanagawa là 4,4 triệu yen (913 triệu đồng). Thu nhập của Kazuma chỉ nhỉnh hơn mức trung bình một chút.

Ngoài số tiền tiết kiệm được, Kazuma còn có một căn nhà rộng 90 m2 với 3 phòng ngủ, mua cách đây 14 năm, mọi khoản vay nợ cũng đã được thanh toán. Hiện nó có giá trị khoảng 40 triệu yen.

Vậy làm thế nào mà Kazuma có thể tiết kiệm được nhiều tiền như vậy từ mức lương khá khiêm tốn? Tất cả đều xuất phát từ lối sống tối giản của ông trong nhiều năm. Mỗi tháng, Sakaguchi Kazuma tiêu khoảng 100.000 yen. Với lối sống này, ông tiết kiệm được 3,3 triệu yen mỗi năm. Cứ như vậy trong suốt 33 năm lao động, ông đã dành dụm được 100 triệu yen.

Nhiều người cho hay, với khả năng tiết kiệm này, chắc chắn Sakaguchi Kazuma cực kỳ khắc nghiệt với bản thân, tuy nhiên ông lại phủ nhận: “Tôi không bao giờ đối xử tệ với bản thân. Tuyệt đối không”. Ông cho biết, chỉ mua những thứ thực sự cần thiết cho cuộc sống và sẽ “dùng thứ đó cho đến khi nát thì thôi”.

Người đàn ông này hiện vẫn mặc những chiếc áo phông mua từ 10 năm trước. Ông nói rằng, không phải do tiếc tiền mà còn sử dụng được thì vẫn nên tiếp tục. Tủ giày có những đôi thâm niên trên 30 năm, nhưng không bị vứt đi mà sử dụng khi cần thiết. Kazuma nói: “Tôi cứ đi mãi một đôi, không phải vì tiết kiệm, mà do yêu thích thôi”.

Mỗi lần đi cắt tóc, ông chọn những tiệm có mức giá 1.000 yen bởi ở những tiệm rẻ tiền thường có không gian yên tĩnh. Lựa chọn này cũng giúp ông không bị quấy rầy bởi những lời chào mời quá mức từ nhân viên.

Tủ lạnh trong nhà cũng gần như trống rỗng bởi ông có thói quen mua gì là nấu ngay trong ngày, mua cũng vừa đủ nhằm tránh lãng phí thức ăn. Ông cũng đang sử dụng một chiếc điện thoại Nokia sản xuất từ năm 2007, màn hình xước và lớp sơn cũng đã bong tróc nhưng Kazuma bảo chỉ cần nghe gọi, không có nhu cầu khác.

Tủ lạnh của Kazuma gần như luôn trong trạng thái trỗng rỗng. Ảnh: The paper.
Tủ lạnh của Kazuma gần như luôn trong trạng thái trỗng rỗng. Ảnh: The paper.

Kazuma luôn nhấn mạnh, cuộc sống bản thân không bị ảnh hưởng bởi “đời sống vật chất bên ngoài” nên ông hạnh phúc với lối sống tối giản, không phải tiêu quá nhiều tiền. “Người ngoài chắc chẳng thể vui nổi với chiếc tủ lạnh trống rỗng hay chỉ mặc quần áo cũ, nhưng tôi thích cuộc sống như vậy, bởi không bị phụ thuộc vào vật chất”, ông nói.

Cũng vì lối sống quá đơn giản nên gần 3 năm trước, vợ ông đã bỏ đi. Hai người không có con nên với Kazuma, việc này cũng không nên quá bận tâm.

Có tiền bạc, thời gian, lại không vướng bận gia đình, thỉnh thoảng Kazuma lại mang đồ ra công viên tự nấu nướng và thưởng thức một mình. Ông cũng chăm chỉ tham gia các hoạt động thiện nguyện. Năm 2019, khi tỉnh Fukushima gặp thiên tai, ông đã đến đó làm tình nguyện viên trong 5 năm tháng. Kazuma còn thích đi du lịch, ông có thể đến bất cứ nơi đâu mình muốn, chẳng hạn ra nước ngoài để ngắm hoàng hôn trên biển. “Tôi đang tận hưởng cuộc sống tươi đẹp một cách thoải mái nhất”, ông nói.

Gần đây, Kazuma đã xuất bản một cuốn sách có tựa đề “Tôi đã tiết kiệm được 100 triệu yen nên tôi nghỉ việc”. Trong tác phẩm, ông giới thiệu 77 mẹo để tiết kiệm tiền, đồng thời nhắc nhở mọi người phải đề cao hạnh phúc của chính mình.

Sách dạy tiết kiệm cho Kazuma viết. Ảnh: The paper
Sách dạy tiết kiệm cho Kazuma viết. Ảnh: The paper

Chương trình về Kazuma khi được phát sóng đã tạo nên một cuộc tranh luận không chỉ tại Nhật Bản mà còn ở Trung Quốc. Nhiều người nói rằng, cách làm của người đàn ông 57 tuổi này giống với phong trào “FIRE” (Tự do tài chính, nghỉ hưu sớm) phổ biến ở Mỹ. “Fire” khuyến khích mọi người giảm bớt ham muốn vật chất để tiết kiệm chi phí sinh hoạt hàng năm, từ đó có thể nghỉ hưu sớm sau 30 tuổi và dựa vào 4% thu nhập tài chính để sống.

“Bạn càng kiếm được nhiều, bạn càng chi tiêu nhiều. Mà càng tiêu nhiều thì lại phải cố gắng kiếm được nhiều tiền. Điều này khiến tôi mệt mỏi”, YiYi, 35 tuổi, người đang sống tối giản theo phong trào “Fire” tại Trung Quốc nói. Cô gái này miêu tả cuộc sống của mình trước đây giống những con chuột trên bánh xe đang chạy. Phải liên tục chuyển động nếu không sẽ bị bay khỏi guồng máy.

“Do đó, để sớm có tự do tài chính, ưu tiên hàng đầu là phải kiểm soát ham muốn và giảm tiêu dùng không cần thiết”. Cô gái này nói rằng tiêu dùng giống như nước trong miếng bọt biển, chỉ cần bạn muốn vắt, kiểu gì cũng có nước chảy ra.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
homescontents