Sai lầm khiến FBI bắt hụt kẻ bị nghi chủ mưu khủng bố 11/9

Đặc vụ FBI Pellegrino từng có cơ hội bắt Mohammed, kẻ bị Mỹ xác định là chủ mưu vụ khủng bố 11/9, trước khi nó xảy ra, nhưng bỏ lỡ vào phút quyết định.

“Chúa ơi, đó chắc chắn là Khalid Sheikh Mohammed”, Frank Pellegrino thốt lên khi đang ngồi trong một phòng khách sạn ở Malaysia, chứng kiến qua TV cảnh máy bay đâm vào Tòa Tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới ở khu Lower Manhattan, thành phố New York, Mỹ, ngày 11/9/2001.

Pellegrino, cựu đặc vụ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) biết được điều này nhờ vai trò đặc biệt của ông. Ông đã theo dõi Mohammed gần ba thập kỷ và nhận ra mục tiêu và cách vụ khủng bố 11/9 diễn ra trùng khớp với các âm mưu của Mohammed. Tuy nhiên, kẻ bị cáo buộc là chủ mưu vụ khủng bố 11/9 đến nay vẫn chưa phải đối mặt với công lý. Một luật sư của Mohammed thậm chí nói với BBC rằng có thể phải mất 20 năm nữa vụ án mới khép lại.

Khalid Sheik Mohammed, kẻ bị cáo buộc là chủ mưu vụ tấn công khủng bố nhằm vào Mỹ ngày 11/9/2001. Ảnh: AP.
Khalid Sheik Mohammed, kẻ bị cáo buộc là chủ mưu vụ tấn công khủng bố nhằm vào Mỹ ngày 11/9/2001. Ảnh: AP

Osama bin Laden, lúc bấy giờ giữ vai trò thủ lĩnh al-Qaeda, là kẻ có liên quan mật thiết nhất với các cuộc tấn công nhằm vào nước Mỹ ngày 11/9/2001. Nhưng thực tế, Mohammed, hay “KSM”, mật danh mà hắn được biết đến, mới là “kiến trúc sư trưởng”, của âm mưu khủng bố, theo Ủy ban Điều tra 11/9 của Mỹ. Y là người nảy ra ý tưởng tấn công nước Mỹ và đưa nó đến với al-Qaeda.

Sinh ra ở Kuwait, Mohammed từng học tại Mỹ trước khi tới Afghanistan chiến đấu trong những năm 1980. Nhiều năm trước vụ tấn công 11/9, đặc vụ FBI Frank Pellegrino đã lần theo dấu vết của y.

Pellegrino được FBI giao nhiệm vụ điều tra vụ đánh bom năm 1993 nhằm vào Trung tâm Thương mại Thế giới. Đó là lần đầu tiên cái tên Mohammed được giới chức Mỹ chú ý đến bởi y đã chuyển tiền cho một người có dính líu đến vụ đánh bom.

Đặc vụ FBI nhận ra tham vọng của Mohammed vào năm 1995, khi y được xác định có liên quan đến một âm mưu cho nổ tung máy bay của các hãng hàng không quốc tế trên Thái Bình Dương. Vào giữa những năm 1990, Pellegrino suýt bắt được Mohammed, lần theo y đến tận Qatar.

Pellegrino cùng đội của mình đến Oman rồi từ đây, họ lên kế hoạch tới Qatar để bắt Mohammed. Một máy bay đã được chuẩn bị sẵn sàng để đưa nghi phạm về Mỹ. Tuy nhiên, họ gặp phải trở ngại từ chính các nhà ngoại giao Mỹ tại thực địa. Pellegrino đến Qatar và nói với đại sứ cùng các quan chức khác tại đại sứ quán rằng ông có một bản cáo trạng chống lại Mohammed vì âm mưu tấn công các hãng hàng không. Nhưng theo lời Pellegrino, các quan chức ngoại giao tỏ ra cảnh giác vì không muốn gây rắc rối ở Qatar.

“Tôi đoán họ nghĩ rằng điều này sẽ làm xáo trộn tình hình”, Pellegrino nhớ lại.

Cuối cùng, đại sứ thông báo với Pellegrino rằng các quan chức Qatar tuyên bố đã để sổng Mohammed. “Cảm giác tức giận và thất vọng trào dâng”, ông nói. “Chúng tôi biết ngay lúc đó rằng mình đã bỏ lỡ một cơ hội hiếm có”.

Nhưng Pellegrino cũng thừa nhận rằng vào giữa những năm 1990, Mohammed chưa được coi là một mục tiêu ưu tiên cao. Pellegrino thậm chí còn không thể đưa y vào danh sách 10 kẻ bị truy nã gắt gao nhất nước Mỹ.

Mohammed dường như nhận được cảnh báo về việc cơ quan điều tra Mỹ quan tâm đặc biệt đến y nên đã bỏ trốn khỏi Qatar đến Afghanistan.

