Buôn ma tuý từ lúc 7 tuổi và vào tù vì giết người khi chưa thành niên, Danny Trejo thành diễn viên nổi tiếng nhờ chính những trải nghiệm tuổi thơ gai góc.
Cơ thể đầy cơ bắp với đầy hình xăm phủ kín da và bộ mặt dữ tợn, Danny Trejo trông không khác gì những tay trùm xã hội đen điển hình trong những bộ phim tội phạm. Những đường nét trên khuôn mặt của người đàn ông 77 tuổi dễ gợi ra một quá khứ đau khổ. Hồ sơ tiền án của siêu sao đáng sợ nhất Hollywood này đã xác nhận điều đó là đúng. Trên thực tế, thời trẻ, Danny Trejo từng suýt chết trong tù.
Sinh ngày 16/5/1944, cậu bé Danny Trejo lớn lên ở Echo Park, Los Angeles, sớm bị bão đời vùi dập. Danny là kết quả của cuộc tình ngoài hôn nhân của một đôi trai gái Mexico. Cậu bé thường xuyên bị cha bạo hành, đánh đập và cấm gặp mẹ.
Khi cha đâm chết một người đàn ông và bỏ trốn biệt xứ, Danny thiếu tình cha mẹ, sống cùng chú ruột, Gilbert, người chỉ hơn 6 tuổi và nghiễm nhiên trở thành người anh lớn hơn là một người cha.
Lúc Danny 8 tuổi, lần đầu tiên trong đời biết đến vị cần sa. Người dắt cậu bé vào đời, không ai khác chính là chú ruột. Sau 4 năm hít cần sa, năm 12 tuổi, Danny dính vào liều heroin đầu đời.
Mọi thứ tồi tệ nhanh chóng leo thang từ đó, Danny trở nên nghiện ngập và tham gia cùng Gilbert trong các vụ cướp và buôn bán ma túy để thỏa mãn cơn vật thuốc. Danny bị đưa đến trung tâm cải tạo dành cho trẻ vị thành niên liên tiếp, khi 13 tuổi, 15 và 18 tuổi, trong tình trạng nghiện cocaine nặng.
Danny ra vào trại giam như cơm bữa, phạm những tội nặng hơn khi được thả, từ cướp cửa hàng rượu bằng lựu đạn đến xả súng tự do, ẩu đả quán bar và đe doạ giết người bằng những mảnh sành của chai bia vỡ.
“Chúng tôi có rất nhiều súng lục. Mọi người không sợ những kẻ cứng rắn chỉ ngại những kẻ điên rồ”, Danny kể khi nhớ lại quãng đời u ám thời trai trẻ.
Nhưng năm 1965, cuộc đời của Danny sẽ thay đổi mãi mãi. Anh ta bán heroin cho các đặc vụ liên bang cải trang, bị kết án 10 năm tù và trải qua những năm tháng tàn khốc nhất của những nhà tù khét tiếng nhất nước: Folsom, Soledad và San Quentin.
“Khi bạn đến San Quentin, bạn sẽ thấy hai ngọn đèn màu xanh và màu đỏ trên đỉnh của các tháp canh”, Danny nhớ lại. “Nếu đèn đỏ sáng, nghĩa là vừa có tù nhân nào đó chết, và hầu như đèn luôn đỏ. Đó là ngôi nhà tử thần, mọi người vào đây và không ra ngoài được”.
Các bài học đấm bốc thời thơ ấu của Danny tỏ ra hữu ích. Sức mạnh quả đấm của cậu trai trẻ thách thức và chiến thắng bất kỳ kẻ côn đồ “ma cũ” nào ở San Quentin muốn bắt nạt.
Tuy nhiên, nỗi sợ hãi hàng ngày về cái chết không bao giờ nguôi ngoai. Mặc dù là tù nhân nổi tiếng với quả đấm vô địch, nhưng khi bước ra sân tù, bắt đầu trận đấu, Danny thấy mình không hơn gì những con vật đang sát hại nhau cho đám đông xung quanh hò reo, cá cược. “Danny, mày sẽ chết ở đây ư?”, anh tự hỏi mình, khẽ lạnh buốt sống lưng.
Tuy nhiên, sau khi bị đưa đến Nhà tù Tiểu bang Soledad vào năm 1968, giữa sự hỗn loạn của một cuộc bạo động trong nhà tù, Danny đã chiến đấu với các tù nhân bằng một tảng đá và vô tình đánh vào đầu một lính canh. Bị biệt giam ba tháng, Danny phải đối mặt với án tử hình về tội Cố ý giết người.
“Tôi như ngồi đáy hố sâu. Tất cả đã kết thúc”, Danny kể và không biết làm gì hơn là khóc và cầu nguyện.
Chúa dường như lắng nghe được lời Danny, vì không ai trong số 3.000 tù nhân đứng ra làm chứng chống lại anh. Trong thời gian này, Danny cũng cai nghiện ma túy thành công và có được bằng tốt nghiệp trung học. Danny được tạm tha vào tháng 8/1969, bắt đầu hành trình cố gắng thay đổi cuộc đời.
Anh làm việc lặt vặt, thợ làm vườn, bán hàng, và dành cả buổi tối để tham gia các cuộc họp mặt hỗ trợ tái hoà nhập, tư vấn về tác hại của lạm dụng cocaine. Trong một lần hỗ trợ các dảnh quay liên quan phân đoạn nhà tù của bộ phim chủ đề vượt ngục, Runaway train, cuộc đời Danny vĩnh viễn thay đổi.
Phim trường khi đó có mặt tiểu thuyết gia tội phạm nổi tiếng, Edward Bunker, biên kịch phim. Ông cũng từng là tù nhân của San Quentin và ngay lập tức nhận ra tay đấm vô địch ngày nào ở sân trại giam và giới thiệu Danny làm huấn luyện viên cá nhân, cố vấn quyền anh của diễn viên chính, Eric Roberts. Danny được trả 320- 350 USD mỗi ngày.
Edward Bunker cũng thuyết phục được đạo diễn Andrei Konchalovsky cho Danny diễn một vai nhỏ, khẳng định rằng trải nghiệm cá nhân của Danny khi ở tù sẽ khiến bộ phim thêm chân thực.
Danny sau đó ngày càng được các đạo diễn và đại lý tuyển diễn viên để mắt đến. Đó là một chặng đường dài từ những vai phụ đến những vai chính, nhưng Danny đã phát triển thành một diễn viên chuyên nghiệp làm việc cùng với những đại thụ thế giới diễn xuất như Al Pacino và Nicolas Cage, đồng thời truyền cảm hứng cho những thanh niên tù tội với câu chuyện đời mình.
Được viết riêng cho Danny, bộ phim Machete ra mắt năm 2010 đạt doanh thu phòng vé 44 triệu USD. Đối với kẻ buôn ma túy và tên cướp có vũ trang bị kết án, người đã phải đối mặt với bản án tử hình như Danny, việc được bước những bước tự do dưới ánh sáng mặt trời đã là một điều kỳ diệu. Do đó, đi trên thảm đỏ Hollywood, với Danny, hẳn là giấc mơ ở một cuộc đời khác.
Giữa năm nay, Danny xuất bản cuốn hồi ký Trejo: My Life of Crime, Redemption và Hollywood , giành vị trí thứ 4 trong danh sách sách bán chạy nhất của The New York Times, tháng 7 vừa qua. Ngoài ra, ông cũng là chủ của chuỗi 8 nhà hàng đồ ăn Mexico, cà phê và bánh ngọt nổi tiếng ở trung tâm Los Angeles.