Mỹ nối lại thảo luận với Taliban

Mỹ nối lại các cuộc thảo luận với Taliban tại Qatar vào tuần sau, nhằm giải quyết khủng hoảng nhân đạo ở Afghanistan và vấn đề chống khủng bố.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price hôm 23/11 cho biết phái đoàn của nước này sẽ do đặc phái viên Mỹ về Afghanistan Tom West dẫn đầu. Các cuộc thảo luận dự kiến kéo dài hai tuần, tập trung vào “lợi ích quốc gia quan trọng” của hai bên.

Nội dung thảo luận dự kiến bao gồm hoạt động chống khủng bố nhằm vào nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và al-Qaeda, hỗ trợ nhân đạo, nền kinh tế bị tàn phá của Afghanistan, lộ trình rời Afghanistan an toàn cho công dân Mỹ và công dân Afghanistan từng làm việc cho Mỹ 20 năm qua.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price phát biểu về tình hình Afghanistan tại Washington hôm 18/8. Ảnh: Reuters.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price phát biểu về tình hình Afghanistan tại Washington hôm 18/8. Ảnh: Reuters.

Hai tuần trước, đặc phái viên West cũng gặp các đại diện của Taliban tại Pakistan. Sau khi Mỹ rút hoàn toàn lực lượng khỏi Afghanistan và Taliban giành quyền kiểm soát đất nước hồi tháng 8, hai bên đã tổ chức phiên họp đầu tiên vào đầu tháng 10 ở thủ đô Doha của Qatar, nơi các nhà ngoại giao Mỹ xem xét quan hệ với Afghanistan trong bối cảnh Taliban tiếp quản quyền lực.

West hôm 19/11 nhắc lại các điều kiện của Mỹ để Taliban nhận được hỗ trợ tài chính và ngoại giao từ họ là chống lại chủ nghĩa khủng bố, xây dựng một chính phủ bao trùm, tôn trọng quyền của những nhóm thiểu số, phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời cung cấp quyền tiếp cận công bằng với giáo dục và việc làm. Đặc phái viên cho biết Mỹ sẽ tiếp tục đàm phán với Taliban và hiện chỉ viện trợ nhân đạo.

Amir Khan Muttaqi, Ngoại trưởng chính quyền lâm thời Afghanistan chưa được cộng đồng quốc tế công nhận, tuần trước gửi thư ngỏ lên quốc hội Mỹ kêu gọi trả số tài sản mà Mỹ đóng băng của Afghanistan. Sau khi chính quyền do phương Tây hậu thuẫn sụp đổ hồi tháng 8, Afghanistan rơi vào khủng hoảng tài chính, các ngân hàng áp hạn mức rút 200-400 USD/tuần cho mỗi tài khoản.

Tình hình thêm trầm trọng do Afghanistan thiếu nguồn tiền mặt từ nước ngoài, khi Mỹ áp lệnh phong tỏa 10 tỷ USD dự trữ của nước này. Các tổ chức tài chính như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng ngăn chính quyền Taliban tiếp cận viện trợ phát triển được cam kết cho chính phủ trước.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
homescontents