Vũ khí Mỹ duy nhất có thể đối phó tên lửa siêu vượt âm

Tên lửa phòng không SM-6 là khí tài duy nhất của Mỹ có khả năng chặn đầu đạn siêu vượt âm, theo quan chức Lầu Năm Góc.

“Dự án ra đời nhằm đối phó những mục tiêu có tốc độ và khả năng cơ động cao. SM-6 hiện là khí tài duy nhất của Mỹ có khả năng phòng thủ trước tên lửa siêu vượt âm”, phó đô đốc Jon Hill, giám đốc Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ (MDA), cho biết trong một hội thảo kỹ thuật hồi tuần trước.

Ông nói thêm rằng năng lực này còn “tương đối non trẻ” và có tiềm năng phát triển thêm.

Quan chức Mỹ không cho biết phiên bản nào của dòng SM-6 có khả năng chặn tên lửa siêu vượt âm. Quân đội Mỹ đang biên chế phiên bản Block I và IA, đồng thời phát triển biến thể Block IB với thiết kế được điều chỉnh và trang bị động cơ lớn hơn. Nó dự kiến đạt tốc độ siêu vượt âm và cải thiện khả năng đánh chặn tên lửa đối phương.

Tên lửa SM-6 phóng từ tàu chiến Mỹ trong đợt thử nghiệm năm 2014. Ảnh: US Navy.
Tên lửa SM-6 phóng từ tàu chiến Mỹ trong đợt thử nghiệm năm 2014. Ảnh: US Navy.

RIM-174A ERAM, còn có tên Standard Missile 6 (SM-6), là tên lửa phòng không trang bị cho lá chắn phòng thủ Aegis với khả năng đánh chặn máy bay và tên lửa hành trình của đối phương, đồng thời có thể được sử dụng như một loại vũ khí chống hạm. Mỗi quả đạn SM-6 có giá khoảng 5 triệu USD.

Tập đoàn vũ khí Raytheon từng nâng cấp phần mềm của SM-6 vào năm 2017 để tên lửa có khả năng đối phó tốt hơn với các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo tầm trung, đồng thời phát triển khả năng đối phó vũ khí siêu vượt âm.

Tên lửa siêu vượt âm là vũ khí có tốc độ tối thiểu gấp 5 lần âm thanh (Mach 5), tương đương hơn 6.200 km/h. Những vũ khí bay nhanh hơn vận tốc âm thanh nhưng không đạt ngưỡng Mach 5 thường chỉ được gọi là tên lửa siêu thanh.

Tốc độ lớn, khả năng cơ động và đường bay thấp trong khí quyển khiến vũ khí siêu vượt âm rất khó bám bắt và đánh chặn so với tên lửa đạn đạo truyền thống, đặt ra thách thức lớn với mọi lưới phòng không hiện đại. Đối phương cũng có ít thời gian phản ứng trước vũ khí siêu vượt âm, không kịp triển khai lực lượng đánh chặn hoặc sơ tán.

Nga, Mỹ, Trung Quốc và ít nhất 5 quốc gia khác đang nghiên cứu công nghệ này, trong đó Moskva và Bắc Kinh đã biên chế một số loại tên lửa siêu vượt âm hoặc tên lửa mang đầu đạn lướt nhằm đối phó với Washington. Triều Tiên hồi tháng trước cũng hai lần tuyên bố thử nghiệm thành công tên lửa mang đầu đạn siêu vượt âm.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
homescontents