Mỹ bất ngờ đưa ‘sát thủ thầm lặng’ tới Guam

Mỹ thông báo điều tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo USS Nevada, “sát thủ thầm lặng” uy lực của hải quân, tới Guam trong động thái hiếm hoi.

“Tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo USS Nevada cập quân cảng Guam hôm 15/1. Chuyến thăm củng cố khả năng phối hợp giữa Mỹ và các đồng minh khu vực, thể hiện sức mạnh, khả năng sẵn sàng và cam kết không ngừng nghỉ của Washington với an ninh và ổn định khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, hải quân Mỹ cho biết trong thông cáo hôm qua.

USS Nevada thuộc lớp tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo Ohio, một trong những loại vũ khí uy lực và bí mật nhất của quân đội Mỹ, được ví như “sát thủ thầm lặng” dưới đáy biển. Hải quân Mỹ mô tả USS Nevada là “nền tảng phóng tên lửa đạn đạo không thể bị phát hiện, mang đến thành tố quan trọng và có khả năng sống sót cao nhất trong bộ ba hạt nhân của Washington”.

USS Nevada tiến vào cảng Guam hôm 15/1. Ảnh: US Navy.
USS Nevada tiến vào cảng Guam hôm 15/1. Ảnh: US Navy.

Đây là lần thứ hai hải quân Mỹ công bố về hoạt động của một tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo tại Guam trong suốt 40 năm qua. Động thái diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, xoay quanh vấn đề Đài Loan và Triều Tiên liên tục thử tên lửa đạn đạo.

Hoạt động và hành trình của 14 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Ohio luôn được Mỹ giữ bí mật, hiếm khi các tàu ngầm này xuất hiện trên những bức ảnh ngoài căn cứ nhà tại bang Washington và Georgia của Mỹ.

Với lượng giãn nước 18.750 tấn khi lặn và chiều dài 175 m, Ohio là lớp tàu ngầm lớn nhất trong lịch sử hải quân Mỹ. Mỗi chiếc có thể mang 24 tên lửa đạn đạo UGM-133 Trident II D5 có tầm bắn 11.300 km. Mỗi tên lửa mang được tối đa 12 đầu đạn hạt nhân với uy lực tương đương 5,7 triệu tấn thuốc nổ TNT.

Trang bị lò phản ứng hạt nhân, tàu ngầm lớp Ohio có thể hoạt động dưới nước suốt nhiều tháng và chỉ phải nổi lên để tiếp thêm nhu yếu phẩm, giúp chúng bảo đảm năng lực răn đe hạt nhân của Mỹ và sẵn sàng tung đòn tấn công phủ đầu nhằm vào đối phương khi nổ ra xung đột.

“Điều này gửi đi thông điệp là Mỹ có thể bố trí hơn 100 đầu đạn hạt nhân ngay trước cửa ngõ đối phương và họ chưa chắc đã biết, chứ đừng nói đến tìm cách đối phó. Điều ngược lại rất khó xảy ra trong tương lai gần”, Thomas Shugart, cựu chỉ huy tàu ngầm Mỹ, nhận định.

Vị trí Guam và các căn cứ của Mỹ trên đảo. Đồ họa: NPR.
Vị trí Guam và các căn cứ của Mỹ trên đảo. Đồ họa: NPR.

Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến vấn đề Đài Loan gần đây gia tăng. Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh chờ thống nhất và tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ lực nếu cần, đồng thời mô tả Đài Loan là vấn đề nhạy cảm nhất trong quan hệ với Mỹ.

Quân đội Trung Quốc những tháng qua liên tục tăng sức ép quân sự lên Đài Loan bằng các biện pháp truyền thống và phi truyền thống. Ngoài các chuyến bay áp sát hòn đảo với số lượng phi cơ cao kỷ lục, quân đội Trung Quốc còn tiến hành nhiều cuộc diễn tập đổ bộ chiếm bờ biển ở khu vực gần Đài Loan.

Trong khi đó, Triều Tiên đã 4 lần thử vũ khí chỉ trong vòng hai tuần qua, gồm hai vụ thử đầu đạn lướt siêu vượt âm ngày 5 và 11/1, cùng hai vụ thử tên lửa đạn đạo chiến thuật ngày 14 và 17/1.

Washington tuần trước áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Bình Nhưỡng. Đáp lại, Triều Tiên khẳng định họ có quyền tự vệ “hợp pháp”, gọi lệnh trừng phạt của Mỹ là “hành động khiêu khích”.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
homescontents