Khi bạn trai đột nhiên biến mất không dấu vết, Alison linh cảm anh ta là điệp viên chứ không phải tay buôn ma túy đang lẩn trốn hay là kẻ trăng hoa bỏ đi theo nhân tình.
Trên thực tế, anh ta là gián điệp, tên thật là Mark Jenner, sĩ quan cảnh sát chìm trong Biệt đội SDS, một nhánh bí mật của Cảnh sát Thủ đô London (Met), chuyên trà trộn, thâm nhập các nhóm biểu tình chống đối để do thám.
Met dính bê bối lớn nhất trong lịch sử gần đây của Anh khi 21 sĩ quan chìm của họ bị phát hiện có quan hệ mật thiết trái quy định với gần 40 phụ nữ. Đây không chỉ là những cuộc gặp gỡ thoáng qua mà là những mối tình lãng mạn lâu dài và nhiều đứa trẻ được sinh ra.
Alison gặp Mark Jenner khi cô 29 tuổi, làm việc tại một tổ chức xã hội chống lại sự tham nhũng của giới cảnh sát. Người đàn ông chung sống đã 5 năm, lên kế hoạch cho tương lai chung, hoá ra đã được lệnh tiếp cận cô để do thám.
Họ gặp nhau năm 1994. Mark mặc áo sơ mi bụi bặm, đeo một chiếc khuyên tai và có mái tóc hippie đặc trưng, hòa nhập với nhóm của Alison nhờ phong cách cởi mở, thân thiện và quan tâm đến mọi người.
Là giáo viên dạy tiếng Anh và nghiên cứu phương tiện truyền thông, Alison dành các buổi tối và cuối tuần tại trung tâm, tổ chức các chiến dịch chống tham nhũng.
Vài tuần sau khi bắt đầu hẹn hò, Jenner chuyển đến sống với Alison. Họ làm việc đều đặn từ 9h đến 17h, về nhà để cùng nhau xem chương trình truyền hình. Trong những ngày nghỉ, họ đi chơi xa, cắm trại và đi du lịch khắp Thái Lan, Việt Nam và Israel. Họ có những bữa ăn tối vào tối thứ sáu với gia đình cô. Gia đình Alison rất thích và tin tưởng người đàn ông này. “Mọi người nghĩ rằng anh ấy là nửa kia hoàn hảo dành cho tôi”, Alison nhớ lại.
Trái lại, Alison chưa từng gặp bất cứ thành viên nào trong gia đình bạn trai. Mark thường lảng tránh việc kể về họ bằng một câu lặp đi lặp lại “gia đình anh vô cùng phức tạp”. Alison chưa bao giờ có bất kỳ nghi ngờ nào.
Ba năm sau, năm 1998, Alison muốn cùng anh ta lập gia đình. Họ đều ở độ tuổi 30, có thu nhập ổn định và một căn hộ hai phòng ngủ nhưng Mark vẫn phản đối. “Chúng ta chẳng phải đang sống rất ổn ư? Nhất thiết phải cưới nhau và có con mới là một gia đình đúng nghĩa với em sao?”, anh ta nói.
Đầu năm 2000, Mark nói ông của mình bị đột quỵ, cần người chăm sóc, và hành vi của anh ta bắt đầu thay đổi, dần trở nên xa lánh. Một buổi tối cuối tháng 3/2000, Alison trở về nhà và thấy căn hộ trống trơn. Trên bàn là bức thư viết tay. Cô nhận ra ngay rằng bạn trai đã bỏ đi.
“Khi anh nói rằng anh yêu em, anh rất thật lòng, không bao giờ anh có ai khác. Nhưng chúng ta muốn những thứ khác nhau và anh phải đi”, thư viết.
Alison bị kích động, gọi điện cầu xin anh ta quay lại. Mark về chỉ hơn một tuần, tỏ ra hối lỗi nhưng vẫn xa cách. Họ nói chuyện hồi lâu và ôm nhau khóc. Alison nghĩ rằng đang làm lành, nhưng sau đó, anh ta vĩnh viễn biến mất.
Mark dọn dẹp đồ của mình trong căn hộ tỉ mỉ đến mức, như thể anh ta chưa từng xuất hiện. Trong những năm sau đó, Alison tìm kiếm Mark không mệt mỏi, lướt qua văn phòng hồ sơ gia đình ở London và tìm kiếm sự giúp đỡ của một thám tử tư. Rõ ràng rằng bạn trai cô là nhân vật hư cấu, không có tài liệu nào về anh ta hoặc người thân của anh ta ở bất cứ đâu.
Cuối cùng, năm 2003, với sự giúp đỡ của một số người bạn ở văn phòng hộ chiếu, Alison biết được rằng hộ chiếu được cấp với tên “Mark Cassidy” được Biệt đội SDS cấp cho Mark Jenner, một sĩ quan cảnh sát chìm.
Nhìn lại bức thư tạm biệt có đoạn “anh không bao giờ có ai khác”, Alison càng cảm thấy kinh khủng vì Mark thực tế đã kết hôn và có 3 con.
Con út của anh ta được sinh ra khi Alison quen anh ta 6 tháng. “Giờ nghĩ lại khi anh ấy thức dậy lúc 6h30 sáng đi làm và về nhà lúc 5h30 chiều, tôi nghĩ anh ta có lẽ đã về nhà với gia đình thực sự của mình”, cô nói.
