Phụ nữ Afghanistan lo sợ về an ninh và tương lai của mình dưới chế độ Taliban lần 2

Hiện nay nhiều phụ nữ Afghanistan e sợ rằng các quyền lợi về giáo dục, xã hội, và chính trị mà họ được hưởng trong 2 thập kỷ qua sẽ bị cắt xén hoặc xóa bỏ hẳn khi Taliban lên nắm quyền tại quốc gia này lần thứ 2.

Chuyện cô dâu 12 tuổi năm nào

Ngay sau sinh nhật thứ 12, Ameneh (đây không phải tên thật của nhân vật này, để bảo vệ danh tính của họ) bị buộc phải đính hôn với người lớn là một người họ hàng để râu dài rồi chuyển sang sống trong nhà của người chú này – một doanh nhân có làm ăn với Taliban.

Phụ nữ Afghanistan trong trang phục Hồi giáo truyền thống đi qua một áp phích quảng cáo của một spa chăm sóc sắc đẹp ở thủ đô Kabul vào thời điểm trước khi Taliban chiếm được thành phố này. Ảnh: AFP.
Phụ nữ Afghanistan trong trang phục Hồi giáo truyền thống đi qua một áp phích quảng cáo của một spa chăm sóc sắc đẹp ở thủ đô Kabul vào thời điểm trước khi Taliban chiếm được thành phố này. Ảnh: AFP.

Đó là 2 thập kỷ trước đây. Hồi đó, phong trào Hồi giáo chủ nghĩa đang ở đỉnh cao quyền lực, kiểm soát đất nước Afghanistan thông qua sự hăm dọa, đồng thời thực hiện các quy định tôn giáo rất nghiêm khắc. Theo đó, phụ nữ hiếm khi được ra ngoài, nếu được ra, họ phải che kín người từ đầu tới chân bằng bộ đồ burqa và phải có một người thân là nam giới đi kèm. Các bé gái như Ameneh bị cấm đi học ở các trường thông thường và sau đó bị ép phải kết hôn theo sự sắp xếp.

Nhưng sau khi Mỹ đưa quân vào Afghanistan năm 2001, cô gái trẻ khám phá ra sự tự do mà trước đó là điều không tưởng tượng được. Can đảm lên nhờ biết Taliban đã bị lật đổ, cô trốn khỏi nhà người chú, tới một tòa án dân sự và hủy việc kết hôn của mình. Cô lại đi học, rồi đi làm trong mảng kinh doanh, và tham gia hoạt động về nhân quyền. Cô lựa chọn cuộc sống độc thân và tận hưởng một đời sống xã hội năng động.

Nhưng ngày nay,  Ameneh  cho biết cơn ác mộng thời ấu thơ của cô đã trở lại khi Taliban quay lại cầm quyền sau một chiến dịch quân sự chớp nhoáng trên khắp đất nước trong khoảng 10 ngày.

Ameneh nói với tờ Financial Times của Anh: “Cùng với các chị em gái và mẹ, bọn tôi mang theo tất cả tài liệu giấy tờ, rời khỏi nhà và đến trốn ở nhà một người bạn. Chúng tôi sợ rằng người đàn ông đầu tiên đến đứng trước bậc thềm nhà chúng tôi chính là người chú của tôi”.

Ameneh kể tiếp trước khi òa khóc trên điện thoại: “Tôi đã vứt bỏ bộ burqa của tôi 20 năm trước và sẽ không chấp nhận sự sỉ nhục đó một lần nữa. Tôi cũng không chịu để bị ép phải cưới một ai đó”.

Ameneh và những người phụ nữ như cô có mối quan ngại như sau: Sau khi Mỹ rút đi và chính quyền Afghanistan sụp đổ, các quyền tự do dân sự mà họ từng được hưởng trong 2 thập kỷ qua sẽ nhanh chóng bị đảo ngược và cuộc sống của họ rồi sẽ bị đẩy vào vòng tối tăm.

Trong khi đó, lực lượng Hồi giáo cực đoan Taliban – vừa chiếm được Kabul vào hôm 15/8/2021 sau khi Tổng thống Afghanistan  Ashraf Ghani rời bỏ đất nước, một mực khẳng định rằng phong trào của họ sẽ không áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt và các quy tắc đạo Hồi như họ từng thực thi vào thập niên 1990. 

Những dấu hiệu khắt khe ban đầu

Các nhà hoạt động nữ tin rằng họ sẽ sớm bị Taliban cấm các quyền về chính trị, giáo dục, và xã hội. Các quyền này từng giúp họ trở thành nghị sĩ, được lái ô tô, và thi đấu thể thao.

Một số chương trình truyền hình, bao gồm các phim truyền hình của Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ, đã được thay bằng các chương trình Hồi giáo, còn chủ các doanh nghiệp đã gỡ ảnh phụ nữ khỏi các spa chăm sóc sắc đẹp, tiệm may, và trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ do sợ bị các chiến binh Taliban trừng phạt.

Ghouryan, một kênh trên mạng xã hội Instagram gần gũi với Taliban, trích dẫn lời của một thành viên thuộc “Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan” khi nói với các học giả ở Kabul rằng “các chị em có thể tiếp tục các hoạt động hành chính và giáo dục… Đừng nghe các tin vô căn cứ”.

