Liệu pháp kháng thể có thể kém hiệu quả với chủng Omicron

Các thử nghiệm sơ bộ cho thấy liệu pháp kháng thể của Regeneron Pharmaceuticals và Eli Lilly kém hiệu quả trên biến chủng Omicron, có thể cần điều chỉnh cho phù hợp.

Đây là kết quả ban đầu từ cuộc chạy đua của các nhà khoa học nhằm nghiên cứu, đánh giá tác động của biến chủng mới với phương pháp điều trị hiện có. Theo các nhà khoa học, Omicron có một số đột biến ở vùng mà liệu pháp kháng thể của hãng dược Regeneron và Eli Lilly nhắm mục tiêu. Trong khi đó, các loại thuốc khác vẫn hoạt động tốt vì chúng tấn công vào các yếu tố không đổi của virus.

Kháng thể đơn dòng là phân tử được tạo ra trong phòng thí nghiệm, có nguồn gốc từ người đã khỏi Covid-19 hoặc chuột bạch thử nghiệm có hệ miễn dịch giống người. Nếu tiêm ngay sau khi nhiễm bệnh, thuốc sẽ bám vào nCoV, ngăn không cho virus tự tái tạo trong tế bào mới.

Hiện liệu pháp kháng thể là phương thuốc duy nhất được phê duyệt khẩn cấp điều trị bệnh nhân Covid-19 thể nhẹ và trung bình, ngăn nguy cơ chuyển nặng. Giống với vaccine, thuốc huấn luyện hệ miễn dịch sản xuất kháng thể chống lại virus.

Năm ngoái, cựu tổng thống Donald Trump cũng sử dụng thuốc của Regeneron để điều trị Covid-19. Hãng cho biết sẽ xác định cụ thể mức ảnh hưởng của kháng thể với thuốc trong tuần tới, sau khi nghiên cứu sâu rộng hơn.

Theo George Yancopoulos, Giám đốc khoa học của Regeneron, nếu thử nghiệm cuối cùng cho thấy thuốc thực sự giảm hiệu quả, hãng sẽ phát triển kháng thể thay thế nhằm duy trì tác dụng của thuốc với Omicron và các biến chủng sau này. Regeneron đã có sẵn kháng thể thay thế khả thi, sẵn sàng thử nghiệm nếu cần thiết.

Khu điều trị Covid-19 bằng kháng thể ở thành phố Pembroke Pines, bang Florida. Ảnh: AFP
Khu điều trị Covid-19 bằng kháng thể ở thành phố Pembroke Pines, bang Florida, Mỹ. Ảnh: AFP

Sau khi biến chủng xuất hiện ở Nam Phi vào tuần trước, các nhà nghiên cứu chạy đua tìm hiểu liệu tủ thuốc vốn hạn chế để điều trị Covid-19 có còn hiệu quả hay không.

“Trong 6 ngày qua, điều này càng trở nên cấp thiết. Ban đầu, việc phát triển kháng thể thay thế chỉ như kế hoạch dự phòng. Giờ thì nó diễn ra nhanh chóng hơn nhiều”, tiến sĩ Yancopoulos, cho biết trong một cuộc phỏng vấn.

Các nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson ở Seattle phát hiện đột biến riêng lẻ từ Omicron làm suy yếu hoặc loại bỏ khả năng bám dính virus của thuốc Regeneron và Eli Lilly. “Tôi không chắc mức độ ra sao, nhưng có lẽ nó ít hiệu quả hơn”, tiến sĩ Allie Greaney, thành viên trung tâm nói.

Theo các nhà khoa học, Omicron là mối đe dọa đối với vaccine cũng như liệu pháp kháng thể. Các loại thuốc kháng virus đường uống như molnupiravir của Merck và paxlovid của Pfizer dường như duy trì hiệu quả trước biến chủng, bởi chúng nhắm vào vùng khác của virus, không chứa các đột biến, tiến sĩ Michel Nussenzweig, chuyên gia miễn dịch Đại học Rockefeller, nhận định.

“Thuốc viên có vẻ ổn định, chịu ít áp lực từ biến chủng hơn. Song chúng tôi vẫn cần nghiên cứu thêm”, ông nói.

Biến chủng Omicron được ghi nhận lần đầu ở Nam Phi hôm 24/11, một số ca nhiễm khác cũng được phát hiện tại Botswana, Bỉ, Israel và đặc khu hành chính Hong Kong của Trung Quốc.

Trước mối đe dọa từ biến chủng này, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 29/11 bắt đầu cấm chuyến bay từ Nam Phi và khu vực lân cận. 4 nước Đông Nam Á gồm Malaysia, Thái Lan, Philippines và Singapore đã siết đi lại với các nước phía Nam châu Phi, yêu cầu cách ly người nhập cảnh trong những ngày qua.

Anh cũng cấm nhập cảnh đối với người đến từ Nam Phi và 5 nước láng giềng. Những động thái tương tự đã được áp dụng tại Australia, Nhật Bản, Ấn Độ, Iran, Brazil và Canada.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
homescontents
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x