Cảm động trước trách nhiệm của bác sĩ quân y với sản phụ F0, một số gia đình đã đặt tên con theo tên của những người lính này.
Tối 19/12, chương trình giao lưu nghệ thuật “Nghĩa tình quân dân” được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Xuất hiện đầu tiên trên sân khấu với chiếc túi cứu thương, tổ quân y lưu động gồm trung úy, bác sĩ Phạm Thị Khánh Linh và điều dưỡng Nguyễn Trọng Nam, Phạm Đình Hưng cho biết đây là vật bất ly thân với họ suốt những ngày hỗ trợ Bình Dương chống dịch. Trong túi, vật dụng quan trọng nhất là máy đo SpO2 – thiết bị đo độ bão hòa oxy trong máu, kết hợp đo nhịp tim thông qua đầu ngón tay.
Mỗi ngày, tổ quân y đảm nhiệm trên 20 ca cấp cứu, công việc dồn dập. Dù chia ca trực để mỗi người có thời gian nghỉ ngơi, song họ vẫn để chuông điện thoại 24/24h, đặt trên ngực lúc ngủ “để khi có cuộc gọi, tin nhắn có thể hỗ trợ nhanh nhất”.
Một buổi sáng, bác sĩ Linh nhận được thông tin về cháu bé cần trợ giúp khẩn về y tế, ngay lập tức, cô gọi điện thoại cho mẹ của bé, tư vấn cách sơ cứu rồi cùng đồng đội mặc đồ bảo hộ, gấp rút cơ động đến hiện trường.
Khi tiếp cận, bước đầu thăm khám, bác sĩ nhận thấy cháu bé có biểu hiện suy hô hấp, bụng trướng, ý thức lơ mơ. Tiên lượng không tốt, cô lập tức yêu cầu hỗ trợ xe cấp cứu nhưng các trung tâm cấp cứu trên địa bàn báo đều đang quá tải. Nữ quân nhân quyết định mang theo bình oxy trợ thở và lái chiếc xe tải nhỏ của tình nguyện viên để đưa hai mẹ con đến bệnh viện cấp cứu. Cổng phụ bị khóa cửa, xe không thể vào được bên trong, Linh bế cháu bé 4 tháng tuổi chạy bộ hơn 300 m đưa đến khu cấp cứu.
Là bác sĩ sản khoa, cô cũng đỡ đẻ cho rất nhiều sản phụ là công nhân nghèo tại phòng trọ. Để cảm ơn cô, một gia đình đã lấy tên bác sĩ Khánh Linh để đặt cho con. Nơi cô và đồng đội nhận nhiệm vụ, sau một tháng nỗ lực, vùng đỏ cũng đã thành vùng xanh.
Trong cuộc chiến sinh tử, nhiều người dân cũng đã được cứu sống nhờ quyết định táo bạo và sáng tạo của các bác sĩ quân y. Ở Trung tâm Điều trị bệnh nhân Covid-19 (Bệnh viện Quân y 175) có thời điểm tiếp nhận bệnh nhân là sản phụ diễn biến phức tạp sau ca mổ sinh, suy hô hấp nặng. Tuy nhiên, hai máy ECMO hiện có tại trung tâm đã cho hai F0 nặng khác sử dụng.
Thượng tá Vũ Đình Ân (Phó giám đốc Trung tâm), thiếu tá Diệp Hồng Kháng (Trưởng Khoa Hồi sức tích cực của Trung tâm) và thượng úy Nguyễn Cảnh Chung sau khi tham vấn các chuyên gia về máy và các kỹ sư đã quyết định cải tiến, chia đôi máy thở ECMO điều trị cho 2 sản phụ Nguyễn Thị Thu Trinh và Nguyễn Thị Ngọc Hoài.
Đây được xem là bước đi sáng tạo của các bác sĩ, bởi thông thường mỗi máy ECMO chỉ dùng cho một bệnh nhân trong một thời điểm. Cuối cùng, cả hai bệnh nhân đều đã ổn định ra viện. Gia đình bệnh nhân Nguyễn Thị Thu Trinh đã đặt tên con là Huỳnh Diệp Chung Ân theo tên 3 bác sĩ Diệp Hồng Kháng, Nguyễn Cảnh Chung, Vũ Đình Ân để cảm ơn các bác sĩ quân y.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, trong đợt dịch vừa qua, những người lính đã hỗ trợ nhân dân thành phố không chỉ bằng mệnh lệnh của người chỉ huy mà còn bằng mệnh lệnh từ trái tim. Không chỉ giúp lo an sinh, giãn cách, bộ đội còn chữa bệnh cho F0 tại nhà, tại bệnh viện dã chiến, lo cho dân khi không may mất đi.
“Lịch sử quân đội sẽ có những trang mới rất đáng tự hào về hình ảnh sáng đẹp của anh bộ đội cụ Hồ. Thay mặt chính quyền và nhân dân TP HCM, tôi cảm ơn quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các cơ quan đã đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ với người dân TP HCM thời gian qua”, ông nói trong tối 19/12.
Phát biểu cuối chương trình, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng nghĩa tình quân dân là giá trị nội lực, sức mạnh nội sinh quan trọng góp phần làm nên thắng lợi trong cuộc chiến bảo vệ nền độc lập, tự do, thống nhất đất nước và vượt qua những thời khắc khó khăn của lịch sử như đại dịch Covid-19.
Trong thời bình, những người lính sống trong lòng nhân dân, giúp dân cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo, phòng chống thiên tai, địch họa, cứu hộ cứu nạn… Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, những người con của nhân dân mang sứ mệnh màu xanh áo lính đi giữa màu đỏ của tâm dịch để giúp đồng bào…
“Những người cha, người mẹ suốt mấy tháng trời chỉ nghe thấy tiếng, nhìn thấy mặt con yêu thương qua điện thoại. Không ít cán bộ, chiến sĩ đã không thể về đưa tiễn người thân đến nơi an nghỉ cuối cùng. Họ cũng sẵn sàng hoãn cưới vợ, cưới chồng, cưới con, không thể ở nhà lúc vợ trở dạ sinh con để hoàn thành mọi nhiệm vụ mà nhân dân giao phó”, ông nói.
Theo Thủ tướng, dịch bệnh dần đi qua, nhưng tình quân dân mãi đọng lại trong tim của mọi người con đất Việt, cần phải nâng niu, nuôi dưỡng. Quân đội cũng cần tiếp tục phát huy truyền thống nghĩa tình, giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân, thực hiện hiệu quả phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội.