Nhiều công nhân là F0 hoàn thành cách ly tại nhà tốn 250.000 đồng xin giấy nghỉ ốm từ phòng khám tư để làm thủ tục bảo hiểm, nhưng chưa chắc được chấp thuận.
Sau 14 ngày điều trị Covid-19 tại nhà, chị Lê Thị Lon, 52 tuổi, công nhân Công ty TNHH Semo Vina (Khu chế xuất Tân Thuận) được Trạm y tế phường Bình Thuận (quận 7) cấp giấy hoàn thành cách ly. Người mẹ đơn thân nuôi 2 con nhỏ nói thời gian điều trị Covid-19 không đi làm, thu nhập bị giảm, riêng tiền mua kit test nhanh cho 3 mẹ con hơn một triệu đồng. Chị mong sớm được cấp giấy nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội nộp cho công ty làm thủ tục nhận hơn 2,3 triệu đồng. Tuy nhiên y tế phường trả lời không thể cấp vì chưa được hướng dẫn.
Trước đó khi dịch bùng phát, Bảo hiểm xã hội TP HCM linh động thanh toán bảo hiểm xã hội cho người lao động là F0 điều trị ở nhà dựa trên giấy xác nhận hoàn thành cách ly. Đến nay hơn 10.000 người đã nhận tiền. Tuy nhiên, từ 19/11, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) yêu cầu những F0 trên phải có giấy nghỉ ốm mới được giải quyết. Đây là lý do khiến thủ tục nhận bảo hiểm của những người như chị Lon gặp vướng mắc. Bởi hiện nhiều trạm y tế phường, xã, trung tâm y tế quận, huyện chưa triển khai cấp giấy nghỉ ốm.
Được đồng nghiệp giới thiệu, sáng 14/12, chị Lon xin nghỉ làm, đến Phòng khám đa khoa Sài Gòn Tân Thuận xin giấy nghỉ ốm. Tại đây chị phải xét nghiệm nhanh Covid-19 tốn 180.000 đồng. “Trên giấy hoàn thành cách ly đã có thông báo tôi âm tính nhưng phòng khám không chấp nhận”, chị Lon nói. Vì lượng người đến khá đông, nữ công nhân mất hơn 3 giờ mới nhận được kết quả để bổ sung hồ sơ xin cấp giấy gồm thẻ bảo hiểm y tế, giấy hoàn thành cách ly.
Cũng được Phòng khám đa khoa Sài Gòn Tân Thuận cấp giấy nghỉ ốm cho 15 ngày điều trị Covid-19 tại nhà, công nhân Huỳnh Nguyễn Thanh Thi, nói ngoài 180.000 đồng chi phí xét nghiệm, chị phải trả thêm 70.000 đồng tiền khám bệnh với lý do trái tuyến bảo hiểm y tế. Chị phải xin nghỉ việc, đi tới phòng khám 2 lần mới xin được giấy nghỉ ốm.
Chị Lon, chị Thi là hai trong số gần một nghìn công nhân làm việc tại các nhà máy trong Khu chế xuất Tân Thuận là F0 điều trị tại nhà cần hoàn thiện hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội đã được Phòng khám đa khoa Sài Gòn Tân Thuận cấp giấy nghỉ ốm. Từ ngày 4/12 đến nay, mỗi ngày phòng khám cấp 150-200 giấy.
Lý giải việc bắt người xin giấy nghỉ ốm phải xét nghiệm Covid-19, trái quy định của Sở Y tế TP HCM, ông Nguyễn Văn Chương, Giám đốc Phòng khám Đa khoa Sài Gòn Tân Thuận, cho biết điều này nhằm đảm bảo an toàn cho phòng khám, tránh lây nhiễm vì lượng người xin giấy quá đông. Những người có giấy xét nghiệm âm tính với nCov trong vòng 72 giờ, phòng khám không buộc xét nghiệm nhanh tại chỗ.
Về giá xét nghiệm phòng khám thu 180.000 đồng, cao hơn giá Bộ Y tế quy định là 109.700 đồng, ông Chương nói rằng “đây là kit xịn nhất của Hàn Quốc nên giá cao hơn”. Tuy nhiên, sắp tới phòng khám xem xét điều chỉnh giá phù hợp, giới hạn lượng người đến nộp hồ sơ để đảm bảo giãn cách, không bắt làm xét nghiệm.
Ông Trần Dũng Hà, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP HCM, cho biết sau khi Bộ Y tế yêu cầu việc thanh toán bảo hiểm phải có giấy nghỉ ốm theo quy định Thông tư 56, cơ quan này đã hướng dẫn, đề nghị các trạm y tế phường, xã sớm triển khai cấp giấy, hỗ trợ công nhân. Các trạm sẽ dựa trên thông tin giấy hoàn thành cách ly để cấp lùi, cấp mới cho người lao động, không thu phí.
Theo hướng dẫn của Sở Y tế TP HCM, chỉ có trung tâm y tế quận, huyện, phường, xã mới được quyền cấp giấy nghỉ ốm cho F0 điều trị tại nhà. Cho nên các giấy nghỉ ốm do Phòng khám đa khoa Sài Gòn Tân Thuận cấp, Bảo hiểm xã hội TP HCM chưa thể giải quyết vì phải chờ thẩm định lại.
Ngoài ra, mới đây cơ quan bảo hiểm cùng Sở Y tế kiến nghị Bộ Y tế công nhận giấy hoàn thành cách ly cấp trước 1/12 thay giấy nghỉ ốm cho F0 điều trị tại nhà khi thanh toán bảo hiểm. Điều này tạo điều kiện cho người lao động, không gây quá tải cho ngành y tế. Bởi có thời điểm TP HCM ghi nhận 84.000 F0 điều trị tại nhà. Từ 1/12 trở về sau, giấy nghỉ ốm được cấp theo Thông tư 56 của Bộ Y tế.