Luật an toàn giao thông trên biển sửa đổi của Trung Quốc: Phép thử mới với chính quyền Mỹ

Ngay sau khi chính thức có hiệu lực, luật này gặp phải sự phản đối của nhiều quốc gia và các chuyên gia quốc tế.

Hai tuần trước, trong lúc thế giới tập trung sự chú ý vào tình hình tại Afghanistan thì Trung Quốc chính thức thi hành Luật An toàn giao thông trên biển sửa đổi, buộc các tàu thuyền nước ngoài phải khai báo thông tin trước khi tiến vào lãnh hải của nước này. Chuyên gia Australia coi đây là phép thử mới mà Trung Quốc đưa ra với Mỹ sau những diễn biến tại Afghanistan.

Bắt đầu từ tháng 9/2021, Luật An toàn giao thông trên biển sửa đổi mà Trung Quốc vừa ban hành chính thức có hiệu lực. Theo luật này, các tàu thuyền cho dù là dân sự hay quân sự trước khi tiến vào lãnh hải của nước này đều phải khai báo với chính quyền Trung Quốc nếu không sẽ bị các cơ quan chức năng của Trung Quốc xử lý.

Ngay sau khi chính thức có hiệu lực, luật này gặp phải sự phản đối của nhiều quốc gia và các chuyên gia quốc tế.

Hoàng hôn trên Biển Đông-nhìn từ Hong Kong (Trung Quốc). Nguồn Marisa Estivill
Hoàng hôn trên Biển Đông-nhìn từ Hong Kong (Trung Quốc). Nguồn Marisa Estivill

Tiến sỹ Collin Koh, chuyên gia nghiên cứu thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore bình luận, Trung Quốc không nên cho thi hành luật này bởi nó không phù hợp với Công ước của LHQ về luật biển 1982 (UNCLOS). Tờ Sydney Morning Herald dẫn lời Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Australia khẳng định “điều quan trọng là bất kỳ yêu cầu nào cần phải phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biêt là UNCLOS”.

Giáo sư Stuart Kaye thuộc Trung tâm An ninh và Tài nguyên biển thuộc Đại học Wollongong của Australia nhận định việc cho thi hành Luật An toàn giao thông trên biển sửa đổi tiếp tục là một “hành động mập mờ có chủ ý” của Trung Quốc “bởi sau đó họ sẽ phải tiếp tục làm rõ yêu sách của mình”.

Bình luận về tác động của Luật An toàn giao thông trên biển sửa đổi của Trung Quốc tới việc vận chuyển hàng hóa và thương mại quốc tế, ông Peter Jennings, Giám đốc Viện Chính sách Chiến lược Australia nhận định, “nếu không có sự ủng hộ của các chính phủ trong khu vực thì các tàu chở hàng thương mại không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải chấp thuận quy định này”. Ông Peter Jennings cũng cho rằng, “hành động này là một sự củng cố tiếp theo trong nỗ lực kiểm soát chủ quyền của Trung Quốc”.

Ông Peter Jenning khẳng định, tiếp sau những gì đã diễn ra ở Afghanistan,  bất kỳ điều gì xảy ra đều được coi là phép thử đối với chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden để tìm hiểu về vấn đề an ninh mà Mỹ thực sự quan tâm là gì. Chính vì vậy, ông Peter Jennings cho rằng, trong vài tuần tới sẽ diễn ra Đối thoại 2+2 giữa Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Australia và Mỹ song nếu các bên vẫn không có sự bác bỏ nào đối với yêu sách mới của Trung Quốc thì sẽ trở thành người đồng lõa.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
homescontents