Người đàn ông 20 ngày tự chiến đấu với Covid-19

Anh Hoàng Sơn Tùng, 43 tuổi, ở Gò Vấp thừa nhận, có thể đã không thắng được Covid-19 nếu thiếu sự hỗ trợ của những người hàng xóm.

Đã hơn nửa tháng nay, cứ 11h trưa và 5h30 chiều, Tùng lại nhận được tin nhắn của bà Hà ở đầu hẻm, cách nhà anh gần trăm mét, báo tin đã mang thức ăn đến treo ở cửa. “Mấy hôm nay có mưa buổi trưa, nhưng cứ đúng giờ là cô ấy đội dù mang sang, chẳng đợi tạnh”, anh Tùng nói.

Cậu con trai 11 tuổi may mắn không bị nhiễm bệnh từ mọi người trong nhà. Những ngày qua, hai cha con cũng giữ khoảng cách khi ở trong nhà.  Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cậu con trai 11 tuổi may mắn không bị nhiễm bệnh từ mọi người trong nhà. Những ngày qua, dù ở chung nhà nhưng hai cha con cách ly với nhau. Cậu con trai thường nói với bố: “Lúc nào hết bệnh nhất định ba phải ôm con”. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Anh Hoàng Sơn Tùng là giảng viên trường đại học Văn Hiến, sống cùng bố mẹ và con trai 11 tuổi ở đường Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp. Cơn bão Covid-19 ập đến gia đình anh vào sáng 23/7.

Hôm đó, mẹ anh đưa bố vào bệnh viện lọc thận định kỳ. Kết quả test RT-PCR cho thấy cả ông và bà đều dương tính. Sau cuộc điện thoại của mẹ, Tùng xác định mình có thể cũng đã nhiễm bệnh. Anh lập tức báo tin cho tổ trưởng dân phố, nhờ hàng xóm đi mua những thứ cần thiết như nhiệt kế, thuốc hạ sốt, các loại vitamin, nước muối, oresol, chanh tươi, mật ong, mỳ tôm… “Tất cả được để sẵn trên bàn, chuẩn bị cho cuộc chiến một mình với Covid-19”, Tùng kể và cho biết, anh còn tìm các hướng dẫn tự điều trị Covid-19 tại nhà của bác sĩ Trương Hữu Khanh.

Hai ngày đầu trôi qua, người đàn ông 43 tuổi không thấy triệu chứng nào. Những biểu hiện điển hình của Covid-19 bắt đầu xuất hiện từ hôm thứ ba. Ban đầu là những cơn nhức mỏi và đau cơ, sau đó là sốt 38,5 độ. Tùng liên hệ y tế phường xuống kiểm tra, kết quả test dương tính, nhưng tải lượng virus thấp. “Giờ anh muốn vô viện hay tự điều trị ở nhà?”, nhân viên y tế phường hỏi. Anh trả lời rất nhanh: “Ở nhà!”.

Chiều ngày thứ năm, Tùng bắt đầu sốt cao 39 – 40 độ. Người đàn ông lo lắng đêm xuống có thể sốt cao hơn khiến mình mất ý thức nên ghi sẵn số điện thoại của bác tổ trưởng dân phố và y tế phường dặn con trai, nếu thấy mình trở nặng thì gọi điện ngay.

Lúc này, anh gọi điện cho người hàng xóm tên Thoan ở nhà đối diện thông báo tình hình. Tuy đang ở cơ quan làm việc, nghe tin Tùng có chuyển biến xấu, anh Thoan nhắn về cho vợ bảo pha nước chanh nóng, mang trái cây mang sang.

“Mình sốt 40 độ triền miên. Mọi hành động lúc này phải dùng ý chí để làm, nhiều lúc chỉ có thể bò đi. Thuốc hạ sốt cứ 4 tiếng uống một lần cũng chỉ giảm được xuống 38 độ trong hai tiếng, sau đó lại lên 40 độ. Tiêu chảy như vỡ ống nước. Tôi cứ pha mỗi lần hai lít oresol, uống không biết bao nhiêu mà tính”, anh Tùng nhớ lại.

Những ngày Tùng vật lộn với Covid-19, anh Thoan trở thành “liên lạc viên” cho người hàng xóm. Hễ thấy Tùng nhắn tin về những biểu hiện bất thường, anh lại đi hỏi các bác sĩ rồi nhắn hướng dẫn lại. Được người bạn là quân y kê cho một đơn thuốc, anh Thoan nhờ người mua rồi gửi về cho Tùng. Đều đặn mỗi ngày 3 lần, anh nhắn tin nhắc nhở hàng xóm uống thuốc đúng giờ.

“Khi Tùng bệnh, cả khu phố đều chung tay giúp đỡ, không chỉ riêng tôi. Tôi cũng chỉ giúp thêm Tùng một chút xíu thôi”, anh Thoan nói.