Vài năm sau đó, cái tên KSM liên tục xuất hiện trong danh bạ của những nghi phạm khủng bố bị bắt trên khắp thế giới, cho thấy y có mối liên hệ rất tốt. Chính trong quãng thời gian này, y đã tìm đến bin Laden với ý tưởng đào tạo phi công điều khiển máy bay lao vào các tòa nhà bên trong nước Mỹ.

Và rồi vụ khủng bố 11/9 diễn ra. Mối nghi ngờ của Pellegrino về vai trò của KSM được chứng minh là chính xác khi một thành viên al-Qaeda chủ chốt nêu tên y trong lời khai.

“Mọi người đều nhận ra rằng chính gã mà tôi theo dõi từ lâu đứng sau sự việc”, Pellegrino nhớ lại. “Khi biết chủ mưu là gã, không ai đau khổ hơn tôi”.

Năm 2003, Mohammed bị bắt tại Pakistan. Pellegrino hy vọng y sẽ phải hầu tòa với bản cáo trạng mà ông đã dày công thu thập. Nhưng sau đó, Mohammed bỗng nhiên biến mất. Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã đưa y đến một “điểm đen”, nơi nhà chức trách “sử dụng những kỹ thuật thẩm vấn nâng cao” đối với nghi phạm.

“Tôi muốn biết những gì anh ta biết và tôi muốn biết thật nhanh chóng”, một quan chức cấp cao CIA khi đó nói.

Mohammed bị trấn nước (hình thức tra tấn bằng cách bịt khăn vào mặt và đổ nước lên, khiến nạn nhân có cảm giác như sắp chết đuối) ít nhất 183 lần. Y cũng phải chịu nhiều biện pháp nhục hình khác như tra tấn căng cơ, gây gián đoạn giấc ngủ hay không được mặc quần áo.

Cựu đặc vụ FBI Pellegrino vào năm 1987 và 2020. Ảnh: Frank Pellegrino.
Cựu đặc vụ FBI Pellegrino vào năm 1987 và 2020. Ảnh: Frank Pellegrino.

Mohammed thú nhận đứng sau nhiều âm mưu khi bị thẩm vấn tại “điểm đen” của CIA. Nhưng một báo cáo của Thượng viện Mỹ sau đó chỉ ra rằng y đã bịa ra nhiều thông tin.

Sau khi chi tiết về chương trình giam giữ của CIA bị tiết lộ, “những tù nhân có giá trị cao” như Mohammed được chuyển tới nhà tù ở Vịnh Guantanamo vào năm 2006. Lúc này, FBI mới có thể tiếp cận y.

Tháng 1/2007, Frank Pellegrino mặt đối mặt với kẻ mà ông đã theo đuổi suốt bấy lâu. Hai người đàn ông ngồi đối diện nhau qua một chiếc bàn. “Tôi muốn cho hắn biết tôi là người tham gia truy bắt hắn vào những năm 1990”, Pellegrino nói.

Pellegrino không tiết lộ hai người đã trao đổi những gì, nhưng thừa nhận Mohammed là một người “rất lôi cuốn và có khiếu hài hước”.

Theo lời Pellegrino, KSM luôn khao khát được chú ý và không hối hận khi lên âm mưu tấn công nước Mỹ. “Y sẽ thú tội hay muốn tận dụng tối đa phiên tòa xét xử mình để thu hút chú ý? Tôi chắc chắn hắn không hối hận về những gì đã làm và hắn thích được chú ý”, Pellegrino nói.

Sau 6 ngày nói chuyện, Mohammed quyết định dừng lại. “Và mọi chuyện kết thúc ở đó”, Pellegrino cho hay.

Những nỗ lực sau đó nhằm đưa Mohammed ra trước công lý với tư cách kẻ chủ mưu vụ tấn công khủng bố 11/9 đều thất bại. Kế hoạch tổ chức một phiên tòa ở New York bị hủy sau khi vấp phải sự phản đối từ công chúng và giới chính trị gia.

“Tất cả mọi người đều gào lên ‘tôi không muốn gã này ở sân sau của mình. Hãy cứ nhốt hắn ở Guantanamo”, Pellegrino nói.

Các thủ tục pháp lý đang được tiến hành với Mohammed tại tòa án quân sự tại Guantanamo. Nhưng những chậm trễ trong khâu thủ tục, cộng với việc đại dịch Covid-19 khiến căn cứ phải đóng cửa, làm quá trình tiếp tục bị kéo dài. Nhiều phiên điều trần diễn ra trong tuần này song dường như còn rất lâu nữa vụ án mới khép lại.

Sau khi đã mất nhiều công sức lần theo những đầu mối dẫn tới Mohammed, Pellegrino giờ cảm thấy bất lực, tự hỏi liệu nếu FBI bắt y vào những năm 1990 thì có thể ngăn thảm kịch 11/9 xảy ra hay không. “Tên hắn hiện lên trong đầu tôi mỗi ngày và điều đó không hề dễ chịu”, ông nói. “Thời gian giúp nguôi ngoai đi nhiều thứ nhưng tôi vẫn rất hối hận”.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
homescontents