Mỹ phản bác cáo buộc nước giàu khiến Covid-19 kéo dài

Mỹ phản đối quan điểm của WHO rằng nên hoãn mũi tăng cường và nước giàu khiến Covid-19 kéo dài, nói Washington làm tốt nhiệm vụ trong và ngoài nước.

“Chúng tôi thấy đây là sự giới hạn lựa chọn sai lầm”, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói trong cuộc họp báo hôm 8/9, đề cập đề xuất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về hoãn tiêm mũi tăng cường đến khi thêm nhiều nước phát triển tiêm mũi đầu tiên.

“Mỹ đã tài trợ và chia sẻ khoảng 140 triệu liều với hơn 90 quốc gia, nhiều hơn tất cả các nước khác cộng lại. Chúng tôi cũng sẽ tặng nửa tỷ liều cho 100 quốc gia có nhu cầu”, Psaki nhấn mạnh.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki tại cuộc họp báo hôm 8/9. Ảnh: AFP.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki tại cuộc họp báo hôm 8/9. Ảnh: AFP.

Tuyên bố được đưa ra sau khi Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói tại một cuộc họp báo rằng các quốc gia giàu như Mỹ nên ngừng tiêm mũi tăng cường cho “những người khỏe mạnh đã được tiêm chủng đầy đủ”.

“Một tháng trước, tôi kêu gọi tạm hoãn tiêm mũi tăng cường trên toàn cầu, ít nhất cho đến cuối tháng 9, để ưu tiên tiêm chủng những người nguy cơ cao nhất thế giới và những người chưa được tiêm mũi đầu tiên. Tình hình toàn cầu rất ít thay đổi kể từ đó”, Tedros nói.

Theo ông, việc tiêm mũi tăng cường ở các nước giàu trên khắp châu Âu nên được tạm dừng cho đến cuối năm, hoặc đến khi mọi quốc gia có thể “tiêm chủng cho 40% dân số”. Mũi tăng cường sẽ được phổ biến tại Mỹ từ ngày 20/9, trong khi những người nguy cơ cao nhất đã được tiêm mũi thứ ba.

Tổng y sĩ Mỹ Vivek Murthy tháng trước bác bỏ những chỉ trích về kế hoạch triển khai mũi tiêm tăng cường.

“Tôi không chấp nhận ý kiến cho rằng chúng ta phải lựa chọn giữa Mỹ và thế giới. Chúng tôi thấy rõ trách nhiệm đối với cả hai”, Murthy nói. “Chúng tôi phải làm mọi thứ có thể để bảo vệ người dân trong nước, đồng thời hiểu rằng ngăn chặn đại dịch và tiêm chủng cho mọi người trên toàn thế giới sẽ là chìa khóa để ngăn chặn biến chủng mới xuất hiện. Chúng tôi hiểu rõ điều đó”.

Sự chênh lệch giữa các quốc gia rất rõ ràng về tỷ lệ công dân được tiêm chủng đầy đủ. Những nước giàu dầu mỏ như Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Qatar đã tiêm phòng đầy đủ cho hơn 76% dân số, nhưng các nước nghèo hơn, như Haiti và Congo, mới tiêm đầy đủ cho 0,1% dân số, theo dữ liệu của New York Times.

“Tôi sẽ không im lặng khi các công ty và quốc gia kiểm soát nguồn cung vaccine toàn cầu cho rằng người nghèo trên thế giới nên hài lòng với vaccine thừa”, Tedros cho hay. “Các nhà sản xuất ưu tiên hoặc có nghĩa vụ pháp lý thực hiện giao dịch song phương với các nước giàu sẵn sàng trả nhiều tiền nhất, nên các nước thu nhập thấp bị tước bỏ công cụ bảo vệ người dân”.

Psaki phản bác lại những chỉ trích đó, chỉ ra những nỗ lực của Mỹ giúp các quốc gia khác sản xuất vaccine, và nói rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden có lý khi tìm cách bảo vệ công dân Mỹ.

“Tuần trước chúng tôi công bố kế hoạch đầu tư 2,7 tỷ USD vào sản xuất đầu vào vaccine quan trọng và mở rộng dây chuyền hoàn thiện tại các nhà máy. Từ Senegal, đến Nam Phi, Ấn Độ, chúng tôi đã đầu tư đáng kể vào thúc đẩy sản xuất vaccine toàn cầu”, Psaki nói. “Tổng thống và chính quyền này có trách nhiệm làm mọi thứ có thể để bảo vệ người dân ở Mỹ. Các cố vấn y tế của chúng tôi đã khuyến nghị tiêm mũi tăng cường nên chúng tôi đang thực hiện điều đó”.

Theo WHO, khoảng 5,6 tỷ liều vaccine Covid-19 đã được sử dụng, nhưng 80% trong số đó được tiêm ở các quốc gia giàu có hoặc thu nhập trung bình. Tedros lưu ý rằng nhiều cam kết tài trợ vaccine từ các nước giàu vẫn chưa “thành hiện thực”.

“Chúng tôi không muốn có thêm bất kỳ lời hứa nào nữa, chúng tôi chỉ muốn vaccine. Giờ là lúc cần có sự lãnh đạo thực sự, không phải những lời hứa suông”, ông cho hay.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận