Châu Á nỗ lực tự cường vaccine

Trong bối cảnh thế giới vẫn thiếu nguồn cung vaccine Covid-19, phương án tự phát triển vaccine nội địa trở thành xu hướng tại châu Á.

Kể từ tháng 4, Thái Lan chứng kiến làn sóng lây nhiễm nCoV nghiêm trọng, chủ yếu do biến chủng Delta, khiến hệ thống y tế bị đẩy đến bờ vực quá tải. Việc số ca nhiễm mới hàng ngày lên đến khoảng 20.000 đặt ra nhu cầu phải có thêm nhiều vaccine Covid-19 hơn.

Để giảm phụ thuộc vào các vaccine nhập khẩu vốn rất khan hiếm và tăng nguồn cung cho đất nước, giới khoa học Thái Lan đã tự nghiên cứu nhiều loại vaccine, với ba trong số 6 loại tiềm năng được đưa vào thử nghiệm lâm sàng từ hồi đầu năm. Dù chưa có loại nào được cấp phép sử dụng, các nhà phát triển vẫn hy vọng sản phẩm nội địa của họ sẽ đóng vai trò là mũi tiêm nhắc lại trong tương lai gần.

Các nhà khoa học Thái Lan đã báo cáo những kết quả khả quan đối với hai vaccine đang được thử nghiệm lâm sàng là ChulaCov-19, sử dụng công nghệ mRNA, và NDV-HXP-S, sử dụng công nghệ virus bất hoạt. Kiat Ruxrungtham, nhà nghiên cứu tại Đại học Chulalongkorn, cho biết ChulaCov-19 sẽ bắt đầu thử nghiệm Giai đoạn Hai vào tuần này.

Baiya Sars-CoV-2 Vax 1, một ứng viên vaccine Covid-19 khác tại Thái Lan, dự kiến bắt đầu được thử nghiệm trên người vào tháng tới. Tiến sĩ Suthira Taychakhoonavudh, nhà khoa học tham gia phát triển vaccine này, cho biết nhu cầu đối với vaccine nội địa khá cấp bách, nhưng không thể vội vàng.

Một lọ vaccine NDV-HXP-S, ứng viên vaccine Covid-19 tiềm năng đang được thử nghiệm lâm sàng tại Thái Lan. Ảnh: Tổ chức Dược phẩm Chính phủ Thái Lan.
Một lọ vaccine NDV-HXP-S, ứng viên vaccine Covid-19 tiềm năng đang được thử nghiệm lâm sàng tại Thái Lan. Ảnh: Tổ chức Dược phẩm Chính phủ Thái Lan.

Trong khi đó, đảo Đài Loan hôm 23/8 bắt đầu đưa vào sử dụng vaccine do tập đoàn nội địa Medigen sản xuất sau hơn một năm thử nghiệm. Theo dữ liệu của chính quyền Đài Loan, gần 600.000 người trong số 23,5 triệu dân tại hòn đảo đã đăng ký tiêm vaccine này. Trung tâm Chỉ huy Dịch tễ Đài Loan (CECC) cho biết dựa trên thử nghiệm Giai đoạn Hai, vaccine của Medigen có khả năng đạt hiệu quả chống Covid-19 lên tới 90%.

Việc vaccine Medigen được phê duyệt sử dụng khẩn cấp vào cuối tháng 7 khiến nhiều người nghi ngờ, bởi nó chưa được thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn Ba. Tuy nhiên, giới chính trị gia Đài Loan vẫn tuyên bố tin tưởng các vaccine nội địa. Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã chia sẻ lên mạng xã hội hình ảnh bà tiêm vaccine Medigen, trong khi cấp phó của bà là Lại Thanh Đức cho biết ông sẽ chờ UB-612, một loại vaccine nội địa khác của công ty United Biomedical.

Tại Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae-in dường như cũng đặt hy vọng vào vaccine Covid-19 nội địa, khi cam kết cung cấp tất cả hỗ trợ sẵn có cho quá trình phát triển, thậm chí tung ra gói đầu tư trị giá 2,2 nghìn tỷ won (gần 1,9 tỷ USD) để giúp đỡ các hãng dược phẩm trong nước.

“Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để đạt bước nhảy vọt, với mục tiêu trở thành một trong 5 nhà sản xuất vaccine lớn nhất toàn cầu vào năm 2025”, Tổng thống Hàn Quốc tuyên bố, nói thêm rằng vaccine cũng sẽ là một trong ba công nghệ chiến lược quốc gia bên cạnh chất bán dẫn và pin.

