Kinh tế châu Á loạng choạng vì biến chủng Delta

Tốc độ lây lan chóng mặt của biến chủng Delta và tỷ lệ tiêm chủng còn thấp đã khiến châu Á lúng túng khi ứng phó với đợt dịch mới nhất…

Nửa đầu năm nay, kinh tế châu Á phục hồi mạnh từ mức đáy mà đại dịch Covid-19 gây ra trong năm ngoái. Giờ đây, đà phục hồi này đang đuối dần khi làn sóng biến chủng Delta khiến các cửa hiệu và nhà máy trong khu vực đóng cửa hàng loạt.

Tốc độ lây lan chóng mặt của biến chủng Delta và tỷ lệ tiêm chủng còn thấp đã khiến châu Á lúng túng khi ứng phó với đợt dịch mới nhất, cho dù các nền kinh tế ở châu Âu và Bắc Mỹ đã và đang mở cửa trở lại.

“Rõ ràng các nền kinh tế trong khu vực đang bị ảnh hưởng nhiều bởi Covid-19 hơn so với trước kia. Nhân tố lớn nhất ở đây là tỷ lệ tiêm chủng còn thấp của châu Á”, ông Rob Carnell, Trưởng bộ phận nghiên cứu thuộc ING ở Singapore, nhận định.

Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, các chỉ số về tình kình kinh doanh và kinh tế vẫn cho thấy sự phục hồi mạnh, một phần do cơ sở so sánh thấp của năm 2020. Tuy nhiên, nếu so quý sau với quý trước, có thể thấy đà phục hồi đang yếu đi. Phân tích của hãng tin Reuters dựa trên dữ liệu từ Refinitiv Eikon về 1.069 công ty có mức vốn hoá từ 1 tỷ USD trở lên ở châu Á cho thấy lợi nhuận quý 3 có thể giảm 6,19% so với quý 2, đánh dấu lần đầu tiên quý sau giảm so với quý trước trong vòng 6 quý trở lại đây.

“Chắc chắn là sẽ có một sự giảm tốc trong quý 3”, chiến lược gia Norihiro Fujito thuộc Mitsubishi UFJ Morgan Stanley ở Tokyo nhận định.

Trong ngắn hạn, tình hình kinh tế châu Á sẽ phụ thuộc nhiều vào tiến trình tiêm chủng ở Đông Nam Á – một trung tâm sản xuất lớn của khu vực – và việc Trung Quốc liệu có triển khai thêm các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng hay không, theo ông Fujito.

Doanh số ô tô tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, giảm 11,9% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng giảm thứ ba liên tục do Covid bùng phát và cuộc khủng hoảng thiếu con chip toàn cầu gây giảm sản lượng xe.

Bên trong trung tâm thương mại Pondok Indah ở Jakarta, Indonesia hôm 13/8, sau khi Chính phủ nước này cho mở cửa trở lại các trung tâm thương mại đối với những người đã có chứng chỉ tiêm vaccine ngừa Covid - Ảnh: Reuters.
Bên trong trung tâm thương mại Pondok Indah ở Jakarta, Indonesia hôm 13/8, sau khi Chính phủ nước này cho mở cửa trở lại các trung tâm thương mại đối với những người đã có chứng chỉ tiêm vaccine ngừa Covid – Ảnh: Reuters.

Toyota, hãng xe lớn nhất thế giới về doanh số, tuần trước tuyên bố cắt giảm 40% sản lượng xe tháng 9 so với kế hoạch ban đầu do không có đủ con chip. Tuy nhiên, hãng giữ nguyên mục tiêu sản lượng và doanh số của cả năm tài khoá. Nói về tình hình nguồn cung linh kiện nói chung, nhà điều hành Kazunari Kumakura của Toyota nói: “Sự lây lan của virus và các biện pháp phong toả ở Đông Nam Á có ảnh hưởng lớn”.

Tại Đông Nam Á, số ca nhiễm Covid tăng mạnh và các hạn chế chống dịch đã ảnh hưởng mạnh đến cả hai lĩnh vực sản xuất và dịch vụ. Theo dữ liệu từ IHS Markit, hoạt động của các nhà máy trong khu vực trong tháng 7 giảm mạnh nhất kể từ tháng 6 năm ngoái.

“Đó là một tín hiệu rõ rệt cho thấy đà tăng trưởng kinh tế Đông Nam Á chậm lại trong quý 3”, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của IHS Markit tại Singapore, ông Rajiv Biswas, phát biểu.

Đợt bùng dịch này ở Đông Nam Á đã gây ra thách thức lớn về chuỗi cung ứng đối với những nhà sản xuất lớn nhất thế giới, trong đó có nhiều công ty dựa vào nguồn cung linh kiện ô tô và con chip sản xuất tại những nước có chi phí thấp như Thái Lan, Việt Nam và Malaysia.

Giám đốc tài chính Koji Ikeya của Mitsubishi Motors nói rằng làn sóng Covid hiện nay sẽ gây sức ép giảm nhu cầu, cuộc khủng hoảng thiếu chip sẽ ảnh hưởng kéo dài đến sản xuất, chưa kể giá thép và nhiều vật tư khác cũng đang tăng.

“Vì những rủi ro này, môi trường xung quanh chúng tôi vẫn còn nhiều bất ổn”, ông Ikeya nói.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của biến chủng Delta đối với kinh tế châu Á sẽ chỉ được thể hiện rõ khi các chính phủ trong khu vực công bố kết quả tăng trưởng GDP quý 3. Chuyên gia Carnell của ING nói rằng những nước châu Á phải chuyển từ tình trạng tương đối mở cửa sang đóng cửa có thể sẽ chứng kiến sự suy giảm GDP quý sau so với quý trước.

Ông Carnell cũng cho biết ING đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và Australia. “Tăng trưởng xuất khẩu của một số nước có thể đạt tới 30-40% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng chẳng qua là nhờ cơ sở so sánh thấp của năm 2020”, ông nói.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
homescontents