Trái ngược với cảm giác hạnh phúc, vui vẻ, nhiều người đang rơi vào trạng thái “birthday depression” – trầm cảm ngày sinh nhật.
“Birthday depression” hay “birthday blues” là thuật ngữ đề cập đến các trạng thái cảm xúc buồn bã, thờ ơ khi nghĩ về ngày sinh nhật của bản thân.
Ngoài cảm xúc tiêu cực, chứng trầm cảm trong ngày sinh nhật có thể bao gồm cảm giác thiếu năng lượng, suy nghĩ nhiều về quá khứ, những điều đã hoàn thành hoặc dang dở. Những dấu hiệu này có thể xuất hiện trước hoặc trong ngày sinh nhật, và kéo dài một thời gian sau đó.
Tiến sĩ Ernesto Lira de la Ros, nhà tâm lý học lâm sàng tại Đại học Columbia, Mỹ, thành viên nhóm cố vấn truyền thông tại Hope for Depression (Tổ chức Nghiên cứu về chứng trầm cảm) cho biết, trầm cảm trong ngày sinh nhật có thể liên quan đến chứng rối loạn sức khỏe tâm thần. Nhất là với những người có tiền sử bị trầm cảm.
Đối với những người khác, chứng bệnh này có thể gắn liền với những trải nghiệm tiêu cực về ngày sinh nhật trong quá khứ; rối loạn lo âu; nỗi sợ già đi; hoặc đang bận tâm với những mong muốn chưa thể thực hiện khi ở một độ tuổi nhất định.
“Hay đơn giản ngày sinh nhật đến trong lúc họ đang phải trải qua điều gì đó vô cùng khó khăn”, tiến sĩ Lira de la Rose nói và nhấn mạnh, tất cả những lý do này là bình thường.
Triệu chứng có thể gặp khi mắc chứng trầm cảm ngày sinh nhật
Sự thay đổi tâm trạng và duy trì trạng thái này từ trước đến sau sinh nhật.
Cảm thấy xuống tinh thần, buồn và khóc nhiều hơn.
Suy nghĩ về quá khứ và những mục tiêu chưa đạt được (ví dụ: chưa kết hôn hoặc chưa có con).
Băn khoăn về việc còn bao nhiêu thời gian để sống.
Không có nhiều năng lượng hoặc động lực để làm việc.
Không còn quan tâm đến những điều từng yêu thích.
Giấc ngủ bị xáo trộn, thay đổi cảm giác thèm ăn, khó tập trung và đau nhức cơ thể.
Né tránh hoặc không quan tâm đến việc tổ chức sinh nhật và chỉ muốn ở một mình.
Làm thế nào để vượt qua “birthday depression”?
Cho phép nuông chiều cảm xúc: Con người có xu hướng liên kết sinh nhật với lễ kỷ niệm và những trải nghiệm tích cực, nhưng điều này không đúng với tất cả. Và nếu cảm thấy không phấn khích, vui vẻ hãy cho phép bản thân được buồn.
Được sống thật với cảm xúc mà không cần phán xét, có thể giúp bạn hiểu rõ bản thân và phần nào giải tỏa nỗi buồn đang hiện hữu.
Chia sẻ với những người tin tưởng: Nếu được hãy chia sẻ thành thật cảm xúc với bạn bè hoặc người thân. Khi được giải tỏa bạn sẽ cảm thấy tốt hơn. Dù bằng cách nào, việc cởi mở và cho phép bản thân được yếu đuối có thể khiến bạn nhẹ nhõm thay vì tránh né chỉ khiến bản thân khó chịu, mệt mỏi và nỗi buồn không được giải quyết.
Đón sinh nhật theo cách riêng: Trên thực tế một số người có thể cảm thấy tội lỗi khi thấy bạn bè, người thân lên kế hoạch tổ chức sinh nhật, nhưng bản thân lại không mấy vui vẻ. “Đừng ép bản thân làm điều khiến tâm trạng tệ hơn. Đây là ngày của bạn, hãy làm bất cứ điều gì để thấy thoải mái nhất”, tiến sĩ nói.
Chuẩn bị cho sinh nhật bằng các hoạt động lành mạnh: Nhiều người thừa nhận đã tìm đến một số hoạt động để xoa dịu cảm xúc, khi gặp phải những nỗi buồn vô định trước sinh nhật. Nhưng bạn nên chuẩn bị trước mọi thứ, ưu tiên các hoạt động thoải mái, hướng đến việc cải thiện sức khỏe tinh thần và thể chất.
Tìm đến chuyên gia tâm lý: Ngày sinh nhật thường gắn liền với cảm giác hạnh phúc và trải nghiệm tích cực, nhưng điều này có thể không đúng với tất cả. Nếu lỡ rơi vào trạng thái trầm cảm trong ngày sinh nhật, đừng thấy xấu hổ mà hãy tìm đến các chuyên gia sức khỏe tâm lý, bác sĩ trị liệu để được giúp đỡ.