Giới chuyên gia đánh giá Hàn Quốc, một trong những nước sở hữu năng lực sản xuất dược phẩm sinh học lớn nhất thế giới và đã xuất khẩu 5,1 tỷ USD loại mặt hàng này vào năm ngoái, có tiềm năng trở thành “ông lớn” trong ngành công nghiệp vaccine toàn cầu.

Hiện có 7 công ty Hàn Quốc đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng 4 loại vaccine Covid-19 ở những giai đoạn khác nhau. SK Bioscience là công ty đầu tiên được cấp phép bắt đầu các thử nghiệm Giai đoạn Ba đối với vaccine GBP510 và đặt mục tiêu đưa vaccine vào sử dụng từ giữa năm sau. Bộ Y tế Hàn Quốc cũng tuyên bố năm tới sẽ triển khai tiêm các vaccine nội địa cho công chúng.

Tuy nhiên, tiến sĩ Jerome Kim, tổng giám đốc Viện Vaccine Quốc tế ở Seoul, lưu ý rằng đến khi đó hầu hết người dân Hàn Quốc đã được tiêm chủng đầy đủ. Vì vậy, “vaccine GBP510 có thể đóng vai trò làm liều tăng cường, hoặc được sử dụng cho những nhóm tuổi cụ thể”.

Tại Nhật Bản, 4 hãng dược phẩm nội địa đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19 trên người. Mặc dù nổi tiếng là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực dược phẩm, Nhật bị chậm chân trong việc tự phát triển vaccine do quy định phê duyệt quá chặt chẽ, đến mức khiến các công ty không thể duy trì đầu tư nghiên cứu.

Start-up công nghệ sinh học AnGes là công ty đầu tiên của Nhật Bản bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19 vào tháng 6/2020, tiếp đó là hãng dược phẩm Shionogi với một loại vaccine protein tái tổ hợp. Shionogi, nơi cũng đang phát triển thuốc điều trị Covid-19, cho biết họ có thể sản xuất 120 triệu liều vaccine mỗi năm nếu được cấp phép.

Trong khi đó, Daiichi Sankyo, công ty dược phẩm hàng đầu Nhật Bản, đặt mục tiêu triển khai vaccine Covid-19 sử dụng công nghệ mRNA của họ vào năm sau. KM Biologics, công ty con của tập đoàn thực phẩm khổng lồ Meiji, cũng lên kế hoạch cung cấp 35 triệu liều vaccine sử dụng công nghệ virus bất hoạt trong vòng 6 tháng kể từ khi được phê duyệt.

Tại Ấn Độ, Covaxin, loại vaccine Covid-19 cũng sử dụng công nghệ virus bất hoạt của hãng dược phẩm Bharat Biotech, được phê duyệt sử dụng khẩn cấp từ tháng 1, trước khi được thử nghiệm Giai đoạn Ba. Tổng cộng khoảng 12 triệu liều Covaxin đã được sử dụng, với dữ liệu cho thấy vaccine này hiệu quả 77,8% trong chống các ca nhiễm có triệu chứng.

Bộ Công nghệ Sinh học Ấn Độ hôm 20/8 tuyên bố cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine Covid-19 nội địa thứ hai có tên ZyCoV-D, do hãng Zydus Cadila sản xuất. Đây là loại vaccine Covid-19 ADN đầu tiên trên thế giới, có thể được đưa vào cơ thể bằng thiết bị tiêm không mũi kim với liệu trình ba liều. Đối tượng sử dụng là người trưởng thành và trẻ em trên 12 tuổi.

Vaccine ADN đưa vào cơ thể một chuỗi ADN mã hóa kháng nguyên cụ thể để khởi động quá trình phản ứng miễn dịch. Công nghệ này được đánh giá nâng cao tính ổn định và độ tin cậy, đảm bảo an toàn do không chứa bất cứ tác nhân gây bệnh nào và có chi phí thấp khi sản xuất số lượng lớn.

Ấn Độ cũng đang tăng tốc phát triển thêm các loại vaccine Covid-19 nội địa, để nhanh chóng tiêm chủng cho 1,3 tỷ dân và phục vụ mục tiêu xuất khẩu. Với vị thế nhà sản xuất vaccine lớn nhất toàn cầu trong nhiều năm qua, Ấn Độ là nguồn cung cấp nhiều loại vaccine quan trọng giá cả phải chăng cho thế giới như vaccine phòng bệnh bạch hầu, uốn ván hay viêm gan B.

Hiện có ít nhất 15 loại vaccine Covid-19 đang được phát triển tại Ấn Độ ở những giai đoạn khác nhau.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận