Taliban có thể kéo Mỹ trở lại vũng lầy Afghanistan

Biden muốn chấm dứt cuộc chiến dài nhất lịch sử Mỹ ở Afghanistan, nhưng sự trỗi dậy của Taliban khiến Washington khó lòng dứt khỏi điểm nóng này.

Sau nhiều năm chứng kiến lính Mỹ đổ máu ở Iraq, tổng thống Barack Obama năm 2011 quyết rút hết quân khỏi quốc gia này. Không lâu sau, phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trỗi dậy. Chứng kiến thành quả kiến thiết lẫn lợi ích và an ninh khu vực bị đe dọa, Mỹ năm 2014 buộc phải triển khai quân đội trở lại chiến trường Iraq tiến hành cuộc chiến dài hơn chống IS.

Kịch bản đó hoàn toàn có khả năng tái diễn khi Taliban trỗi dậy ở Afghanistan. Nhóm phiến quân Hồi giáo này chính là lý do Mỹ đưa quân xâm lược Afghanistan năm 2001. Vụ khủng bố 11/9 là động lực để tổng thống George W. Bush phát động cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, trong đó Afghanistan là một trọng tâm, nơi Taliban bị cáo buộc “dung dưỡng” al-Qaeda.

Đã hai thập kỷ trôi qua, Mỹ vẫn chật vật tìm chìa khóa thành công ở những vùng đất vốn có khác biệt văn hóa quá lớn và thách thức an ninh sâu sắc như Iraq hay Afghanistan. Mục tiêu và lợi ích của Mỹ trong khu vực liên tục thay đổi qua nhiều đời chính phủ. Hệ quả là cả đồng minh lẫn đối thủ trong khu vực không ai tin tưởng Mỹ sẽ bám trụ lâu dài tại đây.

Trực thăng Mỹ tại thành phố Kabul, Afghanistan vào tháng 5. Ảnh: NYT.
Một trực thăng quân sự Mỹ bay trên bầu trời thành phố Kabul, Afghanistan hồi tháng 5. Ảnh: NYT.

“Kinh nghiệm của tôi cho thấy Mỹ thiếu sự kiên nhẫn chiến lược ở góc độ quốc gia lẫn chính phủ. Đáng tiếc là đối thủ của chúng ta trong khu vực cũng trông chờ chúng ta bỏ cuộc”, Ryan Crocker, cựu đại sứ Mỹ tại Iraq và Afghanistan, chia sẻ.

Tiếp nối kế hoạch đàm phán hòa bình và rút quân khỏi Afghanistan từ thời Donald Trump, Tổng thống Joe Biden kiên quyết đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến quá tốn kém đã kéo dài hai thập kỷ, bất chấp nhiều cảnh báo từ giới chuyên gia và các quan chức quân sự về tương lai bất định ở quốc gia này. Trong bài phát biểu vào tháng 7, Biden cho rằng sứ mệnh của Mỹ ở Afghanistan đã kết thúc.

“Chúng ta không đến Afghanistan để kiến thiết quốc gia. Chỉ có người dân Afghanistan mới có quyền và trách nhiệm tự định đoạt tương lai của mình và cách thức điều hành đất nước”, Biden nói. Ông cho rằng sau 20 năm, việc duy trì quân đội Mỹ thêm ít lâu ở Afghanistan “không phải giải pháp mà chỉ là công thức để sa lầy ở đây vĩnh viễn”.

Tuy nhiên, chính sách “kết thúc nhiệm vụ” ở Afghanistan của Biden đang chịu sức ép ngày càng lớn, khi Taliban tiến công như vũ bão sau khi Mỹ rút quân và liên tiếp chiếm được nhiều tỉnh lỵ quan trọng. Diễn biến trên chiến trường có khả năng hút Mỹ trở vào vòng xoáy xung đột mà họ đang cố thoát ra.

