Doanh nghiệp Mỹ tin Việt Nam sớm kiểm soát được dịch

Các doanh nghiệp Mỹ tin dịch Covid-19 sẽ sớm được kiểm soát và Việt Nam mở cửa lại nền kinh tế một cách bền vững.

Nhận định này được đại diện các doanh nghiệp Mỹ thuộc Hội đồng kinh doanh Mỹ – ASEAN nêu tại buổi làm việc với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ngày 30/9. Buổi làm việc được thực hiện trực tuyến tại Việt Nam, Mỹ và một số nước ASEAN.

Ông Chris Helzer, Phó chủ tịch Thương mại toàn cầu Tập đoàn Nike cho biết bản thân thấy “rất vui khi một số nhà máy ở phía Nam mở cửa lại” sau thời gian gián đoạn do dịch bệnh. Ngay số các nhà máy chưa mở vẫn tiếp tục trả lương cho người lao động.

Phó chủ tịch Nike cho rằng, khi tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngày càng tăng, Việt Nam chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, sống chung với Covid-19, việc mở cửa trở lại trên quy mô rộng hơn, nhiều nhà máy hơn, công suất cao hơn… giúp Việt Nam dần lấy lại đà, khôi phục sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ hoạt động chuỗi cung ứng.

Ông Chris Helzer nhấn mạnh, không có khoản trợ cấp hoặc giảm thuế nào quan trọng bằng việc cho phép mở cửa trở lại rộng rãi, bền vững trên cơ sở ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động. Việc mở cửa trở lại này cần được đơn giản hóa và hài hòa giữa các tỉnh và địa phương.

“Sự nhất quán và hài hòa là rất quan trọng. Tôi tin Việt Nam có thể kiểm soát mà không cần phải giãn cách trong thời gian quá dài nữa”, ông nói.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc trực tuyến với đại diện các doanh nghiệp Mỹ ngày 30/9. Ảnh: Hoàng Phong
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc trực tuyến với đại diện các doanh nghiệp Mỹ ngày 30/9. Ảnh: Hoàng Phong

Tương tự, đại diện CropLife Việt Nam – doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp – cũng cho rằng việc Chính phủ chuyển trạng thái chống dịch sang sống chung với Covid-19 và sắp tới đưa ra kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế giúp họ có thêm niềm tin đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam.

Đại diện CropLife Việt Nam góp ý việc tái mở cửa trở lại nền kinh tế và tái thiết lập trạng thái bình thường mới nên “đồng bộ, thực chất và được thực hiện càng sớm càng tốt với các hoạt động sản xuất nông nghiệp, thực phẩm”.

Hoan nghênh nỗ lực của Chính phủ trong hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch, cũng như thay đổi cách tiếp cận ứng phó với dịch, ông Ted Osius, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc USABC, khẳng định cộng đồng doanh nghiệp Mỹ ủng hộ nhiệm vụ kép của Việt Nam vừa chống dịch, vừa phục hồi phát triển kinh tế.

“Chúng tôi cam kết cùng Việt Nam vượt qua đại dịch, trở lại trạng thái bình thường mới. Cộng đồng doanh nghiệp Mỹ mong hợp tác với Chính phủ duy trì hoạt động sản xuất, tạo việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế”, ông Ted Osius nhấn mạnh.

Ghi nhận các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp Mỹ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Việt Nam đang chuyển chiến lược theo hướng sống chung, an toàn và thích ứng với Covid-19. Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tốt của thế giới để ứng phó với đại dịch, vừa bảo đảm kiểm soát tốt dịch bệnh, cân bằng được các lợi ích về y tế – kinh tế – xã hội.

Bên cạnh đó, Quốc hội và Chính phủ cũng đang nghiên cứu xây dựng chiến lược, khuôn khổ chính sách thống nhất để khởi động lại các hoạt động kinh tế – xã hội để áp dụng nhất quán từ trung ương đến địa phương, có tính đến sự linh hoạt với từng địa phương, từng doanh nghiệp.

Chủ tịch Quốc hội mong muốn các doanh nghiệp Mỹ đóng góp, hiến kế cho Việt Nam trong việc hoàn thiện khung chính sách này trên tinh thần “thảo luận kỹ lưỡng, quyết đoán khi ra quyết định và tổ chức thực hiện quyết liệt, thống nhất”.

Với các kiến nghị liên quan tới giảm, giãn, hoãn thuế phí, ông Huệ nêu quan điểm chính sách hỗ trợ này đóng góp nhiều hơn cho việc hỗ trợ doanh nghiệp, không chỉ giãn, hoãn các khoản thuế mà còn hỗ trợ cho cả các doanh nghiệp đang bị thua lỗ, đang gặp khó khăn về dòng tiền hoặc hỗ trợ bằng tiền mặt cho người lao động và người sử dụng lao động.

Nói thêm về công tác lập pháp, ông cho hay, Quốc hội sẽ thể chế hoá các chủ trương mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; thí điểm có kiểm soát những mô hình mới (sandbox) ở quy mô quốc gia theo thẩm quyền quyết định của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hay Chính phủ.

Quốc hội cũng sẽ chú trọng nhiều hơn để thúc đẩy cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc trong lĩnh vực đầu tư công và đầu tư tư nhân, sửa đổi hoàn thiện dự án Luật Đất đai.

Bên cạnh đó, cơ quan lập pháp sẽ tiếp tục quan tâm đến công tác giám sát các hoạt động của Chính phủ, tăng cường hơn nữa trách nhiệm giải trình với tổ chức và cá nhân. Do đó, Chủ tịch Quốc hội mong muốn các doanh nghiệp Mỹ, Hội đồng kinh doanh Mỹ – ASEAN sẽ tăng cường hơn đối thoại chính sách theo hướng win-win (đôi bên đều có lợi) cho cả Chính phủ và doanh nghiệp.

Ngoài ra, một trong những động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn tới là dựa nhiều vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, mà quan trọng nhất là yếu tố con người. Xây dựng và kiến tạo một hệ sinh thái khởi nghiệp, hệ sinh thái cho đổi mới sáng tạo ở Việt Nam là vấn đề được Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội nói, Việt Nam mong các doanh nghiệp tiếp tục đóng góp ý kiến trong lĩnh vực này, nhất là về chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
homescontents