Người Mỹ sẽ bỏ phiếu ngày 8/11 để bầu lại toàn bộ Hạ viện và 1/3 Thượng viện, trong cuộc bầu cử giữa kỳ được coi như đợt đánh giá tổng thống đương nhiệm.
Bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra 4 năm một lần, gần nhất là năm 2020 với ông chủ Nhà Trắng hiện tại là Joe Biden, đảng Dân chủ. Giữa mỗi nhiệm kỳ tổng thống, cử tri Mỹ sẽ bỏ phiếu để bầu lại các ghế Hạ viện và Thượng viện, gọi là “bầu cử giữa kỳ”. Sự kiện này còn được coi là cuộc trưng cầu dân ý về tổng thống Mỹ đương nhiệm, dù tên họ không có trên lá phiếu.
Bầu cử giữa kỳ cũng diễn ra 4 năm một lần. Bầu cử giữa kỳ Mỹ năm nay diễn ra ngày 8/11 và tại một số nơi đã bắt đầu bỏ phiếu sớm.
Theo hiến pháp Mỹ, toàn bộ 435 ghế tại Hạ viện và 34 trong tổng số 100 ghế tại Thượng viện sẽ được bầu lại. Lượng cử tri tham gia bầu cử giữa kỳ thường thấp hơn so với cuộc đua vào Nhà Trắng.
Ngoài lưỡng viện quốc hội, cử tri Mỹ còn bầu thống đốc 36 bang và ba vùng lãnh thổ, chọn thị trưởng nhiều thành phố và các quan chức địa phương. Cử tri đi bầu cử giữa kỳ tại 36 bang còn bỏ phiếu về 129 luật, quy định cấp địa phương, trong đó có luật về phá thai ở California, Kentucky, Michigan, Montana và Vermont.
Bầu cử quốc hội
Quốc hội Mỹ gồm Hạ viện và Thượng viện, là nhánh lập pháp trong chính quyền liên bang, phụ trách soạn thảo và ban hành các luật. Hạ viện gồm 435 ghế nghị sĩ có nhiệm kỳ hai năm, còn Thượng viện gồm 100 ghế thượng nghị sĩ, nhiệm kỳ 6 năm.
Mỗi bang sẽ được đại diện bởi hai thượng nghị sĩ ở Thượng viện. Số ghế tại Thượng viện Mỹ đang được chia đều cho hai đảng, với 50 thượng nghị sĩ Cộng hòa và 48 thượng nghị sĩ Dân chủ cùng hai thượng nghị sĩ độc lập Angus King và Bernie Sanders ủng hộ đảng này.
Các thượng nghị sĩ được chia thành ba nhóm I, II và III, với số thành viên lần lượt là 33, 33 và 34. Nhóm I là các thượng nghị sĩ được bầu trong cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11/2018, kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 1/2025. Nhóm II được bầu trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11/2020, hết nhiệm kỳ vào đầu năm 2027.
Nhóm III được bầu trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11/2016, nhiệm kỳ từ tháng 1/2017 đến tháng 1/2023. Đây cũng là nhóm được bầu lại trong cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới.
Dù có số ghế ngang với đảng Cộng hòa, đảng Dân chủ được coi là chiếm thế đa số “tối thiểu” tại Thượng viện, do Chủ tịch Thượng viện là Phó tổng thống Kamala Harris thuộc đảng này.
Trong trường hợp xảy ra thế bế tắc trong các cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện, bà Harris sẽ có quyền bỏ lá phiếu quyết định và đã làm điều này 26 lần, nhiều nhất trong số các phó tổng thống kể từ thời ông John Calhoun năm 1825-1832.
Trong bầu cử giữa kỳ năm nay, ngoài chọn thay thế 34 thượng nghị sĩ, cử tri Mỹ còn bầu thêm một thượng nghị sĩ với nhiệm kỳ 4 năm để thay cho James Inhofe. Ông Inhofe, thành viên đảng Cộng hòa, tái đắc cử thượng nghị sĩ đại diện bang Oklahoma tháng 11/2020, nhiệm kỳ đến tháng 1/2027, nhưng ông dự kiến nghỉ hưu vào tháng 1/2023.
Đảng Dân chủ tự tin trong việc tiếp tục kiểm soát Thượng viện, bởi họ chỉ phải bảo vệ 14 ghế, trong khi phe Cộng hòa phải giữ 21 ghế.