Trong khi đó kênh Herat News cũng trên Instagram nhưng có quan điểm bài Taliban, lại trích lời một phát ngôn viên cấp vùng của Taliban tuyên bố rằng “sự hiện diện của phụ nữ trong các cơ quan thuộc chính phủ là điều khó khăn”. Kênh tin tức này cho biết thêm rằng có thể “phụ nữ chỉ được hiện diện ở khu vực y tế và giảng dạy” mà thôi.

Biết thân biết phận trong môi trường mới 

Nhiều phụ nữ Afghanistan đã đang điều chỉnh lối sống cho phù hợp với những điều được dự kiến sắp xảy đến.

Nói chuyện qua điện thoại, một giảng viên đại học ở Herat cho biết, hai ngày sau khi Taliban giành quyền kiểm soát đối với thành phố lớn thứ 3 của Afghanistan (vào hôm 14/8), chị chọn một bộ chador màu tối – một trang phục kín đáo che đầu và dài thõng xuống chân, để đi làm. Chị này nhớ lại, mới chỉ tuần trước, chị mặc một bộ măng tô sặc sỡ với khăn quàng hờ hững phủ lên đầu và một lớp trang điểm nhẹ nhàng trên gương mặt.

Nữ giảng viên nói tiếp: “Khi Taliban ở trong trường đại học, nhóm bảo vệ ở lối vào nói với tôi rằng “phụ nữ không được phép vào trong vào lúc này”. Họ bảo tôi rằng thông điệp của Taliban là họ sẽ không trừ lương vì sự hiện diện của tôi nhưng sau đó sẽ quyết định liệu có để cho phụ nữ có mặt tại trường đại học này nữa hay không”.

Các nữ học giả tiên liệu rằng các bộ áo choàng kín người burqa sẽ một lần nữa trở thành trang phục bắt buộc đối với nữ giới. Họ cũng lo lắng rằng sự phân biệt giới sẽ lại được thực thi tại các trường đại học trong trường hợp phụ nữ vẫn tiếp tục được làm công việc vốn có của họ tại đây. Họ cũng quan ngại rằng một số yếu tố của chương trình giảng dạy sẽ bị cắt ngắn hoặc xóa bỏ, chẳng hạn như tiếng Anh, toán, vật lý, và được thay bằng các bài giảng về Hồi giáo.

Afghanistan hiện nay tỷ lệ biết chữ là 43%, tăng lên từ mức 31,4% vào năm 2011 nhưng đây vẫn là mức biết chữ thuộc vào hàng thấp nhất thế giới. Khoảng cách giới vẫn đáng kể. Tỷ lệ biết chữ ở nam giới là 55%, trong khi phụ nữ 30%, theo Ngân hàng Thế giới.

Tại Kabul, một giáo sư đại học khác cho hay bà và các đồng nghiệp ở trong “trạng thái bất định lớn do các quan ngại sâu sắc về an ninh”. Bà nói, “chúng tôi không biết chuyện gì sắp xảy ra với mình”.

Cân nhắc giải pháp bỏ trốn

Thậm chí một số phụ nữ còn tính đến phương án chạy trốn khỏi tổ quốc vì lo sợ tính mạng bị đe dọa nếu Taliban kết luận rằng lối sống của họ là báng bổ thần thánh.

Maryam Durani – một nhà báo và nhà hoạt động ở Kandahar, nơi cô cổ xúy việc giáo dục cho trẻ em gái, nói rằng cô nhận được các tin nhắn đe dọa trong tháng 8 này. Các tin nhắn đó cảnh báo rằng mạng sống của cô đang gặp nguy hiểm nếu cô tiếp tục các hoạt động của mình. Trước khi thành phố Kandahar thất thủ, cô đã trốn tới thủ đô Kabul.

Nữ nhà báo này nói: “Không có gì bảo đảm an ninh cho chúng tôi. Chúng tôi có lẽ phải dành thời gian tìm đường ra đi”.

Tất cả những nhân chứng đã trao đổi với phóng viên báo Financial Times đều nghi ngờ chuyện Taliban của ngày hôm nay sẽ khác với Taliban của 2 thập kỷ trước.

Một nữ bác sĩ phẫu thuật ở thành phố Herat nói: “Những gì chúng tôi chứng kiến những ngày này chỉ cho chúng tôi thấy rằng hệ tư tưởng và các chính sách của Taliban là chưa thay đổi, nhưng họ đã học được cách giả vờ và đánh lừa thế giới”.

Nữ bác sĩ này mới 2 tuổi khi ngôi nhà của gia đình chị bị một quả rocket phá hủy trong nội chiến thập niên 1980. Gia đình chị di tản sang nước Iran láng giềng rồi quay trở lại sau khi Mỹ đưa quân vào Afghanistan năm 2001 để lật đổ chế độ Taliban, mang lại các hứa hẹn về một cuộc sống tốt đẹp hơn ngay tại quê nhà. Nhưng hiện nay, chị lại quy trách nhiệm cho Mỹ và các đồng minh về việc bỏ rơi đất nước của chị.

Vị bác sĩ này tuyên bố: “Tôi đã học tập suốt 25 năm ròng để rồi lại để bị những kẻ thất học cai trị. Nếu được đi làm, chắc chắn tôi sẽ phải mặc bộ burqa mà tôi không còn có thể chấp nhận được nữa. Thế giới và nước Mỹ đã phản bội chúng tôi”.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
homescontents