Mỹ cạn vũ khí đấu thương mại với Trung Quốc

Mỹ giữ thái độ cứng rắn để buộc Trung Quốc nhượng bộ trong cuộc chiến thương mại, nhưng họ dường như không còn vũ khí gây sức ép nào.

Sau hội nghị thượng đỉnh trực tuyến hôm 15/11 giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, giới quan sát đánh giá hai bên đều quan tâm đến mục tiêu hạ nhiệt căng thẳng. Tuy nhiên, giữa hai nước vẫn còn khoảng cách lớn trong một loạt vấn đề, bao gồm ảnh hưởng địa chính trị, nhân quyền, công nghệ và thương mại.

Một trong những vướng mắc lớn nhất của hai nước là vấn đề thực thi thỏa thuận giai đoạn một nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh thương mại được phát động dưới thời tổng thống Donald Trump. Theo thỏa thuận thương mại giai đoạn một, Trung Quốc cam kết mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa Mỹ từ năm 2020 đến 2021 so với mức năm 2017.

Thỏa thuận sẽ hết hạn vào ngày 31/12, nhưng Trung Quốc đang bị tụt quá xa mục tiêu mua hàng hóa Mỹ. Chad Bown, chuyên gia tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, cho hay Trung Quốc đến nay mới thực hiện được 60% cam kết mua hàng Mỹ.

Theo thông cáo Mỹ công bố sau cuộc hội đàm hôm 15/11, ông Biden “đã nhấn mạnh điều quan trọng là Trung Quốc cần thực hiện các cam kết trong thỏa thuận giai đoạn một, đồng thời bày tỏ mong muốn nhìn thấy tiến bộ thực sự từ những cuộc thảo luận giữa Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai và Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc”.

Chen Fengying, chuyên gia cấp cao tại Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc (CICIR), đánh giá cam kết mua hàng hóa Mỹ của Trung Quốc theo thỏa thuận thương mại giai đoạn một, cùng các vấn đề về chuỗi cung ứng, sẽ là trọng tâm thảo luận trong tương lai giữa bà Tai và ông Lưu, đặc biệt khi chính quyền Tổng thống Biden đang tìm cách hạ nhiệt lạm phát kỷ lục ở Mỹ.

Nếu Bắc Kinh thực hiện các cam kết trong thỏa thuận, Mỹ có thể hủy mức thuế 7,5% mà họ áp dụng đối với số hàng hóa Trung Quốc trị giá 120 tỷ USD, đồng thời giảm mức thuế 25% đối với 250 tỷ USD hàng Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trên màn hình) họp thượng đỉnh trực tuyến hôm 15/11. Ảnh: AFP.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trên màn hình) họp thượng đỉnh trực tuyến hôm 15/11. Ảnh: AFP.

Ngoài vấn đề sở hữu trí tuệ và mua hàng theo thỏa thuận, Hội đồng Kinh doanh Mỹ – Trung, nhóm vận động đại diện cho hơn 200 doanh nghiệp Mỹ, cho biết những vấn đề khác cũng dự kiến được thúc đẩy giải quyết, bao gồm tăng mức độ tiếp cận thị trường bình đẳng cho doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc, nới lỏng hạn chế đi lại, giải quyết tranh cãi về trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc, hay những nghĩa vụ của Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

“Chúng tôi hy vọng các cuộc họp giữa quan chức hai nước sẽ được lên lịch sớm, nhằm thảo luận về các vấn đề kinh tế và thương mại Mỹ – Trung. Những thách thức vô cùng nghiêm trọng và cần rất nhiều nỗ lực để xử lý”, Craig Allen, chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ – Trung, cho biết.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng trong bối cảnh cạnh tranh siêu cường giữa Mỹ và Trung Quốc chưa thể hạ nhiệt sau hội nghị thượng đỉnh, các cuộc thảo luận về thương mại song phương sẽ ẩn chứa một loạt vấn đề phức tạp.

“Một trong số đó là chính quyền Tổng thống Biden sẽ không thể thuyết phục Trung Quốc tiến hành những thay đổi mà họ không muốn thực hiện”, Derek Scissors, thành viên của Viện Doanh nghiệp Mỹ, cho hay.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan hôm 16/11 cho biết Washington đang đánh giá toàn diện các công cụ sẵn có nhằm đối phó với những hoạt động kinh tế “phi thị trường” của Bắc Kinh.

Một ngày sau, Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) cùng tuyên bố gia hạn quan hệ đối tác ba bên, để “giải quyết những thách thức toàn cầu xuất phát từ chính sách và hành vi phi thị trường của các nước khác”. Đại diện Thương mại Tai cũng tới Hàn Quốc và Ấn Độ để tăng cường quan hệ với các đồng minh châu Á.

