Người Mỹ đang mắc nợ nhiều hơn bao giờ hết bởi nhu cầu cà thẻ tín dụng và vay mua nhà, ôtô tăng cao.
Theo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ chi nhánh New York, chi tiêu qua thẻ tín dụng và mua nhà tăng vọt khiến nợ hộ gia đình Mỹ tăng 313 tỷ USD, tương đương 2,1% trong quý II. Đây là mức tăng danh nghĩa lớn nhất kể từ năm 2007 và mức tăng phần trăm lớn nhất trong bảy năm rưỡi.
Tính đến cuối tháng 6, người tiêu dùng Mỹ đã nợ tổng cộng 14.960 tỷ USD, mức cao nhất trong lịch sử và nhiều hơn 812 tỷ USD so với thời điểm cuối năm 2019, trước khi đại dịch xảy ra.
Dư nợ thẻ tín dụng tăng 17 tỷ USD trong quý II, nhưng vẫn thấp hơn mức 140 tỷ USD vào cuối năm 2019. Trong khi, dư nợ cho vay mua ôtô tăng thêm 33 tỷ USD.
Nợ thế chấp, khoản nợ đóng góp lớn nhất vào tổng nợ hộ gia đình, đã tăng 282 tỷ USD lên 10.440 tỷ USD. Có đến 44% số dư chưa thanh toán là của năm 2020, bao gồm cả các khoản thế chấp mới và tái cấp vốn.
Bất chấp thị trường nhà ở đang nóng, việc vay mua nhà vẫn tăng vọt. Joelle Scally, Quản trị viên tại Trung tâm Dữ liệu Kinh tế Vi mô tại Fed New York cho biết, vẫn còn 2 triệu người đi vay theo chế độ được hoãn nợ. Những người này sẽ dễ bị kiệt quệ tài chính một khi chương trình đó kết thúc.
Khi các chương trình hỗ trợ hoãn trả nợ thế chấp được triển khai theo Đạo luật Hỗ trợ, Cứu trợ và An ninh Kinh Tế trong đại dịch (Coronavirus Aid, Relief, and Economic Security – CARES), nhiều người đi vay đã tận dụng cơ hội đó. Tuy nhiên, theo giời gian, những người có điểm tín dụng cao đã rút khỏi chương trình, chỉ để lại những người dễ bị tổn thương hơn về mặt tài chính. Vì vậy, hỗ trợ thế nào cho nhóm đối tượng này khi chương trình kết thúc đang là câu hỏi lớn về chính sách công cho nhà quản lý.
Các chương trình liên bang và các sáng kiến của nhà băng đã kiểm soát tình trạng nợ quá hạn, với số lượng các khoản thế chấp quá hạn đạt mức thấp kỷ lục trong quý II. Trong khi đó, các khoản vay sinh viên, loại nợ duy nhất đã giảm trong quý trước – xuống còn 14 tỷ USD – chủ yếu vẫn nằm trong các chương trình hỗ trợ theo Đạo luật CARES.