Ở Mỹ không có bảng cấm thì cứ việc đỗ xe, ở Việt Nam dù các bác tài đỗ đúng luật vẫn phải nhìn mặt chủ nhà trước tiên.
Luật sư Khanh Huỳnh, đang sống tại Mỹ, chia sẻ bài viết về chuyện đỗ ôtô trên phố:
Ở Mỹ, việc đậu xe ở lòng đường, cạnh vỉa hè là đúng luật khi không có bảng cấm. Các bạn có thể xem hình sau, đây là cảnh đậu xe trên đường trong khu phố nơi tôi sống:
Luật về việc đậu xe trong hoàn cảnh này là: không được đậu trước đường lái xe vào nhà (driveway), đậu cách driveway một khoảng cách ít nhất chừng nửa mét để xe có thể ra vào cho dễ, đậu cách vỉa hè tối đa 1 foot (30cm), và đậu cách nhau một khoảng vừa phải để xe đậu trên đường có thể ra vào.
Các bạn có thể thấy là chỉ với ba chiếc xe trong hình này, các luật trên đều được tuân thủ.
Ở các khu vực thương mại có hàng quán buôn bán, các luật tương tự cũng sẽ được tuân theo triệt để. Các bạn có thể xem hình sau để thấy điều này:
Còn ở Việt Nam, ngay cả khi các tài xế tuân theo các quy định như đậu dưới lòng đường, không lấn lên vỉa hè, đậu trên đường không có bảng cấm thì vẫn bị các chủ nhà mặt tiền gây gổ. Tới nỗi cả hai bên đều kêu gọi “luật rừng” để giải quyết.
Trước hết là chuyện “chắn cả lối ra”:
Ở Việt Nam, nhà mặt phố với các nhà hình ống, y như là cứ cách vài mét lại có một cái “lối ra”. Đó có thể là một khoảng vỉa hè mà xi măng đã được đập bỏ và xây lài xuống cho xe máy ra vào. Đó cũng có thể là một miếng ván được kê giữa vỉa hè và lòng đường cho mục đích tương tự, xong việc thì lại cất vào. Với ma trận lối ra ấy, xe hơi kiếm được một chỗ để cho vừa thân xe mà không chắn phải cái lối ra nào thì thật là “thần diệu”.
Tiếp theo là “đậu trước chỗ làm ăn của người ta”.
Về chuyện này, có người kể một anh đánh xe ra cửa hàng để mua bể nuôi cá. Xe vừa tấp vào vỉa hè phía trước thì chủ tiệm đã ra xua đuổi với đủ thứ lời lẽ khó nghe. Anh tài xế và cũng là khách hàng tiềm năng đó đã đi thẳng. Trước khi đi anh không quên nói rằng tôi định mua cái bể cá mà anh bán, nhưng giờ thì thôi. Chủ tiệm lại rối rít xin lỗi, bảo anh ấy cứ đậu xe đi ạ.
Câu chuyện trên kể là ví dụ của “tiêu chuẩn kép” do các cửa hàng dọc phố đặt ra: khách hàng của họ đậu thì được còn ai khác thì không. Khổ là luật không cho phép bất cứ ai được chiếm dụng cái chỗ đậu xe dưới lòng đường cho riêng họ cả.
Chuyện đậu xe để đưa hàng hóa vào nhà cũng vậy: xe phục vụ cửa hàng thì đậu dưới lòng đường trước cửa hàng được, còn xe khác thì không. Đấy cũng là chiếm dụng chỗ công làm của riêng rồi.
Rồi còn tiết mục lấn chiếm lòng lề đường nữa chứ. Như bạn có thể thấy trong tấm hình khu vực buôn bán ở Mỹ, xe hơi đậu dưới lòng đường, vỉa hè để trống cho người đi bộ, cửa hàng nằm bên kia vỉa hè, không ai lấn chiếm.
Lấn chiếm vỉa hè khiến cho những ai ở trong nhà ống muốn ra khỏi nhà đều phải đi qua cái lối đi lài xuống vỉa hè ngay trước mặt nhà mình. Bởi vì dắt xe dọc theo vỉa hè tới một chỗ lối ra lài xuống để dắt xe máy xuống đồng nghĩa với việc phải “vượt chướng ngại vật”, là các gánh hàng rong, các cửa hàng thi nhau “xuống phố”.
Chẳng có ai dám đứng ra nhận mình lấn chiếm lòng lề đường cả. Vậy là các bác nhân danh việc làm ăn của mình mà xua đuổi xe hơi đậu trước cửa hàng cũng sẽ ỉm luôn chuyện họ lấn chiếm lòng lề đường, nếu có.
Trong cái “bản giao hưởng” hỗn tạp trên đường phố Việt Nam, việc ai tham gia vào phe nào hoàn toàn phụ thuộc vào việc họ là tài xế hay chủ nhà. Những ai thuộc cả hai phe thì sẽ tùy thời điểm mà đổi phe. Khi họ cần chỗ đậu xe ở đâu đó thì họ là tài xế. Khi họ về tới nhà thì họ là chủ nhà.
Chuyện có người tự sơn vạch trước cửa nhà để giành chỗ đậu xe cho mình không mới.
Ở Mỹ cũng có chuyện đó, một phụ nữ lớn tuổi tàn tật cũng cho sơn một chỗ đậu xe với bảng hiệu “người tàn tật” trước cửa. Hậu quả là cảnh sát tới hỏi thăm, bị phạt, và còn bị lên truyền hình nên tôi mới hay biết.
Khi kinh tế phát triển thì xe hơi sẽ càng thêm phổ biến. Đã tới lúc mọi người cùng nhau học cách chung sống trong hòa bình. Kẻo không, đi từ chỗ không xe hơi tới có xe hơi sẽ quá nhiều nỗi khổ đau.