Nghĩa trang Rorotan là minh chứng cho sự nghiệt ngã của đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 95.700 người dân Indonesia tính đến thời điểm hiện tại.
Việc chôn cất được thực hiện như một dây chuyền lắp ráp
Trong cái nắng nóng oi bức, Syaiful xúc những xẻng đất cuối cùng lên một ngôi mộ vừa mới chôn trước khi đi vào lều để nghỉ trưa. Nhưng trước tiên anh phải cởi bỏ bộ quần áo bảo hộ dùng một lần, găng tay và khẩu trang, sau đó rửa tay tại một chiếc máy bơm nước đặt ngoài trời.
Bữa ăn trưa của anh rất đạm bạc, chỉ có cơm và rau gói trong lá chuối. Syaiful ăn một cách chậm rãi và lặng lẽ. Trong lúc đó, tiếng loa phát thanh từ một nhà thờ Hồi giáo gần đó réo rắt thông báo tên của những người mới mất vì Covid-19 trong khu phố.
Syaiful là một phu mộ tại Rorotan – nghĩa trang công cộng rộng 22 hecta ở Bắc Jakarta dành riêng cho những người chết vì Covid-19. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào đầu năm 2020 đến nay, thành phố Jakarta đã ghi nhận gần 11.500 người tử vong.
Đây là khu đất khu đất thứ 3 thuộc sở hữu của chính phủ được sử dụng để làm nghĩa trang. Rorotan đã chôn cất 5.000 nạn nhân kể từ khi bắt đầu tiếp nhận các thi thể bị quá tải từ hai nghĩa trang khác vào tháng 3 năm nay. Syaiful được kêu gọi đảm nhận công việc mới đầy khó khăn này. Anh và hơn 100 phu mộ khác ở thủ đô Jakarta là những lao động cần thiết, nhưng vai trò của họ không dễ nhận thấy trong một cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng đang gieo rắc đau thương và tàn phá cuộc sống của người dân Indonesia. Họ đang sống cùng nó mỗi ngày.
Công việc của các phu mộ ở tuyến cuối của đại dịch Covid-19 cũng nguy hiểm không kém so với các nhân viên y tế ở tuyến đầu. Tuy nhiên, họ nhận được rất ít sự chú ý. Đôi khi họ được phát các suất cơm trưa và một gói chăm sóc gồm khẩu trang cùng vitamin bổ sung để tăng cường sức đề kháng. Cho đến thời điểm hiện tại, không ai trong số 35 phu mộ ở Rorotan bị mắc bệnh.
Nghĩa trang Rorotan là minh chứng cho sự nghiệt ngã của một đại dịch đã cướp đi sinh mạng của hơn 83.000 người dân Indonesia tính đến thời điểm hiện tại và khiến hệ thống y tế của nước này đứng trên bờ vực sụp đổ.
Nỗi ám ảnh khôn nguôi
Syaiful cho biết, anh cảm thấy vô cùng lo lắng khi chứng kiến những chiếc xe cứu thương và xe tang phải hoạt động không ngừng nghỉ để đưa các nạn nhân đến nơi chôn cất, còn người thân của họ tuyệt vọng và đau thương đứng xung quanh nơi chôn cất để tiễn đưa thân nhân lần cuối. “Công việc chôn cất thi thể người chết diễn ra giống như một dây chuyền lắp ráp vậy. Nó thật vô vị”, Syaiful nói.
Máy móc được đưa tới để đào hố, nhưng dù có hoạt động hết công suất chúng cũng không thể theo kịp số người chết. Theo yêu cầu của giới chức y tế, các thi thể được bọc nilon và đặt trong quan tài gỗ, sau đó được đưa xuống huyệt. Chỉ sau khi Syaiful và các đồng nghiệp của anh hoàn thành nghi thức, thành viên trong gia đình mới được phép đến gần ngôi mộ để cầu nguyện và đặt hoa. Họ được đưa một tấm gỗ để viết tên người ra đi, ngày sinh và ngày mất.
Syaiful đã rút ra được nhiều bài học, từ cách thức đại dịch ảnh hưởng tới các gia đình, đến việc nhiều người dân không nhận ra các dấu hiệu nguy hiểm của căn bệnh vì chưa từng trải qua điều tương tự trước đây.
Những tấm biển gỗ đặt trên các ngôi mộ cho thấy hầu hết người tử vong đều trên 50 tuổi. Tuy vậy, vẫn có những nạn nhân nhỏ tuổi. Syaiful chỉ đến ngôi mộ của một cậu bé 17 tuổi, mà anh nói là một trường hợp đặc biệt đáng buồn. Mẹ của nạn nhân đã chia sẻ với Syaiful dòng tin nhắn cuối cùng của cô với con trai trước khi cậu bé qua đời.
“Cô ấy liên tục động viên con trai phải mạnh mẽ khi cậu bé nói về sự đau đớn và càm thấy khó thở”, Syaiful cho biết. Giống như nhiều bệnh viện khác, bệnh viện mà cậu bé nằm cũng hết oxy. Một số người được chôn cất tại Rorotan không thể đến bệnh viện chữa trị và đã qua đời tại nhà riêng. Tổ chức giám sát tư nhân LaporCovid ước tính, cho đến thời điểm hiện tại có khoảng 2.700 người đã tủ vong khi cách ly tại nhà và con số này dường như chưa được tính vào danh sách tử vong chính thức.
Theo Syaiful, không cần nhiều thủ tục để chôn cất người chết ở đây. Chỉ cần giấy chứng tử của bệnh viện hoặc thẻ căn cước là người chết có được một chỗ an nghỉ miễn phí tại Rorotan ít nhất là trong 3 năm tới. Sau đó chính quyền thành phố Jakarta sẽ thu phí thường niễn là 40.000 Rupiah (khoảng 3USD) mỗi gia đình để duy trì hoạt động của nghĩa trang.
Dù Indonesia từng trải qua nhiều trận động đất, phun trào núi lửa, lở đất và các thảm họa tự nhiên khác trong 20 năm qua, nhưng có lẽ rất ít nhà lãnh đạo nước này phải chứng kiến một thảm kịch tương tự như thảm kịch Covid-19 trong cuộc đời họ.
Chính quyền Tổng thống Joko Widodo đã phải hứng chịu nhiều chỉ trích vì không lường trước được sự gia tăng đột biến số ca mắc Covid-19 theo ngày, từ mức 2.600 ca vào giữa tháng 5 lên đến mức cao nhất là 54.500 ca vào giữa tháng 7 sau dịp lễ Ramadan.
Mặc dù số ca mắc mới hiện nay đang có xu hướng giảm nhưng số ca tử vong thì ngược lại. Theo số liệu chính thức được công bố, riêng ngày 28/7, Indonesia đã ghi nhận 2.069 ca tử vong do Covid-19 – con số cao nhất từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay. Cái chết là tín hiệu cuối cùng cho thấy việc kiểm soát đại dịch có thành công hay không. Bất chấp các biện pháp giới hạn của chính phủ, số ca tử vong do Covid-19 vẫn liên tục tăng cao, phá vỡ nhiều kỷ lục trước đó.
Vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy làn sóng Covid-19 thứ 2 tại Indonesia đã được kiểm soát. Các bệnh viện đều kín hết phòng bệnh và nguồn cung oxy bị cạn kiệt. Nhiều bệnh nhân không có oxy và không có giường bệnh sẽ kết thúc cuộc đời tại nghĩa trang Rorotan. Trong bối cảnh đó đã có nhiều lời kêu gọi chính phủ nước này tăng gấp đôi nỗ lực tiêm chủng.