Tại Hạ viện, mỗi bang sẽ có số nghị sĩ đại diện tương ứng với quy mô dân số bang đó, tối thiểu là một người.
Đảng Dân chủ đang chiếm thế đa số tại Hạ viện, với 220 ghế, còn đảng Cộng hòa chiếm 212 ghế. Ba ghế còn lại đang trống do hạ nghị sĩ Jackie Walorski, bang Indiana, qua đời tháng 8/2022, ông Charlie Crist, bang Florida, từ chức trong cùng tháng để tập trung tranh cử thống đốc bang và ông Ted Deutch từ chức ngày 30/9 để làm CEO một nhóm lợi ích.
Đa số các ghế đều gần như chắc chắn thuộc về đảng Dân chủ hoặc Cộng hòa, do xu hướng chính trị ủng hộ từng đảng tại các khu vực bầu cử nhất định. Một phân tích của CBS News cho thấy trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm nay chỉ có 81 ghế nghị sĩ Hạ viện “mang tính cạnh tranh”, với thắng bại được quyết định bởi chênh lệch phiếu chỉ 5 điểm phần trăm hoặc ít hơn.
Trong lịch sử, đảng của tổng thống đương nhiệm thường để mất ghế tại Hạ viện trong bầu cử giữa kỳ.
Kể từ Thế chiến II, đảng của tổng thống đương nhiệm trung bình mất 29 ghế tại Hạ viện sau cuộc bầu cử giữa kỳ đầu tiên trong nhiệm kỳ, theo Hội đồng Quan hệ Ngoại giao Mỹ. Ngoại lệ đáng chú ý là trong nhiệm kỳ của ông George W. Bush, đảng Cộng hòa giành thêm 8 ghế Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2002.
Đảng Cộng hòa tin rằng xu hướng này sẽ tiếp diễn và đang tập trung tranh cử với các thông điệp về an ninh biên giới, tình trạng tội phạm và lạm phát. Tuy nhiên, cuộc đua năm nay có một số biến số khác thường.
Ảnh hưởng còn sót lại từ cựu tổng thống Cộng hòa Donald Trump, một số ứng viên đảng Cộng hòa có quan điểm cực đoan và phán quyết từ Tòa án Tối cao, với phe bảo thủ chiếm đa số, về cấm phá thai có thể mang lại lợi thế cho đảng Dân chủ.
Tác động
Kết quả bầu cử giữa kỳ có thể tác động rất lớn đến hai năm còn lại trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden cũng như xu hướng chính trị Mỹ.
Nếu đảng Cộng hòa thắng ở Hạ viện hoặc Thượng viện, hoặc giành quyền kiểm soát lưỡng viện, họ sẽ có thể chặn hầu hết chương trình nghị sự của ông Biden, tìm cách biến ông thành một “tổng thống bất lực”. Họ cũng có thể mở các cuộc điều tra với con trai Hunter của ông Biden hoặc cản trở các mục tiêu lưỡng đảng khác.
Với thế đa số tại Thượng viện, phe Cộng hòa còn có thể chặn các quyết định bổ nhiệm trong nội các hoặc lĩnh vực tư pháp, như ngăn đề cử của Tổng thống vào ghế trống tại Tòa án Tối cao.
Bầu cử giữa kỳ năm nay cũng sẽ định đoạt ghế thống đốc, tổng thư ký, tổng chưởng lý và thành viên nghị viện ở hàng chục bang. Những người chiến thắng trong các cuộc đua cấp địa phương như vậy có thể tạo ra thay đổi lớn liên quan quyền phá thai, quyền bỏ phiếu hoặc thách thức tính hợp pháp trong các cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.
Hơn nữa, nghị viện tại hầu hết các bang nắm quyền kiểm soát quy trình phân chia khu vực bầu cử theo thay đổi quy mô dân số. Đảng kiểm soát nghị viện bang đó thường thay đổi ranh giới các khu vực bầu cử để tạo lợi thế chính trị cho đảng mình, với những ảnh hưởng sâu rộng đến quyền kiểm soát Hạ viện trong tương lai.
Kết quả bầu cử giữa kỳ có ảnh hưởng nhất định đến chính trường Mỹ cũng như tình hình thế giới. Tại nhiều bang, cuộc bầu cử giữa kỳ sẽ tác động trực tiếp đến cuộc bầu cử tổng thống 2024, liên quan cách tổ chức bỏ phiếu, kiểm phiếu và đặc biệt là ai nắm quyền chứng nhận kết quả bỏ phiếu tại bang đó.
