Giá quặng sắt “lao dốc không phanh” do Trung Quốc giảm sản lượng thép

Giá quặng sắt, nguyên liệu thô “nóng” nhất năm nay, đang “nguội” đi nhanh chóng – tờ Wall Street Journal cho hay…

Từ giữa tháng 7 đến nay, giá quặng sắt trên thị trường quốc tế đã giảm khoảng 40% do lo ngại về nhu cầu của Trung Quốc, nước chiếm hơn một nửa sản lượng thép của thế giới. Sự sụt giảm này là một đòn mạnh đối với các nước sản xuất quặng thép, đặc biệt là Australia và Brazil, hai quốc gia đang cố gắng bảo về tiến trình phục hồi kinh tế mong manh khỏi sự tấn công của biến chủng Covid-19 Delta.

Một mỏ quặng sắt ở Brazil - Ảnh: Reuters/WSJ.
Một mỏ quặng sắt ở Brazil – Ảnh: Reuters/WSJ.

Trong phiên giao dịch ngày thứ Năm tuần trước, giá quặng sắt giảm 15%, xuống 130,2 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020, theo dữ liệu từ Global Platts. Mới hồi tháng 5, giá quặng sắt lập kỷ lục mọi thời đại ở 233 USD/tấn.

Gần đây, giá nhiều hàng hoá cơ bản khác như dầu thô và đồng cũng sụt giảm mạnh vì lo ngại làn sóng lây nhiễm do biến chủng Delta có thể bóp nghẹt sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, không mặt hàng nào lại rớt giá nhanh như quặng sắt. Theo Morgan Stanley, kể từ khi giá quặng sắt giao ngay được thiết lập trong giao dịch quốc tế cách đây 13 năm, chưa khi nào giá mặt hàng này lại giảm mạnh như hiện nay.

Giá quặng sắt lao dốc báo hiệu một thời kỳ lợi nhuận giảm sút của các hãng khai mỏ như BHP và Rio Tinto, sau một giai đoạn những công ty này đạt lợi nhuận cao chưa từng thấy và trả cổ tức kỷ lục cho cổ đông. Tháng này, BHP cho biết hãng dự báo nhu cầu quặng sắt của Trung Quốc sẽ yếu đi trong trung hạn do sản lượng thép thô của nước này sẽ đạt một mặt bằng mới, trong khi thép vụn được sử dụng nhiều hơn để làm nguyên liệu đầu vào tại các nhà máy thép.

Quặng sắt là hàng hoá cơ bản được giao dịch nhiều thứ hai thế giới, chỉ sau dầu thô, giá mặt hàng này có mức độ biến động cao hơn so với những mặt hàng như dầu thô hay đồng.

“Sự điều chỉnh của giá quặng sắt từ mức cao thiếu bền vững là điều mà chúng tôi đã lường trước. Nhưng dù giá quặng sắt vốn dĩ có mức độ biến động lớn, chúng tôi vẫn bất ngờ vì giá giảm quá nhanh”, một báo cáo gần đây của Morgan Stanley nhận định.

Giá quặng sắt hiện giảm khoảng 40% so với thời điểm giữa tháng 7. Đơn vị: USD/tấn.
Giá quặng sắt hiện giảm khoảng 40% so với thời điểm giữa tháng 7. Đơn vị: USD/tấn.

Nguyên nhân khiến giá quặng sắt “rơi tự do” là dự báo sản lượng thép của Trung Quốc sẽ giảm. Trung Quốc – nước cho tới gần đây vẫn sản xuất thép với tốc độ kỷ lục – muốn giữ tổng sản lượng thép của năm 2021 bằng với mức của năm 2020. “Điều này đòi hỏi sản lượng thép trong thời gian còn lại của năm phải giảm nhiều”, nhà phân tích Rohan Kendall của công ty tư vấn Wood Mackenzie nhận định.

Theo số liệu chính thức của Trung Quốc, sản lượng thép tháng 7 của nước này giảm 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng giảm đầu tiên trong năm nay so với cùng kỳ 2020. Tuy nhiên, sản lượng thép của Trung Quốc vẫn cần giảm khoảng 12% trong thời gian từ tháng 8 đến tháng 12 so với cùng kỳ năm ngoái để đạt mục tiêu sản lượng cả năm mà Chính phủ nước này đề ra – theo ước tính của ngân hàng Commonwealth Bank of Australia.

Dữ liệu gần đây cũng cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang chững lại. Các chỉ số hàng tháng về sản xuất công nghiệp, tiêu dùng và đầu tư đều không đạt kỳ vọng.

Chính phủ Trung Quốc từng nói nhiều về việc hạn chế sản xuất thép để cắt giảm mức phát thải carbon. Ngành thép chiếm khoảng 15% dấu ấn carbon của nước này.

Năm nay, giá thép cao và nhu cầu cao do các biện pháp kích cầu kinh tế đã khuyến khích các nhà máy thép ở Trung Quốc sản xuất nhiều nhất có thể, ông Kendall nói. “Nhưng nhu cầu thép của Trung Quốc sẽ không tăng mãi mãi, mà có thể đã đạt đỉnh. Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng kiểm soát sự dịch chuyển của nhu cầu thép từ tăng trưởng sang một tương lai mà nhu cầu có thể đi ngang, hoặc thậm chí giảm dần”.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận