Khi các cuộc bạo động bài vaccine bùng nổ làm rung chuyển Hà Lan hôm 19/11, Ricardo Pronk ở hiện trường và phát trực tiếp lên mạng xã hội.
Pronk, 50 tuổi, nhà hoạt động bài vaccine, quản lý một nhóm trên Facebook với khoảng 10.000 người theo dõi. Nhóm này gần đây đã chia sẻ lời kêu gọi xuống đường biểu tình tại thành phố cảng Rotterdam hôm 19/11, sự kiện sau đó biến thành bạo lực.
Nhóm của Pronk đã bị Facebook gỡ bỏ, nhưng nó chỉ là một phần trong mạng lưới rộng lớn hơn của những người theo thuyết âm mưu và bài vaccine Covid-19 trên mạng xã hội, thậm chí lan tới cả quốc hội Hà Lan, gây lo ngại trong giới chuyên gia.
Pronk luôn tuyên truyền rằng “vaccine là vũ khí giết người”. Ông ta còn lan truyền thuyết âm mưu của nhóm QAnon về “tầng lớp tinh hoa toàn cầu” đội lốt “quỷ Satan lạm dụng trẻ em”.
Tuy nhiên, Pronk, một cựu kỹ sư máy tính thất nghiệp, người đã chọn biểu tượng cho nhóm là hình ảnh con sư tử trên nền ngọn lửa, cho rằng mình không có lỗi gì khi cuộc biểu tình biến thành bạo động hôm 19/11. 5 người bị thương khi đụng độ với cảnh sát tại Rotterdam, bạo loạn lan rộng khắp đất nước trong ba ngày tiếp theo.
“Bạo lực không phải cách tốt nhất, chắc chắn là thế. Tốt nhất là làm mọi thứ trong hòa bình”, Pronk biện hộ.
Cả trong cuộc bạo động tồi tệ nhất Hà Lan trong vòng 40 năm diễn ra hồi tháng 1 và làn sóng bạo lực hai tuần trước, mạng xã hội không chỉ được các nhóm bài vaccine và thuyết âm mưu sử dụng để tổ chức biểu tình mà còn để tuyên truyền thông tin sai lệch.
“Điểm đặc biệt ở Hà Lan là nhiều cuộc biểu tình Covid-19 diễn biến thành bạo lực trong năm nay”, Ciaran O’Connor, nhà phân tích tại Viện Đối thoại Chiến lược (ISD) ở London, nói.
Trong khi Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte gọi những kẻ bạo loạn là “ngu ngốc” và “cặn bã”, chuyên gia O’Connor cho rằng đối tượng cần chỉ trích là đại dịch thuyết âm mưu lan tràn trên mạng ở Hà Lan.
Chỉ riêng trên Facebook, 125 nhóm hàng đầu tuyên truyền tin nhảm về Covid-19 ghi nhận lượng người theo dõi tăng 63% trong 6 tháng, với tổng thành viên lên tới 789.000 người tại một quốc gia 17 triệu dân, theo nghiên cứu của ISD.
Trong đợt bạo loạn bùng phát từ ngày 19/11, mạng xã hội Telegram tràn ngập các kế hoạch biểu tình và lời kêu gọi bạo loạn, cùng thông điệp bài Hồi giáo, Do thái và người đồng tính.
“Phong trào bài vaccine và chống Covid-19 đang tạo ra không gian cho phép các nhóm tham gia và trút giận bằng bạo lực”, O’Connor nói.
Giới chức Hà Lan cho rằng những kẻ bạo loạn đến từ nhiều thành phần, như các thanh niên giận dữ tới hooligan bóng đá và những người bài vaccine thực sự, nhưng họ cũng lưu ý về tầm quan trọng của mạng xã hội trong các cuộc bạo loạn.
Hồi tháng 6, các cơ quan tình báo Hà Lan bày tỏ lo ngại những cuộc biểu tình như vậy đang là “lò ấp chủ nghĩa cực đoan”.
Tại một đất nước mà 85% người trưởng thành đã tiêm vaccine, phong trào bài vaccine “rõ ràng là nhóm thiểu số”, giáo sư truyền thông chính trị Claes de Vreese tại Đại học Amsterdam, nói.
Nhưng không giống các nước láng giềng, những nhóm này đã được tìm cách khuếch đại ảnh hưởng do “tìm thấy đồng minh chính trị trong quốc hội”, cụ thể là đảng Diễn đàn Dân chủ. Thiery Baudet, chủ tịch đảng cực hữu này, đã từ bỏ luận điệu chống nhập cư, chuyển sang lập trường chống tiêm chủng và thúc đẩy các thuyết âm mưu để lôi kéo cử tri.
Baudet còn được gọi là “Donald Trump của Hà Lan”. Một bài đăng của ông trước cuộc bầu cử hồi tháng 3 từng bị Twitter dán nhãn gây hiểu lầm. Đây là lần đầu một chính trị gia Hà Lan bị mạng xã hội này dán nhãn.
Một nghị sĩ của đảng Diễn đàn Dân chủ gần đây bị khiển trách vì đe dọa đem đồng nghiệp trong quốc hội “ra xét xử” nếu đảng Diễn đàn Dân chủ lên nắm quyền, vì ông này đã ủng hộ các chính sách của chính phủ.
Connor cho hay một số thông tin sai lệch đã lọt qua mạng lưới giám sát của các mạng xã hội vì chúng được lan truyền ở Hà Lan. “Twitter và Facebook không chú trọng vào chức năng gác cổng trước những người dùng vô trách nhiệm ở Hà Lan như ở Mỹ hoặc Anh”, ông nói.