Mỹ cùng 20 nước diễn tập tại Đông Nam Á

Hải quân Mỹ và lực lượng từ 20 nước bắt đầu diễn tập SEACAT tại Singapore, nhằm tăng cường hợp tác an ninh ở khu vực Đông Nam Á.

Diễn tập thường niên Hợp Tác và Huấn luyện Đông Nam Á (SEACAT) lần thứ 20 khai mạc ngày 10/8, diễn ra theo hình thức trực tiếp tại Singapore và trực tuyến.

Cuộc diễn tập được tổ chức nhằm tăng cường hợp tác giữa các nước Đông Nam Á, hỗ trợ lẫn nhau và nhằm mục tiêu chung là giải quyết khủng hoảng, tình huống khẩn cấp và hoạt động bất hợp pháp trong lĩnh vực hàng hải bằng các quy trình, kỹ thuật và chiến thuật chuẩn hóa, hải quân Mỹ cho biết trong thông cáo ngày 9/8.

Theo thông cáo của hải quân Mỹ, các nước tham gia diễn tập SEACAT năm nay còn có Australia, Bangladesh, Brunei, Canada, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Maldives, New Zealand, Philippines, Hàn Quốc, Singapore, Sri Lanka, Thái Lan, Timor-Leste, Anh và Việt Nam.

Đặc nhiệm Thái Lan và sĩ quan tuần duyên Mỹ tham gia diễn tập khoa mục thăm, đổ bộ, khám xét và vây bắt tàu trong diễn tập SECAT tháng 8/2019. Ảnh: US Navy.
Đặc nhiệm Thái Lan và sĩ quan tuần duyên Mỹ tham gia diễn tập khoa mục thăm, đổ bộ, khám xét và vây bắt tàu trong diễn tập SECAT tháng 8/2019. Ảnh: Hải quân Mỹ.

SEACAT 2021 còn lần đầu chứng kiến sự xuất hiện của các tổ chức quốc tế và phi chính phủ như Văn phòng Chống Tội phạm và Ma túy Liên Hợp Quốc, dự án Tuyến hàng hải Ấn Độ Dương Rộng mở của EU, cũng như Ủy ban Hội Chữ thập Đỏ quốc tế. Sự tham gia của các tổ chức này nhằm tạo ra tình huống sát thực tế hơn để “tăng cường hiểu biết và gắn kết với các quy tắc, luật lệ và thông lệ quốc tế đã được chấp nhận rộng rãi”.

Các quốc gia cử 10 tàu và hơn 400 nhân sự tham gia SEACAT. Hạm đội Thái Bình Dương và Hạm đội 7 của Mỹ cử tàu tác chiến ven biển USS Tulsa, thủy thủ thuộc hải đội khu trục số 7 (DESRON 7) và máy bay tuần thám săn ngầm P-8A Poseidon tham gia diễn tập.

Cuộc diễn tập được tổ chức trong bối cảnh tình trạng mất an ninh hàng hải ở Đông Nam Á gia tăng. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc xác định châu Á, eo biển Singapore, eo biển Malacca và Biển Đông thuộc nhóm những điểm nóng toàn cầu về mất an ninh, cướp có vũ trang và các hoạt động bất hợp pháp khác, gây ra đe dọa đáng kể với thương mại quốc tế.

“Kịch bản diễn tập được thiết kế để khuyến khích các quốc gia phối hợp cùng nhau thông qua các thiết bị giám sát hàng hải để hiểu rõ hơn về hoạt động của nhau và tuân thủ tốt hơn các quy tắc quốc tế”, đại tá Tom Ogden, chỉ huy DESRON 7, cho biết. “Thực hành các tình huống ứng phó đa phương, đa nền tảng giúp các quốc gia Đông Nam Á sẵn sàng cho những tình huống thực tế trong tương lai”.

Diễn tập SEACAT được tổ chức trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang. Mỹ cáo buộc Trung Quốc có hành vi gây hấn ở Biển Đông khi chiến hạm hai nước có những lần chạm mặt “nguy hiểm” tại khu vực này.

“Trong khu vực Đông Nam Á, sức mạnh từ các mối quan hệ đối tác và khả năng sẵn sàng phối hợp với nhau của chúng ta là điều tối quan trọng”, phó đô đốc Karl Thomas, tư lệnh Hạm đội 7 hải quân Mỹ, cho biết. “SEACAT năm nay nhằm nâng cao khả năng tương tác của chúng ta khi giải quyết mối quan tâm chung về an ninh hàng hải và duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.

Trong diễn tập SEACAT lần này, một trung tâm hoạt động hàng hải tại Trung tâm Hợp nhất Quốc tế ở Singapore sẽ đóng vai trò điều phối khủng hoảng và chia sẻ thông tin theo dõi các tàu đáng ngờ giả định trên vùng biển Đông Nam Á.

Các quốc gia tham gia sẽ sử dụng mọi khí tài giám sát hàng hải hiện có để cung cấp dữ liệu cho trung tâm cùng máy bay tuần thám hoặc khí tài mặt biển của các nước với mục tiêu thực thi quy tắc, luật pháp và thông lệ quốc tế.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
homescontents