Năm 2011, tin tức về một vụ bê bối khác được khơi mào về sĩ quan chìm Mark Kennedy, hiện 53 tuổi. Năm 2003, anh ta gặp Lisa, 31 tuổi, thành viên của phong trào môi trường, chống lại các tập đoàn lớn trong việc huỷ hoại tự nhiên.
“Anh ấy là người thân thiết nhất trong cuộc đời tôi. Anh ấy là người tôi đã tâm sự mọi thứ. Anh ấy đã ở bên cạnh tôi khi tôi đau buồn vì cái chết của cha mình. Và tôi không một giây nghi ngờ”, Lisa kể.
Vào kỳ nghỉ năm 2010, Lisa phát hiện ra rằng hộ chiếu của bạn trai mang tên khác. Cô cũng tìm thấy một chiếc điện thoại, trong đó có email của hai đứa trẻ gọi anh ta là bố. Cô chết lặng. “Tôi có thể tưởng tượng hàng triệu lời giải thích cho việc ai đó thay đổi tên họ. Nhưng việc có con mà không nói với tôi, thật đáng kinh ngạc”.
Khi bị cô chất vấn, Mark Kennedy kể câu chuyện hoang đường về việc anh ta từng là một tay buôn lậu ma túy và, sau khi bạn bị bắn, anh ta đã nhận nuôi hai con của người này.
Tuy nhiên, Lisa vẫn thắc mắc “bạn trai của mình là ai” và cái tên trên hộ chiếu của anh ấy là một manh mối. Cô tra cứu đủ loại hồ sơ cho đến khi tìm thấy giấy khai sinh của các con anh ta, trong đó ghi nghề nghiệp của cha là cảnh sát.
Niềm tin của Lisa vào tình yêu lãng mạn bị xé toạc. Câu chuyện về Mark Kennedy đã trở thành một bê bối truyền thông sau khi Lisa và những người bạn của cô đăng lên mạng và nhanh chóng trở thành cuộc khủng hoảng lớn của giới cảnh sát nước Anh.
Mark Jenner và Mark Kennedy đều là thành viên của Biệt đội SDS, được thành lập vào năm 1968 để đối phó với tình trạng bất ổn nảy sinh từ các cuộc biểu tình chính trị thời đó như biểu tình chống thuế, ô nhiễm, các nhóm hoạt động môi trường và công đoàn.
Chỉ khi các câu chuyện được đặt song song với nhau, người ta mới thấy một hình mẫu của chiến thuật. Đa số sĩ quan chìm này đều có vợ con, gia đình riêng, song chính những người phụ nữ này cũng không biết chồng mình hoạt động trong lĩnh vực gì.
Hai bà vợ thật của hai sĩ quan Jenner và Kennedy cho biết cảm thấy bị chồng phản bội. Họ thẳng thắn chia sẻ câu chuyện của họ tại cuộc điều tra của chính phủ. Ngoài ra một số ít nữ sĩ quan chìm, cũng có quan hệ tương tự với những người đàn ông mà họ có nhiệm vụ phải theo dõi.
Một nhóm tám phụ nữ, bao gồm cả Alison và Lisa, đã đưa ra một vụ kiện pháp lý chống lại Met. Vào năm 2015, một cuộc dàn xếp ngoài toà án đã diễn ra, 7 người được trả khoản bồi thường “đáng kể” và nhận được lời xin lỗi chưa từng có từ Met về sự “vi phạm nghiêm trọng”. Những năm sau, hàng chục phụ nữ đã làm theo gương họ.
Sự việc được Thủ tướng Theresa May công bố vào năm 2015. Các nạn nhân hy vọng cuộc điều tra về các chính sách ngầm bất hợp pháp này, cuối cùng sẽ chấm dứt.
“Chúng tôi muốn xem tất cả các báo cáo mà các sĩ quan này viết về chúng tôi. Chúng tôi muốn xem bằng chứng về cuộc sống của chúng tôi được theo dõi bởi những người mình từng quan hệ”, Alison nói.
Cuối cùng, họ muốn các hành vi này bị hình sự hóa. David Tucker, người đứng đầu bộ phận Tội phạm và Tư pháp hình sự của Met thừa nhận các “biện pháp nghiệp vụ” này không được Hiến pháp chấp nhận. “Hầu như không có trường hợp nào thích hợp để một cảnh sát chìm có mối quan hệ tình cảm trong khi thực hiện nhiệm vụ của họ”, ông nêu.
Biệt đội SDS chính thức bị hủy bỏ năm 2008, song vụ bê bối vẫn chưa đi đến hồi kết. Trong ba năm qua, thêm 139 sĩ quan chìm bị tố giác vì những vi phạm tương tự. Tuy nhiên không ai phải đối mặt với cáo buộc từ cơ quan công tố về những mối quan hệ thân mật và “nghiệp vụ” sai trái này.
Với Lisa, Alison, Sara và những người phụ nữ khác bị lừa vào những mối quan hệ này, hậu quả lâu dài là rất nặng nề. Nhiều người đã trải qua các triệu chứng trầm cảm và rối loạn thần kinh nặng. Lisa tin rằng Kennedy đã cướp đi cơ hội có con của cô, còn Alison rút lui khỏi hoạt động đấu tranh chống tham nhũng.
“Tôi không chắc mình có thể đặt nó vào quá khứ. Chúng tôi đã cùng nhau trải qua quá nhiều điều tốt đẹp và tiết lộ cho nhau những điều đáng lẽ phải giữ bí mật”, Alison chia sẻ.