Các cố vấn chính sách Trung Quốc lo ngại bất kỳ thỏa thuận kinh tế nào trong tương lai cũng có thể bị đe dọa nếu Mỹ và Trung Quốc không giữ hòa khí về ngoại giao. Một số người chỉ ra rằng EU hồi đầu năm đình chỉ phê chuẩn Thỏa thuận Toàn diện về Đầu tư với Trung Quốc, do hai bên bất đồng trong vấn đề Hong Kong, Tân Cương cùng một số khía cạnh khác.

Trong khi đó, Trung Quốc dường như ngày càng tự tin rằng họ đủ tiềm lực đối đầu những thách thức từ Mỹ, còn chính quyền Tổng thống Biden vẫn duy trì chiến lược cứng rắn tương tự người tiền nhiệm Donald Trump khi ứng phó Bắc Kinh.

“Họ sẽ lại viện dẫn những tiêu chuẩn kinh tế thị trường và cạnh tranh công bằng để buộc Trung Quốc cải cách các doanh nghiệp nhà nước, chính sách công nghiệp, trợ cấp từ chính phủ, quyền lợi lao động, khí hậu, hay bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ”, Xu Lin, nhà đàm phán thương mại của Trung Quốc, cho hay, dự đoán thêm rằng Mỹ sẽ tiếp tục tìm cách duy trì lợi thế trước Trung Quốc trên lĩnh vực công nghệ.

Theo Xu, để đối phó với chiến lược của Mỹ, Trung Quốc phải gây sức ép lên các nước phương Tây nhằm dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu công nghệ cao. “Nếu Mỹ từ chối thực hiện, Trung Quốc có quyền áp dụng những chính sách thay thế xuất khẩu trong các lĩnh vực liên quan”, nhà đàm phán nêu quan điểm.

Wang Yong, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ thuộc Đại học Bắc Kinh, chỉ ra rằng dựa trên lập trường của lưỡng đảng Mỹ là Washington phải cứng rắn với Bắc Kinh, Tổng thống Biden dường như không muốn và không thể đạt được thỏa thuận nào với Trung Quốc trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm sau.

“Kết quả cuộc chiến thuế quan, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng, cũng như các vấn đề kinh tế vĩ mô tại Mỹ cho thấy họ chẳng còn vũ khí nào để gây áp lực với Trung Quốc”, Wang nhận định.

Các đòn áp thuế chính quyền Trump tung ra với Trung Quốc đến nay không phát huy nhiều tác dụng, khi Bắc Kinh áp dụng chiến lược lưu thông kép, đề cao năng lực tự cường về công nghệ và dựa vào thị trường nội địa để tăng trưởng.

Trung Quốc cũng đang thể hiện ý định tăng cường vị thế thương mại của mình bằng cách nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), từng được biết đến với tên gọi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Mỹ từng khởi xướng quá trình đàm phán TPP, nhưng Trump năm 2017 quyết định rút Mỹ khỏi hiệp định với lý do không mang lại lợi ích cho người lao động nước này.

Tờ Global Times thuộc People’s Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, cho biết đơn xin gia nhập CPTPP giúp củng cố “vị thế dẫn đắt thương mại toàn cầu” của Bắc Kinh và khiến Washington “ngày càng bị cô lập”.

Reuters ngày 18/11 dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết Mỹ đã gây sức ép để nhà sản xuất chip SK Hynix của Hàn Quốc ngừng kế hoạch nâng cấp dây chuyền sản xuất quy mô lớn ở Vô Tích, tỉnh Giang Tô.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho rằng đây là một minh chứng cho thấy Mỹ đang dùng uy thế chính trị để cản trở hoạt động kinh doanh bình thường, cảnh báo những hành động “can thiệp” như vậy sẽ tiếp tục làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn đang chật vật với trình trạng thiếu chất bán dẫn.

Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định dù không còn vũ khí hiệu quả để tiếp tục tăng sức ép với Trung Quốc mà không phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu, Mỹ vẫn sẽ tiếp tục duy trì cách tiếp cận cứng rắn với Bắc Kinh, thậm chí có thể gay gắt hơn.

“Mỹ thích thảo luận với các đồng minh thay vì đàm phán trực tiếp với Trung Quốc, bởi họ nhận ra rằng không còn có thể một mình ứng phó Trung Quốc”, chuyên gia Chen Fengying nhận định.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
homescontents