WHO: Không tiêm liều vaccine Covid-19 thứ ba đến năm 2022

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 8/9 kêu gọi các nước dừng tiêm liều tăng cường (liều thứ ba) vaccine Covid-19 cho đến cuối năm nay, bởi hàng triệu người còn chưa tiêm liều đầu tiên.

Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Tôi sẽ không im lặng khi mà các hãng dược và quốc gia đang nắm nguồn cung vaccine nghĩ rằng nước thu nhập thấp nên hài lòng khi dùng lượng vaccine thừa lại”.

Phát biểu từ trụ sở WHO ở Geneva, ông Tedros kêu gọi các nước phát triển và nhà sản xuất ưu tiên liều vaccine thứ nhất cho nhân viên y tế cùng nhóm dân số dễ bị tổn thương ở các nước nghèo hơn, thay vì triển khai tiêm liều tăng cường.

“Chúng tôi không muốn thấy người khỏe mạnh, đã tiêm phòng đầy đủ, nhận thêm liều tăng cường”, ông Tedros nói.

Tháng trước, WHO cũng kêu gọi tạm hoãn tiêm liều ba cho đến cuối tháng 9 để giải quyết tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng trong phân phối vaccine giữa các nước giàu – nghèo. Đến ngày 8/9, ông Tedros nhận định tình trạng trên “đã có rất ít thay đổi”.

“Vì vậy, hôm nay tôi kêu gọi hoãn tiêm tăng cường cho đến cuối năm”, ông phát biểu.

Ông cho biết các nước phát triển đã hứa hẹn tặng hơn một tỷ liều vaccine cho những quốc gia thu nhập thấp, “song chưa đến 15% được phân phối”.

“Chúng tôi không cần thêm bất cứ lời hứa nào nữa. Chúng tôi chỉ cần vaccine”, người đứng đầu WHO nói.

Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tại cuộc họp ở Geneva, Thụy Sĩ, tháng 1/2021. Ảnh: Reuters
Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tại cuộc họp ở Geneva, Thụy Sĩ, tháng 1/2021. Ảnh: Reuters

Bất chấp khuyến nghị của WHO, nhiều quốc gia vẫn thảo luận về việc tiêm liều thứ ba, không chỉ cho những người dễ tổn thương mà cho toàn bộ dân số. Lý do đưa ra là biến thể Delta lây lan nhanh chóng có thể làm giảm tác dụng của vaccine.

WHO cho rằng liều bổ sung cần thiết với những người suy giảm miễn dịch, song đối với dân số khỏe mạnh và không bệnh nền, vaccine hiện có hiệu quả ngăn ngừa triệu chứng nặng.

Kate O’Brien, giám đốc chương trình vaccine của WHO, nhận định: “Không có bằng chứng thuyết phục để tiêm đại trà liều tăng cường”.

Cơ quan y tế Liên Hợp Quốc đặt hai mục tiêu: mỗi quốc gia tiêm chủng ít nhất 10% dân số từ nay đến cuối tháng 9 và 40% dân vào cuối năm. Tổ chức này kỳ vọng ít nhất 70% dân số thế giới được tiêm chủng vào giữa năm 2022.

Ông Tedros tỏ ra không hài lòng khi 90% nước phát triển đã đạt mục tiêu thứ nhất, hơn 70% đạt mục tiêu thứ hai và “không một nước thu nhập thấp nào hoàn thành cả hai mục tiêu trên”.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận