Nhắc đến câu nói của một tiền bối, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ quan điểm “văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII khai mạc sáng 24/11 tại Hà Nội. Tham dự có Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng…
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói hôm nay rất “vinh dự và hào hứng đến dự”, vì vị trí quan trọng của văn hóa và vì hội nghị được tổ chức dịp kỷ niệm 76 năm ngày diễn ra Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946.
Hơn một tiếng phát biểu, Tổng bí thư nhiều lần trích đọc các bài thơ nổi tiếng, được nhiều thế hệ yêu thích, như Chân quê (Nguyễn Bính); Việt Bắc (Tố Hữu)… Sau mỗi lần ông đọc thơ, các đại biểu đồng loạt vỗ tay hưởng ứng.
Sau khi nhắc đến câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, Tổng bí thư chia sẻ thêm “tôi nhớ trước đây, một vị tiền bối từng nói văn hóa là bản sắc của một dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn. Văn hóa mất thì dân tộc mất”.
Ông nói văn hóa hiểu theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp đều nói đến những gì tinh hoa, tinh túy nhất, được kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, tiến bộ. “Người ta thường nói một con người có văn hóa, một gia đình có văn hóa, một dân tộc có văn hóa… Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”, Tổng bí thư nhấn mạnh.
Theo ông, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nền văn hóa đã có đóng góp to lớn vào sự nghiệp cứu quốc và kiến quốc. Tuy nhiên, văn hóa chưa được quan tâm một cách đầy đủ tương xứng với kinh tế và chính trị; chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước. Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng nặng về chức năng giải trí.
“Thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng đất nước, xây dựng con người. Môi trường văn hóa vẫn bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực…”, Tổng bí thư nói, dẫn chứng “gần đây tôi không thấy có bài hát nào hay. Tôi nói vậy mong các văn nghệ sĩ đừng giận”.
Phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII. Lần đầu tiên trong văn kiện Đại hội, Đảng đề cập toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược.
Để chấn hưng và phát triển nền văn hóa dân tộc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, như: Khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc…
Ông đề cập đến việc xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia – dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo.
Tổng bí thư cũng nhấn mạnh “chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, đạo đức”; xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số; khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Lãnh đạo Đảng nêu bốn giải pháp lớn, cần tập trung thực hiện một cách quyết liệt và có hiệu quả thời gian tới. Trước hết cần tiếp tục nâng cao nhận thức và năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa. “Khắc phục tư tưởng chỉ tập trung cho kinh tế mà ít quan tâm đến văn hóa”, Tổng bí thư nói, nhấn mạnh cần quán triệt nghiêm túc quan điểm “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.
Ông nhắc lại chủ trương phát triển kinh tế là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên. Đây là quan điểm chỉ đạo rất cơ bản cần thực hiện nghiêm túc, quyết liệt trong nhiệm vụ của các ngành, các cấp.
Theo Tổng bí thư, phải nâng mức đầu tư “một cách hợp lý” từ nguồn ngân sách Nhà nước, đồng thời khơi thông các nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nước ngoài cho phát triển văn hóa. Trong quá trình đa dạng hóa các hoạt động văn hóa, Nhà nước cần chú trọng đầu tư vào dòng chủ lưu của văn hóa cách mạng để làm nòng cốt và dẫn dắt, truyền cảm hứng chủ đạo trong việc bồi dưỡng tư tưởng, tâm hồn, tình cảm trong sáng, lành mạnh, góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội.
Thứ hai, Tổng bí thư chỉ đạo xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ trong giai đoạn mới; sớm khắc phục tình trạng chắp vá, tuỳ tiện trong bố trí cán bộ làm công tác văn hóa, ở cả trung ương và địa phương.
Đảng đã nhiều lần nhấn mạnh cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Công tác lãnh đạo và quản lý văn hóa không chỉ đòi hỏi có phẩm chất chính trị mà còn phải có trình độ chuyên môn, am hiểu đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ… Chính sách đãi ngộ, sử dụng đối với đội ngũ văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa cũng phải đổi mới; tôn vinh tài năng và cống hiến của họ cho sự phát triển văn hóa nước nhà.
Tổng bí thư nêu rõ, bên cạnh việc tập trung nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở, cần chú trọng xây dựng và phát triển văn hóa đỉnh cao, phấn đấu có nhiều tài năng lớn ở các loại hình văn hóa, nghệ thuật, có những tác phẩm tầm cỡ, phản ánh được sâu sắc hiện thực đổi mới vĩ đại của đất nước.
Thứ ba, ông yêu cầu quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại; phát triển “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia trong thời gian tới.
Hiện nay, cả nước có 166 bảo tàng, trong đó có 4 bảo tàng quốc gia với hơn 3 triệu hiện vật; gần 3.500 di tích được xếp hạng quốc gia, trong đó hơn 1.600 di tích lịch sử; 105 di tích quốc gia đặc biệt; 288 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia; 27 di sản văn hoá vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận là “di sản văn hóa thế giới”. Lãnh đạo Đảng cho rằng đó là tài sản vô cùng quý báu do tổ tiên, cha ông mấy nghìn năm để lại, không phải nơi nào cũng có được. Do đó, “chúng ta có trách nhiệm phải giữ gìn, trân trọng và phát huy” và “nếu không là chúng ta có tội với lịch sử, là vong ân bội nghĩa với tổ tiên, cha ông”.
Thứ tư, Tổng bí thư yêu cầu chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trong xã hội, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục; nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết; trọng tình nghĩa, trọng công lý và đạo lý xã hội.
Ông cũng đề cập đến việc xây dựng các quy tắc ứng xử văn minh của cơ quan công quyền, cộng đồng, nhất là trong không gian mạng, giới văn nghệ sĩ.
“Kiên quyết, kiên trì đấu tranh chống tham ô, tham nhũng, tiêu cực; chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nguồn gốc của mọi sự tham nhũng, tiêu cực, hư hỏng ngay trong các ngành văn hóa, các cơ quan làm công tác văn hóa”, Tổng bí thư nói.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc tiếp tục diễn ra trong chiều 24/11.