Australia tranh cãi về kế hoạch sống chung với Covid-19

Thủ tướng Morrison cho rằng Australia nên mở cửa và sống chung với Covid-19, trong khi nhiều lãnh đạo bang và chuyên gia dịch tễ tỏ ra hoài nghi.

Chiến dịch tiêm chủng chậm chạp của Australia giờ trở thành cuộc đua nước rút khi quốc gia này cố gắng kiềm chế đợt bùng phát Covid-19 nghiêm trọng. Nhưng việc tăng tốc tiêm chủng cũng phơi bày những chia rẽ về thời điểm Australia nên từ bỏ chiến lược “không Covid” và dỡ phong tỏa để sống chung với virus.

“Mục tiêu của chúng tôi là sống chung với virus chứ không phải sống trong nỗi lo sợ về chúng”, Thủ tướng Scott Morrison nói ngày 23/8. Ông bảo vệ kế hoạch bắt đầu mở cửa khi 70% dân số Australia đủ điều kiện hoàn thành tiêm chủng, bất chấp số ca nhiễm tăng kỷ lục ở Sydney. Ông cũng ngầm cảnh báo các bang cố tình duy trì biện pháp phong tỏa có thể đối mặt nhiều hậu quả.

“Chúng ta phải phá vỡ vòng luẩn quẩn này”, Morrison nói về việc các bang phải đóng và mở cửa liên tục vì Covid-19. “Những ngày u tối phải kết thúc”.

Australia không phải là quốc gia đầu tiên từ bỏ cách tiếp cận “không Covid” từng rất thành công, do biến thể Delta khó đối phó hơn và tỷ lệ tiêm chủng ngày càng tăng. Singapore, nơi 80% dân số đã tiêm vaccine, đã bắt đầu bỏ cách ly du khách và chuẩn bị nới lỏng hạn chế nhiều hơn.

Nhưng ở Australia, cách tiếp cận “không Covid” đã trở thành một điều giống như niềm tin. Trong phần lớn năm ngoái, người dân Australia gần như đồng thuận về phương pháp chống dịch này. Người Australia chấp nhận các đợt phong tỏa chóng vánh và cách ly hai tuần trong khách sạn nhằm đẩy lùi Covid-19. Họ cũng được hưởng thành quả từ chiến lược này, với cuộc sống gần như trở lại bình thường, khiến cả thế giới ghen tị.

Tuy nhiên, sự đồng thuận đó đã xuất hiện rạn nứt trong những tuần gần đây, khi những tranh cãi bắt đầu xuất hiện giữa những bang bùng phát Covid-19 nghiêm trọng với các khu vực gần như không có dịch.

Tại Sydney, nơi từng ghi nhận một ca nhiễm vào giữa tháng 6 giờ tăng vọt lên khoảng 750 ca mỗi ngày trong tuần trước, giới chức bang nhấn mạnh cần chuyển sang chiến lược sống chung với dịch, thay vì “xóa sổ virus”.

Một người phụ nữ đi trên con phố vắng bóng người vì lệnh phong tỏa ở Melbourne, bang Victoria hôm 16/7. Ảnh: Reuters.
Một người phụ nữ đi trên con phố vắng bóng người vì lệnh phong tỏa ở Melbourne, bang Victoria hôm 16/7. Ảnh: Reuters.

“Tôi chỉ kêu gọi mọi người không nên bị ảnh hưởng tâm lý vì số ca nhiễm mỗi ngày. Điều thực sự quan trọng đối với chúng ta là tập trung tăng tỷ lệ tiêm chủng”, Thủ hiến New South Wales (NSW) Gladys Berejiklian nói ngày 23/8.

Tỷ lệ tiêm chủng của Australia đang tăng lên, đặc biệt ở NSW, nơi số mũi tiêm mỗi ngày tăng gấp ba lần, trở thành một trong những nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới. Bang đã tiêm được 6 triệu liều vào ngày 24/8, cho phép Thủ hiến Berejiklian đưa ra một số thay đổi nhỏ vào cuối tuần này. Bà nói bang đang trong lộ trình bắt đầu mở cửa từ cuối tháng 10.

Cùng lúc đó, sự kiên nhẫn của người dân ở các bang bùng dịch đang dần suy yếu với lệnh phong tỏa kéo dài. Hàng chục người đã bị bắt trong hai cuộc biểu tình chống phong tỏa ở Sydney. Quân đội đã được triển khai để hỗ trợ cảnh sát và hơn chục khu phố phải áp lệnh giới nghiêm ban đêm. Ngày 22/8, một nhà thờ tại một điểm nóng Covid-19 đã tổ chức một buổi lễ cho 60 người, khi mục sư tuyên bố “các biện pháp phong tỏa đã kết thúc”.

