Thông điệp Mỹ gửi Trung Quốc khi gây nổ cạnh tàu sân bay

Mỹ liên tiếp thử nghiệm gây nổ cạnh chiến hạm USS Gerald R. Ford dường như nhằm gửi thông điệp “không sợ tên lửa sát thủ tàu sân bay” Trung Quốc.

Hải quân Mỹ ngày 9/8 thông báo tàu sân bay USS Gerald R. Ford hoàn thành đợt thử nghiệm sức chống chịu với ba vụ kích hoạt 18 tấn thuốc nổ ngay bên cạnh tàu, gây chấn động tương đương động đất 3,9 độ. Đây là lần đầu tiên Mỹ tiến hành các vụ nổ lớn cạnh tàu sân bay để thử nghiệm sức chống chịu kể từ năm 1987 đến nay.

Các quan chức hải quân Mỹ cho biết sau ba vụ nổ liên tiếp được tiến hành từ ngày 24/6, tàu Gerald Ford chịu ít thiệt hại hơn dự kiến, không gây hư hỏng nghiêm trọng, không làm nước tràn vào khoang hay gây hỏa hoạn.

Vụ nổ với 18 tấn thuốc nổ lớn hơn sức công phá của bất cứ đầu đạn tên lửa hoặc ngư lôi thông thường nào. Các cuộc thử nghiệm chứng minh tàu sân bay lớp Ford có thể chịu được thủy lôi hoặc tên lửa phát nổ gần chiến hạm, song chưa cho thấy năng lực chống lại đòn tấn công trực diện vào thân tàu, chuyên gia Tống cho biết.

“Tên lửa đạn đạo hoặc siêu vượt âm có thể mang theo vũ khí xung điện từ được kích nổ ở độ cao lớn và gây thiệt hại cho tàu sân bay, thậm chí loại nó khỏi vòng chiến đấu”, ông Tống nói.

Trung Quốc đang phát triển tên lửa đạn đạo diệt hạm DF-21D và DF-26, được mệnh danh là “sát thủ tàu sân bay”. Quân đội Trung Quốc được cho là đã thử nghiệm phóng tên lửa đạn đạo diệt hạm bắn mục tiêu trên Biển Đông, cách nơi phóng hàng nghìn km, trong thử nghiệm hồi tháng 8/2020. Trong khi đó, Nga đang thử tên lửa diệt hạm Zircon, có thể bay nhanh gấp 9 lần tốc độ âm thanh.

USS Gerald R. Ford trong cuộc thử nghiệm FSST ngày 16/7. Ảnh: US Navy.
USS Gerald R. Ford trong cuộc thử nghiệm FSST ngày 16/7. Ảnh: US Navy.

Trong các đợt thử nghiệm FSST, khoảng cách giữa tàu sân bay Ford và vị trí kích hoạt thuốc nổ mỗi lần một gần hơn. Các hư hại nhỏ trên tàu Ford sẽ được đánh giá và sửa chữa trong quá trình bảo dưỡng trước khi chiến hạm được triển khai vào năm 2022.

Brian Metcalf, giám đốc văn phòng chương trình tàu sân bay tương lai của hải quân Mỹ, cho biết FSST chứng minh chiến hạm Ford “có thể chịu được những cú sốc khủng khiếp và tiếp tục hoạt động được trong điều kiện khắc nghiệt”.

FSST được thiết kế nhằm kiểm tra sức chống chịu của khung thân và hệ thống trên chiến hạm trong môi trường chiến đấu mô phỏng.

Tàu sân bay USS Gerald R. Ford được khởi đóng năm 2009, hạ thủy 4 năm sau đó và bàn giao cho hải quân Mỹ tháng 5/2017. Chi phí tàu sân bay USS Gerald R. Ford khi đó là 12,6 tỷ USD, vượt ngân sách dự kiến ban đầu 2,4 tỷ USD, trở thành chiến hạm đắt nhất trong lịch sử Mỹ.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
homescontents