Trong chính sách đối ngoại của Mỹ, đảng Dân chủ và Cộng hòa đang có nhiều điểm tương đồng hơn là khác biệt. Dù vậy, kết quả bầu cử giữa kỳ vẫn có thể ảnh hưởng đến những vấn đề như chính sách khí hậu và chi tiêu, trong đó có hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.
Nếu đảng Cộng hòa kiểm soát lưỡng viện quốc hội, họ nhiều khả năng sẽ ngăn cản các nỗ lực hỗ trợ quân sự, tài chính cho Ukraine để tập trung hơn vào các vấn đề trong nước. Động thái này của Mỹ có thể gây hoài nghi với Kiev và các đồng minh châu Âu, cũng như tác động tới tinh thần đoàn kết của NATO, giữa lúc chiến sự ở Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Dù đảng nào nắm quyền kiểm soát quốc hội, quan điểm của Mỹ về Trung Quốc, Iran nhiều khả năng sẽ không có nhiều thay đổi. Tổng thống Biden và đội ngũ cố vấn của ông vẫn sẽ duy trì ảnh hưởng đáng kể đối với chính sách đối ngoại của Mỹ và sẽ tiếp tục con đường hiện nay trong hai năm tới.
Những vấn đề khiến cử tri Mỹ quan tâm
Với giá thực phẩm leo thang, giá xăng tăng trở lại và các chuyên gia kinh tế đưa ra những nhận định về nguy cơ suy thoái cận kề, kinh tế đang là vấn đề được quan tâm nhất trong gần như mọi cuộc khảo sát cử tri Mỹ gần đây.
Lạm phát tại Mỹ tháng 9 tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước, vượt xa mục tiêu tăng 2% do Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đưa ra. Fed đã tăng lãi suất 6 lần liên tiếp, lần đầu tiên hồi tháng 3, để ứng phó lạm phát và dự kiến còn tiếp tục siết chính sách tiền tệ.
Dù lạm phát là vấn đề mang tính toàn cầu và Tổng thống Biden rất khó kiểm soát, phe Cộng hòa vẫn đổ lỗi cho đảng Dân chủ vì triển khai các gói chi tiêu khổng lồ, khiến tình hình thêm tồi tệ.
Trong khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Chính trị Mỹ (CAP) Harvard và công ty nghiên cứu thị trường Harris thực hiện với khoảng 2.000 cử tri đã đăng ký bỏ phiếu, 48% nói lạm phát khả năng cao khiến họ bỏ phiếu cho phe Cộng hòa, trong khi 36% chọn phe Dân chủ.
Trật tự và pháp luật cũng là một vấn đề được phe Cộng hòa nhắm đến, khi tình trạng bạo lực và biểu tình liên quan sắc tộc gia tăng tại Mỹ. Số vụ bạo lực hình sự tăng 28%, từ 640.836 vụ năm 2020 lên 817.020 năm 2021, theo số liệu từ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI).
Hơn 3/4 người tham gia khảo sát của Politico/Morning Counsult và Fox News đều coi bạo lực hình sự là vấn đề lớn.
Tại bang Pennsylvania, nơi diễn ra một trong những cuộc đua gay cấn vào Thượng viện, ứng viên Cộng hòa Mehmet Oz gần như ngày nào cũng cáo buộc đối thủ Dân chủ John Fetterman “nhẹ tay với tội phạm”. Đảng Cộng hòa áp dụng chiến thuật tương tự tại các bang dao động khác, như Nevada và Wisconsin.
Ngoài ra, cử tri Mỹ còn quan tâm đến các mối đe dọa nền dân chủ, quyền phá thai và nhập cư. Khảo sát của Đại học Monmouth tháng 9 cho thấy chỉ 31% người dân Mỹ hài lòng về cách xử lý vấn đề của ông Biden trong những vấn đề này, số phản đối lên đến 63%.
Một số vấn đề khác thường xuyên xuất hiện rồi biến mất trong các cuộc thăm dò cử tri, đủ để nhắc đến khi tranh cử nhưng không được coi là có tính quyết định để họ ủng hộ bên nào. Những vấn đề này gồm bình đẳng sắc tộc, kiểm soát súng đạn và biến đổi khí hậu.