Video được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội cho thấy lính Taliban liên tục tát và đá một chỉ huy quân đội của chính quyền Afghanistan cũ.
Video xuất hiện đầu tuần này cho thấy một lính Taliban túm tóc và liên tục tát vào mặt người đàn ông đang quỳ bên dưới, trước khi dùng chân đạp người này. Người đàn ông, một chỉ huy quân đội của chính phủ Afghanistan được phương Tây hậu thuẫn, chỉ có thể im lặng chịu đựng, sau đó lùi ra và đưa hai tay ôm mặt.Video Player is loading.DừngHiện tại 0:04/Thời lượng 0:16Đã tải: 0%Tiến trình: 0%Bỏ tắt tiếngToàn màn hình
Trong video còn có sự xuất hiện của một người đàn ông mặc đồ màu trắng, ngồi cười và chứng kiến vụ tra tấn.
Video đã gây ra phản ứng gay gắt từ nhiều nơi trên thế giới, bởi khi tái kiểm soát Afghanistan hồi tháng 8, Taliban từng ban bố lệnh ân xá.
Taliban hôm qua thông báo nhóm lính này sẽ bị kỷ luật, một phản ứng chính thức được cho là hiếm hoi. Thủ lĩnh tối cao Taliban Hibatullah Akhundzada cũng lệnh cho lính không được trừng phạt nhân viên chính quyền cũ.
“Đừng trừng phạt nhân viên chính quyền trước vì những tội ác trong quá khứ của họ”, Akhundzada hôm nay nói với những người ủng hộ ở Kandahar, nơi khai sinh Taliban, đồng thời nhấn mạnh rằng lệnh ân xá nên được tuân thủ.
Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan từ giữa tháng 8, sau khi chính phủ do phương Tây hậu thuẫn sụp đổ trước đà tiến công như chẻ tre của lực lượng này. Chính phủ lâm thời do Taliban thành lập đang hối thúc cộng đồng quốc tế khôi phục viện trợ trị giá hàng tỷ USD cho Afghanistan, đồng thời cam kết điều hành quốc gia Trung Á một cách ôn hòa hơn.
Tuy nhiên, nhóm này bị cáo buộc trả thù đối thủ cũ và không có những động thái rõ ràng trong bảo vệ quyền phụ nữ, khiến chính quyền của họ chưa được thế giới công nhận. Đầu tuần này, một nhóm nhỏ phụ nữ biểu tình phản đối bạo lực ở thủ đô Kabul.
Trong khi đó, phát ngôn viên Taliban Mohammad Naeem, hôm nay đăng Twitter rằng chính quyền không khuyến khích người Afghanistan rời khỏi đất nước vì họ sẽ “không được tôn trọng ở nước ngoài”.
Hàng nghìn người Afghanistan, đặc biệt là những người có liên hệ với chính quyền cũ, đang rời khỏi đất nước. Số người rời đi ngày càng nhiều do nền kinh tế sụp đổ và cuộc khủng hoảng nhân đạo mà Liên Hợp Quốc cảnh báo gây ra nạn đói trầm trọng.