Tập đoàn Merck cam kết cung cấp thuốc molnupiravir đồng thời cho các nước giàu và nghèo, tránh phạm sai lầm như chiến dịch triển khai vaccine toàn cầu.
“Chúng tôi phát triển chuỗi cung ứng từ rất sớm, có thể cung cấp lượng lớn sản phẩm cho các nước thu nhập thấp và trung bình trong nửa đầu năm 2022. Điều này bảo đảm cơ hội tiếp cận thuốc công bằng hơn nhiều so với những gì diễn ra hiện nay. Chúng tôi đủ sức phân phối thuốc cùng lúc cho các nước thu thập thấp, trung bình và cao”, Paul Schaper, giám đốc điều hành chính sách toàn cầu của tập đoàn dược phẩm Merck, nói hôm qua.
Schaper cho biết tập đoàn Merck đã xây dựng chiến lược tiếp cận thuốc từ tháng 7/2020, hơn một năm trước khi công bố hiệu quả của thuốc molnupiravir chuyên điều trị Covid-19. Doanh nghiệp này dự kiến xuất xưởng 10 triệu liệu trình thuốc trong cuối năm nay và tăng gấp đôi sản lượng vào năm sau.
Molnupiravir đang chờ các cơ quan quản lý khắp thế giới phê duyệt, nhưng một số quốc gia giàu hoặc có thu nhập trung bình đã chạy đua đặt hàng, gây lo ngại tái diễn tình trạng nước giàu tích trữ thuốc trong khi nước nghèo không có nguồn cung như quá trình triển khai vaccine Covid-19.
Merck đã cấp phép sản xuất thuốc cho 8 đối tác ở Ấn Độ, đồng thời ký thỏa thuận cấp phép tự nguyện với Sáng kiến chia sẻ bằng sáng chế dược (MPP) được Liên Hợp Quốc hậu thuẫn để thúc đẩy tiếp cận thuốc ở 105 quốc gia. Quỹ Bill & Melinda Gates có kế hoạch chi 120 triệu USD để giúp toàn cầu có thể tiếp cận loại thuốc điều trị Covid-19 đầy hứa hẹn này.
Molnupiravir là thuốc kháng virus đầu tiên đặc trị Covid-19, có thể dễ dàng kê đơn để ngăn các ca bệnh nhẹ và trung bình chuyển biến nghiêm trọng và được đánh giá là thành phần còn thiếu của kho vũ khí y tế chống nCoV.
Giới chuyên gia lo ngại nhiều người sẽ coi đây là phương án thay thế cho vaccine, đồng thời cảnh báo cuộc chạy đua mua molnupiravir sẽ dẫn đến tình trạng nước giàu tích trữ thuốc trong khi nước nghèo không có nguồn cung, tương tự vấn đề với vaccine diễn ra từ năm ngoái đến nay.
“Molnupiravir thực sự có tiềm năng để thay đổi một phần cuộc chơi. Chúng ta cần bảo đảm không lặp lại lịch sử, không đi vào vết xe đổ kẻ thừa người thiếu với vaccine Covid-19”, Rachel Cohen, giám đốc điều hành tổ chức phi lợi nhuận Sáng kiến Thuốc cho Bệnh dịch bị bỏ sót, nêu quan điểm.
Vaccine vẫn được coi là biện pháp phòng vệ tốt nhất trước Covid-19, nhờ khả năng hạn chế nguy cơ nhiễm virus và biến chứng nặng. Tuy nhiên, hàng triệu người ở châu Á – Thái Bình Dương vẫn chưa được tiêm chủng vì không đủ điều kiện hoặc thiếu nguồn vaccine. Điều đó khiến molnupiravir trở thành giải pháp ứng phó khi tỷ lệ tiêm chủng tại nhiều nước vẫn tăng chậm.
Thế giới đã ghi nhận 251.983.625 ca nhiễm nCoV và 5.082.622 ca tử vong, tăng lần lượt 515.391 và 7.427, trong khi 226.332.517 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.