“Chúng ta không thể sống cô lập mãi mãi”, Berejiklian nói. “Chúng ta là một trong số ít quốc gia trên thế giới vẫn sống cô lập. Nhưng khi chúng ta bắt đầu mở cửa biên giới, mọi bang sẽ thấy số ca nhiễm tăng”.

Tuy nhiên, đối với những bang có ít hoặc không có ca nhiễm, chiến lược “không Covid” có vẻ vẫn là giải pháp tốt. Tại Tây Australia, nơi không báo cáo ca nhiễm mới vào ngày 23/8, Thủ hiến Mark McGowan nói kế hoạch của ông vẫn là “nghiền nát và tiêu diệt” virus, chứ không sống chung với nó.

Tại bang Queensland, nơi chỉ ghi nhận hai ca nhiễm vào ngày 24/8, Thủ hiến Annastacia Palaszczuk cho biết bà không thể mở cửa biên giới bang với NSW ngay cả sau khi đất nước đạt ngưỡng tiêm chủng.

Cả Palaszczuk và McGowan tháng trước từng nhất trí với kế hoạch mở cửa bốn giai đoạn của Thủ tướng Morrison, gồm nới lệnh phong tỏa toàn bang khi 70% dân số Australia được tiêm chủng. Khi tỷ lệ tiêm chủng đạt mức 80%, lệnh phong tỏa sẽ được dỡ bỏ và đi lại quốc tế sẽ được nối lại một phần.

Tuy nhiên, Palaszczuk nói mọi thứ đã thay đổi khi đợt bùng phát ở Sydney phá tan kịch bản 30 ca nhiễm mà kế hoạch từng vạch ra. “Bây giờ con số là hàng nghìn”, Palaszczuk nói. “Đây là tình huống không ai có thể đoán định”.

Viện nghiên cứu vạch mô hình cho kế hoạch mở cửa bốn giai đoạn khẳng định hàng trăm ca nhiễm mỗi ngày không phải là rào cản để mở cửa an toàn. Các nhà hoạch định kế hoạch cũng cho biết không bang nào được nới lỏng các hạn chế cho tới khi đạt ngưỡng tiêm chủng quốc gia.

Theo họ, nếu không có các đợt bùng phát lớn để thúc đẩy tiêm chủng, Queensland và Tây Australia đã tụt lại phía sau trong chiến dịch triển khai vaccine và có thể phải trì hoãn kế hoạch mở cửa quốc gia.

Một số thủ hiến lo ngại kế hoạch thoát phong tỏa bị ảnh hưởng bởi yếu tố chính trị, khi Australia sẽ tổ chức bầu cử vào đầu năm tới và Covid-19 sẽ là vấn đề trọng tâm. Ba thủ hiến bày tỏ quan ngại về kế hoạch sống chung với Covid-19 đều thuộc Công đảng, trong khi Thủ tướng Morrison và Berejiklian thuộc đảng Tự do.

Morrison cảnh báo lãnh đạo các bang và vùng lãnh thổ không nên rút khỏi “thỏa thuận với người dân Australia”, trong khi Bộ trưởng Tài chính Josh Frydenberg dọa chặn một số khoản hỗ trợ liên bang cho những bang không mở cửa theo kế hoạch.

Nhưng không riêng các thủ hiến, nhiều nhà dịch tễ học cũng hoài nghi về kế hoạch mở cửa quốc gia của Thủ tướng Morrison.

“Nó không dựa trên logic”, Mary-Louise McLaws, nhà dịch tễ học kiêm cố vấn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). “Nó chỉ dựa trên mô hình và những mô hình thường đầy những giả định”.

Bà thêm rằng một vấn đề trong số đó là kế hoạch mở cửa quốc gia của Australia không tính tới biến chủng Delta dễ lây nhiễm. Nhưng McLaws nói vấn đề lớn nhất của kế hoạch này là quyết định mở cửa khi 80% dân số trên 16 tuổi tiêm chủng. Điều này đồng nghĩa khoảng 1/3 dân số Australia chưa tiêm chủng, trong đó trẻ em là nhóm đối tượng mà các chuyên gia nói dễ bị nhiễm Delta hơn các chủng trước.

Kế hoạch của Thủ tướng Morrison cũng đồng nghĩa Australia có thể mở cửa đất nước khi nhiều cộng đồng bản địa dễ bị tổn thương vẫn chưa được chủng ngừa, theo McLaws.

McLaws là người đã ủng hộ phong tỏa Sydney ngay khi ca nhiễm chủng Delta đầu tiên xuất hiện vào tháng 6, trong khi Thủ tướng Morrison đã đợi thêm 10 ngày mới ra quyết định phong tỏa. Khi các ca nhiễm có rất ít dấu hiệu suy giảm, McLaws nói bà và Thủ hiến Berejiklian đều đồng thuận một điều rằng tham vọng về chiến lược “không Covid” của Australia đã tan tành.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
homescontents