Thụy Sĩ – nơi Mỹ, Trung chọn mặt gửi vàng

Tính trung lập của Thụy Sĩ là lý do lớn nhất khiến Mỹ và Trung Quốc thường lựa chọn nước này làm nơi tổ chức các hội nghị quan trọng.

Hơn 6 tháng trôi qua kể từ sau cuộc hội đàm không có nhiều đột phá ở Alaska, các cố vấn chính sách ngoại giao hàng đầu Mỹ và Trung Quốc ngày 6/10 lại gặp mặt ở Zurich, Thụy Sĩ, nhằm tìm cách xoa dịu căng thẳng trước hàng loạt vấn đề từ Đài Loan đến địa chính trị hay thương mại.

Trong khi các nhà quan sát tranh luận liệu cuộc gặp ở Zurich giữa cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì có giúp làm tan băng mối quan hệ ngày càng lạnh nhạt giữa đôi bên được hay không thì ít nhất, hai cường quốc đối thủ này không có bất kỳ khúc mắc nào đối với quốc gia chủ nhà.

Phái đoàn Mỹ (bên trái) và Trung Quốc trong cuộc hội đàm tại Zurich, Thụy Sĩ, ngày 6/10. Ảnh: Xinhua.
Phái đoàn Mỹ (bên trái) và Trung Quốc trong cuộc hội đàm tại Zurich, Thụy Sĩ, ngày 6/10. Ảnh: Xinhua.

Nước Thụy Sĩ trung lập lâu nay là lựa chọn ưa thích của Mỹ khi tổ chức các hội nghị hay cuộc gặp ngoại giao quan trọng, như hội nghị thượng đỉnh Geneva năm 1985 giữa tổng thống Mỹ Ronald Reagan và lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô Mikhail Gorbachev.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 6 chọn Geneva làm nơi gặp mặt người đồng cấp Nga Vladimir Putin, lần đầu tiên kể từ sau khi ông nhậm chức.

Thụy Sĩ cũng đại diện cho các lợi ích của Mỹ tại Iran kể từ sau cuộc khủng hoảng con tin trong Đại sứ quán Mỹ ở Tehran năm 1979.

Với truyền thống không liên kết, Thụy Sĩ có một vị trí đặc biệt với Trung Quốc khi từng giữ vai trò cầu nối giúp Bắc Kinh tiếp cận với phương Tây trong Chiến tranh Lạnh.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Thụy Sĩ, cơ quan ngoại giao duy nhất của Bắc Kinh ở Trung và Nam Âu, từ lâu đã được biết đến là cửa ngõ giúp Trung Quốc kết nối với nhiều quốc gia châu Âu trong những năm 1950, 1960.

Năm 1954, thủ tướng Trung Quốc lúc bấy giờ là Chu Ân Lai đã gặp người đồng cấp Pháp tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Bern, mở đường cho việc thiết lập quan hệ giữa Bắc Kinh và Paris một thập kỷ sau đó.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc với Thụy Sĩ cũng ổn định hơn so với nhiều quốc gia châu Âu khác, theo Huang Jing, chủ nhiệm Viện Nghiên cứu Quốc tế và Khu vực tại Đại học Ngôn ngữ và Văn hóa Bắc Kinh.

Dù Thụy Sĩ đã cùng Mỹ và một số nước phương Tây khác năm ngoái lên án Bắc Kinh về vấn đề Tân Cương và Hong Kong tại Liên Hợp Quốc, nước này không phải đồng minh của Mỹ và không tham gia vào các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Trung Quốc. Đây là những vấn đề mà giới chức ở Bắc Kinh không thể bỏ qua khi cân nhắc chọn nơi tổ chức hội nghị với Mỹ.

Nhà khoa học chính trị Gu Su tại Đại học Nam Kinh cho rằng bằng cách chọn Thụy Sĩ, đôi bên đều muốn gửi đi một thông điệp.

“Cả hai bên đối thoại khá gay gắt trong những tháng gần đây, khi quan hệ song phương ngày càng có nhiều dấu hiệu đối đầu và thậm chí là va chạm trực diện. Đã đến lúc họ điều chỉnh giọng điệu cho mềm mỏng hơn”, Gu nói. “Họ cần một bầu không khí thích hợp để hoàn thành công việc và Thụy Sĩ, một quốc gia trung lập, yêu chuộng hòa bình, là lựa chọn hoàn hảo”.

Theo ông, Trung Quốc vài tuần gần đây đã thể hiện mong muốn xoa dịu căng thẳng với Mỹ bởi giới lãnh đạo ở Bắc Kinh đang phải chịu nhiều áp lực kinh tế, chính trị từ trong nước.

“Mối quan hệ xấu đi nhanh chóng với Mỹ và các đồng minh quan trọng của họ, như Australia, có tác động khá nghiêm trọng tới kinh tế Trung Quốc và những lời kêu gọi sửa chữa chúng đang ngày càng gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ diễn ra vào năm tới”, Gu cho hay.

Cảnh sát Thụy Sĩ đứng bên ngoài khách sạn Hyatt ở sân bay Zurich, nơi các quan chức hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc hội đàm hôm 6/10. Ảnh: AFP.
Cảnh sát Thụy Sĩ đứng bên ngoài khách sạn Hyatt ở sân bay Zurich, nơi các quan chức hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc hội đàm hôm 6/10. Ảnh: AFP.

“Rõ ràng, cuộc gặp giữa ông Dương và ông Sullivan nằm trong nỗ lực khám phá khả năng đình chiến ngoại giao và xác định lằn ranh đỏ của hai bên, nhằm hướng tới một hội nghị thượng đỉnh giữa ông Tập và ông Biden”, Gu nói thêm.

Nhưng Huang lưu ý rằng cuộc gặp ở Zurich chủ yếu mang tính biểu tượng và có thể không mang đến nhiều tác động đến chính sách của cả hai bên.

“Chúng ta không biết chắc Sullivan có ảnh hưởng như thế nào đối với Tổng thống Biden và ông Dương cũng không được biết đến là người có mối quan hệ gần gũi với ông Tập. Điều này sẽ cản trở đáng kể khả năng đưa ra các quyết định quan trọng và chốt thỏa thuận của họ”, Huang nhận xét. “Việc các quan chức cấp cao gặp mặt và thảo luận là một bước tiến tích cực nhưng đừng kỳ vọng quá lớn”.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
homescontents