Kinh tế Đức bên bờ vực suy thoái

Nền kinh tế lớn nhất châu Âu có thể rơi vào suy thoái trong vài tháng nữa, do chuỗi cung ứng tắc nghẽn và đợt bùng dịch mới.

Viện Nghiên cứu Kinh tế Ifo hôm 14/12 dự báo GDP Đức quý IV năm nay giảm 0,5% so với quý trước. Sang 3 tháng đầu năm 2022, nền kinh tế này có thể rơi vào trạng trái trì trệ. Đức vì thế đang đứng bên bờ vực suy thoái. Một nền kinh tế sẽ suy thoái nếu GDP giảm 2 quý liên tiếp.

“Chuỗi cung ứng tắc nghẽn liên tục và đợt dịch thứ 4 đang khiến kinh tế Đức chậm lại rõ rệt”, Timo Wollmershäuser – Giám đốc Dự báo tại Ifo nhận định, “Đà phục hồi mạnh sau đại dịch được kỳ vọng diễn ra năm 2022 vẫn chưa thành hiện thực”.

Công nhân trong một nhà máy Volkswagen ở Wolfsburg (Đức). Ảnh: Reuters
Công nhân trong một nhà máy Volkswagen ở Wolfsburg (Đức). Ảnh: Reuters

Tăng trưởng được dự báo tăng tốc trong hè năm tới, khi số ca nhiễm Covid-19 giảm và nguồn cung bớt căng thẳng. Tuy nhiên, xuất phát điểm năm 2022 thấp sẽ ảnh hưởng đến đến cường quốc sản xuất này. Ifo đã hạ dự báo tăng trưởng của năm 2022 thêm 1,4%, xuống còn 3,7%.

Cơ quan này cũng dự báo lạm phát tại Đức tăng tốc, lên 3,1% năm nay và 3,3% năm tới. Tốc độ này vượt xa mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Lạm phát được dự báo sẽ không quay về mức bình thường cho đến năm 2023.

Triển vọng u ám này được công bố trong bối cảnh các nước trên thế giới chuẩn bị cho khả năng bùng phát dịch do biến chủng Omicron gây ra. Việc này có thể càng gây sức ép lên chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã rất căng thẳng và buộc các ngân hàng trung ương cân nhắc lại kế hoạch rút kích thích.

Tuần trước, Đức ghi nhận số ca tử vong trong ngày cao nhất kể từ tháng 2/2021. Nước này vẫn đang vật lộn kiểm soát đợt bùng dịch thứ 4. Đầu tháng này, họ cấm người chưa tiêm vaccine tham gia các hoạt động công cộng, như đi siêu thị hay hiệu thuốc.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hôm thứ Ba cảnh báo việc số ca nhiễm tăng vọt có thể làm chậm lại đà phục hồi nhu cầu dầu toàn cầu. IEA hạ dự báo nhu cầu dầu cho cả năm nay và năm tới thêm 100.000 thùng một ngày. Nhiên liệu cho ngành hàng không sẽ ảnh hưởng mạnh nhất.

Giá dầu Brent đã giảm 10 USD một thùng kể từ đầu tháng 11, hiện còn dưới 75 USD. Tuy nhiên, IEA cho rằng tác động lần này lên nền kinh tế sẽ ít hơn các đợt bùng phát trước. “Các chính sách kiềm chế mới nhằm ngăn đại dịch lây lan có thể ít tác động lên nền kinh tế hơn các đợt Covid trước, một phần nhờ việc tiêm chủng được phổ biến”, IAE nhận định.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
homescontents
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x