Gây hơn 1.000 vụ cướp, hãm hiếp và giết người ở 30 quốc gia, Carl Panzram là nỗi khiếp sợ với nhiều viên cai ngục ở Mỹ.
Sinh ngày 28/6/1891 tại East Grand Forks, Minnesota, Carl Panzram là con út trong gia đình nông dân Mỹ – Đức nghèo. Hầu hết anh em của hắn đều sớm rời mái ấm gia đình từ nhỏ, vướng lao lý.
Năm 8 tuổi, Panzram đã say xỉn và gây rối. Ba năm sau, do đột nhập nhà hàng xóm và lấy trộm tiền và khẩu súng lục, Panzram được gửi đến Trường giáo dưỡng Bang Minnesota, Red Wing.
Tại đây, cậu bé 11 tuổi trải qua những ngày tháng khắc nghiệt và bạo lực nhất đời, thường xuyên bị đánh bằng ván gỗ, roi da và mái chèo thuyền, dây xích.
Mùa đông năm 1906, được thả về cho mẹ chăm sóc nhưng Panzram ở nhà được vài ngày rồi bỏ trốn để thực hiện các vụ cướp và đốt nhà thờ. Bất cứ nơi nào đến, Panzram đều lấy thức ăn, quần áo, tiền bạc và súng. Hắn di chuyển từ nơi này sang nơi khác bằng cách nhảy toa tàu và trong một lần như thế đã bị một nhóm đàn ông hãm hiếp tập thể.
Panzram bị sốc, căm hận cuộc đời, “vào tù ra tội” liên miên. Hắn từng hai lần đốt nhà tù và bị chuyển đến Cơ sở Cải huấn Salem – nhà tù khắc nghiệt nhất bang.
Tại đây, Panzram kích động cuộc nổi dậy, hành hung quản giáo với một chiếc rìu. Năm 1915, khi bị giam tại Nhà tù Tiểu bang Oregon, Panzram đã giúp một phạm nhân đào tẩu. Trong khi chạy trốn, gã này đã giết quản giáo. Panzram là đồng phạm.
Panzram vượt ngục thành công năm 1918, sử dụng tên giả đến New Haven, Connecticut. Trong lần đột nhập nhà Tổng thống William Taft, hắn đã lấy trộm đồ trang sức, khẩu súng ngắn cỡ nòng 45. Panzram cũng ủ mưu ám sát Tổng thống vì nghĩ rằng ông tạo ra chế độ tù đày đã hành hạ mình suốt những năm qua. Song Panzram không bao giờ thực hiện vì lượng sức mình không “đấu” lại lớp an ninh dày đặc vây quanh người đứng đầu nước Mỹ.
Năm 1920, Panzram dùng số tiền trộm được từ nhà Tổng thống để mua du thuyền, bắt đầu dụ những người lính Mỹ say rượu từ quán bar đến du thuyền rồi gây án, phi tang xác xuống một cửa sông Đại Tây Dương.
Con tàu cuối cùng bị chìm và Panzram đến châu Phi, tiếp tục gây án. Khoảng một năm sau, Panzram tới Lisbon (Bồ Đào Nha). Biết đang bị cảnh sát truy tìm, Panzram quay lại Mỹ.
Dù là kẻ giết người khó nắm bắt song hắn là tên trộm tồi. Năm 1928, một lần nữa hắn thụ án tại Nhà tù liên bang Leavenworth do ăn cắp, rồi nhận tiếp 25 năm tù sau khi thú nhận đoạt mạng hai cậu bé.
Các cai ngục tại đây không “trị” được Panzram nên xin toà án chuyển hắn đến Nhà tù Clinton của thị trấn Dannemora, thường được coi là nơi “chấm hết cho bọn côn đồ”.
Để trả thù cho những gì phải chịu đựng ở Clinton, một năm sau Panzram giết người quản giáo và bị kết án tử hình.
Bản án tử hình là “giấc mơ” của Carl Panzram. Khi các nhà hoạt động nhân quyền cố gắng can thiệp giúp mình, hắn gọi họ là “những kẻ yếu đuối đáng chết”. Khi cuối đời, hắn có được một người bạn – viên lính cai ngục đã tặng một bao thuốc lá.
Ít lâu sau, người lính này khuyến khích Panzram viết câu chuyện cuộc đời. Hắn đồng ý.
Cuối cùng, năm 1970, người lính này xuất bản các tự thuật của Panzram trong Panzram: A Journal of Murder. Cuốn sách không kể lại bất kỳ chi tiết ghê rợn nào về những tội ác song đã gây một nỗi ám ảnh lớn với nhiều người Mỹ.
Khi bị hành quyết vào năm 1930, những lời cuối cùng của Panzram với đao phủ là: “Nhanh lên. Đợi thắt xong cái lọng tao đã giết được đống người”.
Bộ phim Killer: A Journal Of Murder dựa trên những năm cuối đời của Panzram, được đạo diễn Tim Metcalfe dựng năm 1996. Những trang tự thuật viết tay của Panzram trong năm cuối đời, được người cai ngục tặng lại cho Đại học Bang San Diego vào năm 1980.