Amcham: Cần ưu tiên vaccine cho TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai

Hiệp hội Thương mại Mỹ (Amcham) cho rằng cần tập trung đưa vaccine đến các tâm dịch, những vùng đóng góp đáng kể cho kinh tế Việt Nam.

Ý kiến trên được Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) Mary Tarnowka đưa ra trong buổi gặp lãnh đạo UBND TP HCM ngày 20/8.

Theo đó, AmCham kêu gọi Chính phủ tập trung phân phối vaccine đến các tâm dịch, đặc biệt là TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh lân cận, vốn là những vùng tập trung các khu công nghiệp và đóng góp đáng kể cho kinh tế quốc gia.

Trong khi đó, Hiệp hội Thương mại châu Âu (EuroCham) khuyến nghị ưu tiên tiêm vaccine cho ngành logistics để giúp các cảng có đủ công nhân bốc xếp, giải tỏa cảng nhanh.

Bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành AmCham. Ảnh: Trung tâm báo chí TP HCM
Bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành AmCham. Ảnh: Trung tâm báo chí TP HCM

Chia sẻ vấn đề vaccine, ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP HCM thông tin, thành phố đã tiêm vaccine cho khoảng 286.000 người lao động và 3.000 chuyên gia tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao. Như vậy, chính quyền đã tiêm xong mũi đầu tiên cho 85% lao động khu vực này. Thành phố đang có kế hoạch tiêm đợt hai cho 85% lao động đã tiêm và 15% người lao động trước đó chưa tiếp cận.

“Tốc độ tiêm chủng tại TP HCM có thể lên tới 300.000 mũi mỗi ngày. Mục tiêu của thành phố là tiêm vaccine cho tất cả người dân, trong quý III sẽ phủ đủ 70% dân số trên 18 tuổi”, ông Phong nói.

Về phương án “3 tại chỗ” và “một cung đường hai điểm đến”, AmCham đánh giá cả hai đã mang lại hiệu quả cho một cơ chế tạm thời nhưng không bền vững từ quan điểm sức khỏe, an toàn, chi phí hoặc thực tế. Các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam hy vọng được cho phép tự test nhanh Covid-19 cho nhân viên và chịu trách nhiệm về kết quả. Để làm được như vậy, cần đảm bảo đầy đủ nguồn cung các bộ test nhanh.

Còn theo Hiệp hội các doanh nghiệp Đức (GBA), “3 tại chỗ” chỉ nên áp dụng tối đa 4 tuần, bởi nếu kéo dài quá lâu sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Nhân viên được yêu cầu tự cách ly 7 ngày khi từ nhà máy về nhà.

Đại diện Hiệp hội các doanh nghiệp Đức (GBA). Ảnh: Trung tâm báo chí TP HCM
Đại diện Hiệp hội các doanh nghiệp Đức (GBA). Ảnh: Trung tâm báo chí TP HCM

GBA còn nêu kiến nghị TP HCM nên ngừng phân biệt các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt đối với nguyên liệu thô liên quan đến sản xuất và công nghiệp.

Trong khi đó, Hiệp hội Thương mại Công nghiệp Hàn Quốc (KoCham) và Hiệp hội doanh nghiệp Singapore (SBG) mong muốn miễn đóng các khoản bảo hiểm xã hội cho các doanh nghiệp trong thời gian phải tạm ngừng hoạt động theo lệnh giãn cách. Ngoài ra, SBG đề xuất miễn, giảm thuế và các chi phí liên quan đến sản xuất của doanh nghiệp.

Trước những chia sẻ trên, ông Nguyễn Thanh Phong cho biết, thành phố sẽ quy định cụ thể đâu là hàng thiết yếu khi nhập khẩu. Còn về vận chuyển, chính quyền không quy định hàng hóa thiết yếu mà chỉ đưa ra những hàng hóa nào bị cấm vận chuyển.

Ông Phong cho biết, các vấn đề về tài chính, tín dụng và giảm thuế đã vượt qua thẩm quyền của UBND TP HCM. Cơ quan này đã có văn bản gửi lên Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ cho các doanh nghiệp nói chung và sẽ tiếp tục tập hợp ý kiến của các hiệp hội phát biểu hôm nay.

“TP HCM hy vọng các doanh nghiệp FDI tiếp tục kiên trì, tin tưởng và đồng hành, ủng hộ công tác chống dịch của thành phố. Chúng tôi rất mong sự chung tay của các doanh nghiệp trong việc phát triển kinh tế và phòng chống dịch. TP HCM sẽ lắng nghe mọi kiến nghị của doanh nghiệp”, ông Phong nhấn mạnh.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
homescontents