Biến thể Delta – Thủ phạm gây “chết chóc” cho khu vực Đông Nam Á

Sau hơn một năm rưỡi chống chọi với đại dịch Covid-19, nhiều nước Đông Nam Á đang phải đối mặt với đợt tấn công mạnh nhất của đột biến kép Delta, thủ phạm gây ra nhiều “chết chóc” cho người dân khu vực.

Hồi tháng 5, cuộc khủng hoảng sức khỏe do đại dịch ở Ấn Độ đã thu hút sự chú ý của thế giới. Nhưng trong gần 1 tháng qua, tỷ lệ tử vong ở ba quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia và Myanmar đã vượt qua cả Ấn Độ. Trong khi đó, các quốc gia khác như Thái Lan, Philippines, Campuchia, Lào, Singapore và cả Việt Nam liên tục ghi nhận sự gia tăng các ca mắc Covid-19 trong hơn 1 tuần qua. Biến thể Delta được cho là thủ phạm chính đang tấn công nhanh và mạnh vào các quốc gia Đông Nam Á.

Xe cứu thương xếp hàng chờ an táng bệnh nhân Covid-19 tại Indonesia. Nguồn: Liputan 6
Xe cứu thương xếp hàng chờ an táng bệnh nhân Covid-19 tại Indonesia. Nguồn: Liputan 6

Indonesia đang là tâm dịch của khu vực với số tổng số gần 3,2 triệu ca mắc Covid-19 và hơn 83.000 người tử vong. Theo báo cáo của Bộ Y tế Indonesia, 95% các ca mắc Covid-19 ở nước này trong ba tuần qua là biến thể Delta.

Biến thể này làm các triệu chứng của bệnh nhân Covid-19 trở nên nghiêm trọng hơn. Đáng nói, biến thể Delta tấn công cả vào đối tượng là trẻ em. Sự lan rộng của biến thể Delta này đã khiến hệ thống y tế ở Indonesia bị choáng ngợp và đang ở trong tình trạng sụp đổ về mặt “chức năng”. Quá tải và kiệt sức, các bác sĩ và y tá ở Indonesia cũng trở thành nạn nhân của Covid-19 với số ca tử vong trong 2 tuần đầu tháng 7 đã tăng gấp đôi so với tháng trước đó, mặc dù, hầu hết các nhân viên y tế đều đã tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19.

Malaysia là một trong những quốc gia đã có những biện pháp phong tỏa mạnh tay trước các làn sóng Covid-19 kể từ tháng 6. Tuy nhiên, các biện pháp này dường như đã không thành công khi quốc gia với khoảng 32 triệu dân lần đầu tiên chứng kiến ​​số ca hàng ngày tăng đột biến trên 10.000 vào ngày 13/7 và đến nay đã vượt mốc 1 triệu ca mắc, đi kèm với đó là số ca tử vong cũng tăng kỷ lục. Biến thể Delta được cho là nguyên nhân của đợt bùng phát dịch tại Malaysia khiến nước này phải căng mình chống dịch trong tình trạng thiếu giường bệnh, máy thở và oxy y tế.

Bệnh viện ở Malaysia quá tải, người bệnh nằm chờ bên ngoài phòng cấp cứu. Nguồn: Straits Times
Bệnh viện ở Malaysia quá tải, người bệnh nằm chờ bên ngoài phòng cấp cứu. Nguồn: Straits Times

Còn ở Myanmar, một đợt tấn công mới của Covid-19 đã khiến hệ thống chăm sóc sức khỏe vốn đã bị hạn chế trở nên lao đao trong tình thế thiếu oxy và các nguồn cung y tế trên diện rộng. Các chuyên gia nhận định, tình hình Myanmar dự kiến sẽ còn tồi tệ hơn trong những tuần tiếp theo.

Cơ quan y tế Thái Lan mới đây cũng cho biết, 63% trường hợp trong số hơn 3.000 mẫu bệnh phẩm được giải trình tự gen ở Thái Lan là biến thể Delta. Trong khi đó ở Campuchia, biến thể Delta đang gây ra làn sóng dịch nguy hiểm đẩy Campuchia đến sát “lằn ranh đỏ”.

Thái Lan xét nghiệm Covid-19 hàng loạt. Nguồn: AP
Thái Lan xét nghiệm Covid-19 hàng loạt. Nguồn: AP

Các nước Đông Nam Á hầu như đều đối mặt với khó khăn chung là thiếu hụt nguồn lực y tế và vaccine. Các biện pháp phong tỏa, truy vết và giãn cách xã hội đã từng giúp Đông Nam Á vượt qua những đợt bùng dịch trước đây. Nhưng hiện tại, vaccine mới là phương án khả dĩ nhất để đối phó với biến thể có khả năng lây lan mạnh như Delta.

Tiến sĩ Soumya Swaminathan, Trưởng nhóm các nhà khoa học của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết: “Tiêm phòng giảm đáng kể nguy cơ nhập viện và tử vong. Những người chưa được tiêm chủng có nguy cơ cao không chỉ bị nhiễm biến thể Delta mà còn có thể trở nặng nghiêm trọng”. Tổ chức Y tế Thế giới hối thúc các nước Đông Nam Á tăng tốc tiêm vaccine Covid-19, đồng thời nỗ lực để kiểm tra, theo dõi và cách ly, thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp can thiệp xã hội như giãn cách, vệ sinh tay và đeo khẩu trang.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
homescontents