Chiều ngày 15/7, khi nói chuyện điện thoại thấy giọng anh Tùng vẫn yếu, anh Thoan mang sang chai siro ho và gói xôi nóng. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Chiều ngày 15/7, khi nói chuyện điện thoại thấy giọng anh Tùng vẫn yếu, anh Thoan mang sang chai siro ho và gói xôi nóng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

“Tôi mất vị giác, ăn không biết mùi vị thế nào toàn đổ nước ấm vô cơm, quậy lên rồi nuốt. Trưa ngày thứ sáu thì gọi cho cô hàng xóm nhờ nấu cháo chứ không thể nuốt được cơm nữa”, Tùng kể tiếp. Lúc này, những người hàng xóm khác biết chuyện cũng nhắn tin động viên anh. Họ tự nhận nhiệm vụ nấu thức ăn cho hai bố con.

“Cô Vân là hàng xóm sát vách nấu cháo mang sang cho tôi những vẫn chuẩn bị phần cơm riêng cho con trai tôi rất chu đáo. Tôi cảm nhận được tình cảm của hàng xóm dành cho gia đình mình, không phải họ nấu đại cho xong”, anh Tùng nói.

Được khoảng một tuần, cô Vân bận việc nên không thể tiếp tục. Trước khi bàn giao chuyện đưa cơm cho một người khác trong xóm, cô nấu sẵn một nồi cháo lớn, chia nhỏ vào nhiều chai mang sang cho Tùng cất tủ lạnh ăn dần. Những bữa cơm của cha con anh sau đó được một người phụ nữ tên Hà, 61 tuổi sống ở đầu hẻm nấu giúp. Ngày hai bữa, cứ đúng giờ bà lại mang cơm treo trước cửa để sẵn.

“Là hàng xóm cũng biết mặt nhau, giờ không thể không giúp. Nhà tôi ăn gì, bố con Tùng ăn cái đó”, bà Hà nói. Những chiếc hộp nhựa đựng thức ăn, bà hỏi xin những người dân trong khu phố.

Nhận được những món ăn từ hàng xóm mỗi ngày, không ít lần ông bố đơn thân nghẹn ngào. Không chỉ là những món thông thường, cuối tuần hàng xóm còn chuẩn bị những món ăn như gà tẩm bột, mỳ Ý, chè đậu đỏ cho con trai anh. Dù đang ăn cháo, không trực tiếp cảm nhận món ăn thế nào nhưng nhìn cách cậu con trai ăn, anh đoán rằng bà Hà nấu rất ngon. “Mùa dịch ăn uống cũng đơn giản, rồi đến những ngày bệnh không còn sức để nấu nướng. Lâu rồi tôi mới thấy con mình ăn ngon miệng đến thế”, Tùng nói.

Sáng ngày thứ 10, Tùng đột nhiên thấy lạnh khi cơn sốt giảm. Anh bò ra ban công ngồi sưởi nắng một lúc thấy có vẻ khoẻ lại nhưng bắt đầu tức ngực. “Lúc này tôi làm gì một chút cũng há mồm thở hổn hển. Đi từ toilet vô phòng, khoảng 6 mét thôi mà nằm thở dốc gần năm phút”, Tùng kể. Bắt đầu từ lúc đó, người đàn ông bước vào cuộc chiến tập thở. Cả ngày, trừ lúc ăn, uống thuốc, vệ sinh, còn lại đều dành cho việc thở. “Hít vào thở ra tưởng chừng đơn giản mà lúc này đau không thể tả nổi. Hít vô 3-4 giây là tức ngực, tôi phải thở hắt ra. Hơi thở nặng, ngắn, đứt quãng, nhịp tim có lúc lên tới 100”, Tùng nhớ lại.

Sau hơn 20 ngày chống chọi với Covid-19, anh Tùng cảm thấy sức khỏe đã hồi phục khoảng 90%, hơi thở đã ổn định hơn nhưng vẫn chưa về lại bình thường. Dù được hàng xóm tiếp tế, tẩm bổ ăn uống đầy đủ nhưng anh vẫn sụt mất 8 kg.

Tối 15/8, sau cuộc điện thoại hỏi thăm người bạn hàng xóm, thấy giọng anh Tùng vẫn còn yếu, anh Thoan vét tủ thuốc mang sang một chai siro kèm gói xôi nóng hổi.

“Tôi có cảm giác mọi người coi nhau như một đại gia đình. Có món gì cũng chia sẻ cho nhau. Dù vẫn có những người thân, bạn bè nhưng họ không ở gần, giữa lúc dịch bệnh đi lại khó khăn như thế này thì bố con tôi chỉ biết dựa vào hàng xóm. Những ngày qua, nếu không có họ bên cạnh thì tôi không chắc là mình có thể vượt qua khi hành trang chỉ có một ít thuốc và những gói mì tôm”, anh Tùng nói.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận