Chuyên gia Trung Quốc khen tàu tác chiến ven biển Mỹ

Các chuyên gia Trung Quốc đánh giá tàu tác chiến ven biển là “công cụ mạnh mẽ” trong hoạt động tác chiến tương lai của hải quân Mỹ.

Trong nghiên cứu “Phương pháp thực hiện năng lực sát thương phân tán của hải quân Mỹ”, các chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu và Thiết kế Hàng hải Trung Quốc (MARIC) cho biết quân đội nước này coi tàu tác chiến ven biển (LCS) được trang bị tên lửa diệt hạm là “yếu tố then chốt trong chiến lược phân tán lực lượng của hải quân Mỹ tại tây Thái Bình Dương”.

“Khi so sánh LCS với các tàu mặt nước khác, thiết kế mô đun, giá rẻ, tốc độ cao và những đặc điểm khác cho phép loại chiến hạm này trở thành công cụ mạnh mẽ trong các chiến thuật sát thương phân tán trong tương lai”, Viện Hải quân Mỹ (USNI) ngày 11/8 dẫn lại báo cáo của nhóm chuyên gia MARIC.

Tàu tác chiến ven biển USS Gabrielle Giffords thuộc lớp Independence phóng tên lửa NSM trong diễn tập tháng 10/2019. Ảnh: US Navy.
Tàu tác chiến ven biển USS Gabrielle Giffords thuộc lớp Independence phóng Tên lửa Tấn công Hàng hải trong diễn tập tháng 10/2019. Ảnh: US Navy.

Các chuyên gia thuộc MARIC, đơn vị chịu trách nhiệm nghiên cứu và phát triển cho lĩnh vực đóng tàu Trung Quốc, chú ý tới vụ phóng thử tên lửa diệt hạm Harpoon Block 1C từ USS Coronado, một tàu LCS thuộc lớp Independence. “Các kết quả cho thấy với một số cải tiến đơn giản, LCS có thể sở hữu khả năng chống hạm”, báo cáo có đoạn.

“Vũ khí dạng mô đun có thể giảm chi phí đóng tàu, khi các loại khí tài được sản xuất theo tiêu chuẩn chung có thể được lắp đặt một cách đơn giản trên các chiến hạm đáp ứng tiêu chuẩn này. Điều này cực kỳ có lợi trong tăng cường năng lực tổng thể của con tàu, giúp bảo dưỡng dễ dàng hơn và tăng đáng kể khả năng cải tiến nhanh chóng”.

Quân đội Trung Quốc bắt đầu theo dõi kỹ lưỡng tàu LCS của hải quân Mỹ khi lực lượng này triển khai trở lại các chiến hạm lớp Independence ở tây Thái Bình Dương, sau hai năm gián đoạn. Khi được triển khai trở lại, các chiến hạm lớp Independence đều mang theo Tên lửa Tấn công Hàng hải (NSM), có thể tiêu diệt các mục tiêu trên biển và trên bộ.

Khi các chiến hạm LCS đi qua Biển Đông, hải quân Trung Quốc điều tới ba tàu chiến bám theo giám sát, trong khi họ chỉ triển khai một tàu đi theo khu trục hạm lớp Arleigh Burke, một số quan chức hải quân Mỹ cho biết. Trung Quốc được cho đang phát triển tàu tác chiến ven biển tương tự lớp Independence của Mỹ.

Tàu tác chiến ven biển USS Freedom tham gia diễn tập với hải quân El Salvador và Guatemala ngày 21/1. Ảnh: US Navy.
Tàu tác chiến ven biển USS Freedom tham gia diễn tập với hải quân El Salvador và Guatemala ngày 21/1. Ảnh: US Navy.

Bài viết của các chuyên gia thuộc MARIC nhận định việc các chiến hạm mặt nước của Mỹ mang theo tên lửa diệt hạm hoạt động theo các nhóm tác chiến nhỏ, thay vì đội hình lớn như nhóm tác chiến tàu sân bay hay nhóm tác chiến đổ bộ, “sẽ làm phức tạp các hoạt động của Trung Quốc ở Thái Bình Dương”.

“Việc thu nhỏ đội hình của hải quân Mỹ không đơn giản là thay đổi thành phần của chúng mà là nỗ lực nhằm xây dựng các lực lượng chiến đấu cân bằng với việc tích hợp khả năng của nền tảng, tận dụng hoạt động tác chiến được phân bổ và phân tán lực lượng trên phạm vi lớn nhằm giảm nguy cơ bị hệ thống giám sát và trinh sát của đối phương phát hiện”, báo cáo có đoạn.

“Việc sử dụng lượng lớn các đội hình tàu chiến nhỏ có thể tạo ra nhiều năng lực tác chiến hơn, gây ra nhiều mối đe dọa và áp lực rất lớn lên hệ thống thông tin, giám sát và trinh sát của đối phương”, các chuyên gia Trung Quốc cho biết.

Các chuyên gia của MARIC đề xuất đầu tư vào hệ thống cảm biến và giám sát hàng hải, cùng chương trình huấn luyện mô phỏng mạnh mẽ hơn với sự hỗ trợ của trí thông minh nhân tạo (AI) để chống lại chiến lược phân tán lực lượng của Mỹ.

Mỹ phát triển tàu tác chiến ven biển để thực hiện các nhiệm vụ tại các vùng nước nông ven bờ nhằm ngăn đối phương tiếp cận theo đường biển. Hải quân Mỹ sở hữu các tàu tác chiến ven biển thuộc lớp Freedom và lớp Independence.

Tuy nhiên, các chiến hạm LCS lại được coi là không phù hợp với chiến lược tác chiến mới của Mỹ, do thiếu hỏa lực mạnh và khả năng tấn công hạn chế. Dù các hạm đội Mỹ tỏ ra không mặn mà với chương trình tàu LCS, các chỉ huy gần đây tìm cách huy động những chiến hạm này cho các nhiệm vụ trong khu vực cụ thể.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
homescontents