Gia đình chiến đấu với sa mạc lớn thứ 4 thế giới

22 năm trước, cả gia đình ông Wang Tianchang chuyển đến sống ở sa mạc Gobi, khi hầu hết mọi người đang cố chạy trốn khỏi vùng đất này.

Gobi – sa mạc lớn thứ tư thế giới, nằm trên lãnh thổ hai nước Trung Quốc và Mông Cổ. Trong vài thập niên qua, Gobi đã nuốt chửng khoảng 650 triệu mẫu đất của Trung Quốc và chưa có dấu hiệu dừng lại. Khi nó tiến sâu hơn vào trung tâm nước này, những cơn bão cát tấn công thủ đô Bắc Kinh và nhiều thành phố khác.

Gia đình ông Wang sống ở rìa sa mạc Gobi. Trước tình trạng sa mạc hóa, nhiều hàng xóm của ông chọn cách chuyển đi nơi khác, trở thành “người tị nạn khí hậu”, “người di cư sinh thái”… Nhưng ông Wang không muốn vậy. “Nhìn lúa mì, khoai tây và ngô bị phá hủy bởi nhiều trận bão cát, tôi quyết định phải đối diện và chiến đấu”, ông nói.

Gia đình ông Wang quyết định rời nhà đến sa mạc sống. Ảnh: Chinanews
Gia đình ông Wang quyết định rời nhà đến sa mạc sống. Ảnh: Chinanews

Năm 1998, người đàn ông cùng vợ và các con trai rời làng chuyển đến sống giữa sa mạc. Họ ở trong một hố cát (một dạng nhà thô sơ ở vùng sa mạc) trong một thời gian, trồng cây bụi và cây non để ngăn chặn các cồn cát mọc lên.

“Lần đầu chúng tôi đến đây chỉ có một màu vàng, không có màu xanh của cây lá. Nếu không can thiệp, cồn cát sẽ tấn công về phía nam, từ 1,8 mét – 3 mét mỗi năm”, ông nói.

Để có tiền trang trải, ông Wang Tianchang đã bán hầu hết các động vật trong trang trại gồm: 60 con cừu, 7 con lạc đà và 5 con bò, chỉ giữ lại 6 con cừu. Nhưng hai năm đầu ở đây, những cây non trồng lên đều bị gió thổi bay. Thay vì trở về làng, Wang học cách thích nghi để bắt đầu lại.

Gia đình họ đúc kết được nên trồng cây ở nơi có mái che tỷ lệ sống sẽ cao hơn, trồng cây bụi và cỏ sẽ phát triển thuận lợi hơn, lại ngăn được cát tấn công.

Cha con ông Wang dùng cỏ khô tạo thành một mạng lưới ép vào cồn cát để ngăn cát thoát ra ngoài. Ảnh: Chinanews
Cha con ông Wang dùng cỏ khô tạo thành một mạng lưới ép vào cồn cát để ngăn cát thoát ra ngoài. Ảnh: Chinanews

Hiện tại, dù đã hơn 70 tuổi và gặp các vấn đề sức khỏe, ông Wang Tianchang không có ý định từ bỏ mục tiêu chống lại sa mạc hóa. “Tôi sẽ ở đây đến khi nhắm mắt”, ông nói.

Con trai của ông, Wang Yinji hiện đang phụ trách các hoạt động trồng trọt. Gia đình này đã chi khoảng 180.000 USD (hơn 4 tỷ đồng) để ngăn chặn sự phát triển của sa mạc.

Chính phủ Trung Quốc giao Wang Tianchang và các con trai ông làm chủ trang trại rừng vào năm 2010, giao nhiệm vụ che phủ các cồn cát bằng thảm thực vật. Chính phủ cũng tài trợ chi phí cho công việc của họ và lấy gia đình ông Wang làm hình mẫu cho các “chiến binh sinh thái”.

Vợ của ông Wang Tianchang ngồi trong vườn rau mà họ xây dựng bên cạnh ngôi nhà của họ ở rìa sa mạc. Ảnh: Xinyan Yu/inkstonenews
Vợ của ông Wang Tianchang ngồi trong vườn rau mà họ xây dựng bên cạnh ngôi nhà của họ ở rìa sa mạc. Ảnh: Xinyan Yu/inkstonenews

Ở sa mạc bao la bây giờ, ngôi nhà của ông Wang được dựng lên như một ốc đảo, bao quanh là một vườn rau xanh mướt. Ở đó, ngô, khoai tây và rau vẫn lớn từng ngày bất chấp cồn cát tấn công.

Nhưng gia đình ông Wang cũng có những hối tiếc không thể cứu vãn. Năm 2005, ông Wang mất đứa cháu 14 tuổi vì khối u não. Cha của cậu bé, anh Wang Yinji luôn tự dằn vặt vì dành quá nhiều thời gian chiến đấu với sa mạc mà không phát hiện bệnh tình của con sớm hơn.

“Mỗi cây non tôi trồng đều giống con trai đang đứng trước mặt tôi. Nhìn màu xanh trải dài trên cát, tôi vui vì con trai như chưa từng rời xa”, người cha xúc động. Mục tiêu của gia đình này là tăng thêm 30% độ che phủ rừng cho các cồn cát xung quanh nhà.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
homescontents