Dưới sức ép của Taliban, mọi yếu điểm của quân đội chính phủ Afghanistan, lực lượng được Mỹ dày công huấn luyện và trang bị vũ khí bấy lâu tự gánh vác nhiệm vụ đảm bảo an ninh cho đất nước, đã lộ rõ. Nỗ lực đàm phán xây dựng một chính phủ mới, chia sẻ quyền lực giữa Taliban và chính quyền Kabul, rơi vào bế tắc với những vụ đánh bom và ám sát nghi do Taliban chủ mưu.

Giới hoạt động nhân quyền lo sợ lực lượng Hồi giáo cực đoan Taliban sẽ tái lập những luật lệ hà khắc đối với phụ nữ, trong khi các chuyên gia an ninh dự báo các nhóm khủng bố như al- Qaeda và IS sẽ lợi dụng tình hình hỗn loạn ở Afghanistan để tiến hành những cuộc tấn công ở nước ngoài.

Dù vậy, đến nay vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống Biden sẽ thay đổi quyết định. Kết quả khảo sát cho thấy phần lớn cử tri Mỹ ủng hộ rút quân khỏi Afghanistan.

Lính Mỹ tại tiền đồn gần Kamu, Afghanistan vào tháng 10/2008. Ảnh: NYT.
Lính Mỹ tại tiền đồn gần Kamu, Afghanistan vào tháng 10/2008. Ảnh: NYT.

Mỹ từng đứng trước tình cảnh tương tự với Iraq khi tổng thống Obama quyết định rút quân vào năm 2011. Nhóm khủng bố al-Qaeda đã bị liên quân Mỹ và quân đội Iraq đánh lui, nhưng chính phủ ở Baghdad vẫn tồn tại nhiều bất cập và quân đội chưa thể tự đảm bảo an ninh cho đất nước. Xã hội Iraq chia rẽ sâu sắc với chủ nghĩa cục bộ tôn giáo và sắc tộc.

Hai năm sau ngày Mỹ rút quân, lợi dụng nội chiến ở Syria, các lực lượng Hồi giáo cực đoan trở lại Iraq dưới lá cờ của IS và ồ ạt tiến quân đến sát thủ đô Baghdad. Choáng váng trước các tội ác của IS và lo ngại nguy cơ khủng bố toàn cầu, Mỹ khởi động chiến dịch can thiệp vào năm 2014 và quân Mỹ đặt chân trở lại chiến trường Iraq, chỉ ba năm sau khi rút đi.

“Chúng ta khó tránh việc so sánh hai trường hợp. Cho dù Mỹ không muốn tiếp tục dính líu, sự trỗi dậy của IS hay Taliban, những lực lượng cực đoan và đủ khả năng gây bất ổn toàn khu vực, cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của Mỹ”, Harith Hasan, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Trung Đông của Quỹ Carnegie, nhận định.

Hasan cảnh báo nhiều yếu tố từng dẫn đến sự trỗi dậy của IS vào đầu thập kỷ trước đang hội đủ tại Afghanistan. Ông cho rằng các nhà lập pháp Mỹ đang quá ngây thơ nếu nghĩ mọi bất ổn sẽ chỉ nằm yên trong biên giới các quốc gia Trung Đông.

Cựu đại sứ Crocker thậm chí gọi quyết định rút quân của Biden là “sự đầu hàng trên thực tế”. Ông cảnh báo Taliban sẽ tự quảng bá mình là lực lượng Hồi giáo đã chiến thắng Mỹ và thông điệp này đang được truyền đi khắp thế giới.

Học giả Orzala Nemat nhận định sau 20 năm Mỹ chiếm đóng, Afghanistan đã quá lệ thuộc vào siêu cường này trong mọi lĩnh vực cuộc sống và an ninh, trong khi Washington lại quyết định rút quân quá chóng vánh.

“Bạn khiến nước này phụ thuộc nặng nề trên mọi phương diện trong 20 năm, rồi một ngày bạn quyết định đã đến lúc rũ áo ra đi mà không đảm bảo đất nước này có bất kỳ cơ hội nào để tự đứng trên đôi chân mình hay không”, bà đánh giá.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
homescontents